Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng hơn 300 điểm hôm 9/9, củng cố đà phục hồi 3 ngày qua và phá vỡ chuỗi 3 tuần giảm giá khi cả đồng bạc xanh và lợi suất trái phiếu kho bạc “nghỉ xả hơi” sau chuỗi tăng tốc thời gian gần đây.
Đồng USD yếu hơn và sự đảo chiều giữa những người bán khống - những nhà giao dịch đặt cược rằng thị trường sẽ đi xuống - dường như là lý do cho những con số tích cực trong phiên giao dịch hôm 9/9, ông Sameer Samana, chiến lược gia thị trường toàn cầu cấp cao tại Viện đầu tư Wells Fargo cho biết.
Đồng USD giảm là một tin tích cực cho chứng khoán Mỹ, đặc biệt là các cổ phiếu đa quốc gia có chi phí cao ở Mỹ nhưng bán được nhiều sản phẩm của họ ở nước ngoài. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kho bạc giảm thường giúp cổ phiếu tăng trưởng tốt hơn.
Sự sụt giảm của 2 chỉ số này vẫn chưa thấm vào đâu so với quãng thời gian tăng trưởng nhiều tháng qua. Chỉ số USD chỉ giảm 1,5% so với mức cao nhất trong chu kỳ gần đây là 110,70 USD. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm chỉ giảm vài điểm cơ bản xuống 3,31 từ 3,33% vào cuối ngày 8/9.
Tuy nhiên, ngay cả những biến động nhỏ đối với đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc cũng có thể có tác động lớn đến các loại tài sản khác nhau, theo bà Katie Stockton, người sáng lập và đối tác quản lý tại công ty nghiên cứu Fairlead Strategies.
Chỉ số S&P 500 đạt 4.067,36, tăng 1,53%. Đây là lần tăng thứ 3 liên tiếp, và kết thúc với mức tăng 3,7%/tuần. Đây là tuần tốt nhất với chỉ số này kể từ tháng 7.
Tất cả 11 lĩnh vực trong chỉ số S&P 500 đều tăng, mặc dù các nhà sản xuất hàng gia dụng và tiện ích, vốn thường được coi là các khoản đầu tư ít rủi ro hơn, đã tụt lại thị trường.
Sự tăng trưởng rầm rộ của các công ty công nghệ đã đẩy chỉ số Nasdaq 12.112,31, tăng 2,11%, trong khi chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones đạt 32.151,71, tăng 1,19%. Cả hai chỉ số cũng ghi nhận mức tăng hàng tuần đầu tiên sau 4 tuần.
Bitcoin tăng 6,76% lên 21.291 USD, đạt mức cao nhất trong 2 tuần. Lợi tức kho bạc kỳ hạn 2 năm tăng từ 3,51% lên 3,57%.
Chứng khoán Mỹ đã tăng trưởng trong tháng 7 và một phần của tháng 8 khi các nhà đầu tư hi vọng Fed sẽ giảm bớt việc tăng lãi suất. Tuy nhiên, sự kiên quyết của Fed đã khiến các chỉ số sụt giảm trong vài tuần qua.
Tuần tới sẽ là một tuần bận rộn khi Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo về giá tiêu dùng tháng 8 vào ngày 13/9 và báo cáo về giá bán buôn vào ngày 14/9. Ngày 15/9, Phố Wall sẽ có một bản cập nhật về doanh số bán lẻ cho tháng 8.
Các chỉ số khác
Giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ tăng 3,33% lên 86,32 USD/thùng. Dầu thô Brent chuẩn quốc tế tăng 3,66% lên 92,41 USD.
Giá dầu thô Mỹ giao tháng 10 tăng 3,25 USD lên 86,79 USD/thùng hôm 9/9. Dầu Brent giao tháng 11 tăng 3,69 USD lên 92,84 USD/thùng.
Giá xăng bán buôn giao tháng 10 tăng 8 cent lên 2,43 USD/gallon. Dầu sưởi tháng 10 tăng 4 cent lên 3,58 USD/gallon. Khí tự nhiên tháng 10 tăng 8 cent lên 8 USD/1.000 feet khối. Giá Ether tăng 2,72% lên 1,717 USD.
Giá vàng tăng 0,35% lên 1.726,30 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 tăng 8,40 USD lên 1.728,60 USD/ounce. Bạc giao tháng 12 tăng 33 cent lên 18,77 USD/ounce và đồng giao tháng 12 tăng 4 cent lên 3,57 USD/pound.
Đồng USD giảm xuống 142,71 Yên từ 144,03 Yên. Đồng Euro tăng lên 1,0043/USD từ 99,92 cent/USD.
Nhà đầu tư tỷ phú Bill Gross đang đặt cược vào việc đồng bảng Anh sẽ tăng giá so với đồng USD, vì ông kỳ vọng thâm hụt thương mại của Mỹ đang gia tăng và việc Cục Dự trữ Liên bang sớm kết thúc đợt tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng đến đồng bạc xanh của Mỹ.
Một số nhà đầu tư giỏi nhất thế giới đang đặt cược vào cổ phiếu công nghệ từ Trung Quốc, hiện đang phải đối mặt với các quy định ngày càng thắt chặt, việc đóng cửa do Covid và những thách thức kinh tế gia tăng trong nước.
Nguyễn Tuyết (Theo Business Insider, AP)