6 năm qua, sản lượng khai thác trong nước liên tục giảm, nếu tính bình quân, mỗi năm sản lượng dầu thô giảm một triệu tấn. Vì thế, việc cần gia tăng trữ lượng là bài toán đặt ra với ngành dầu khí khi khai thác dầu thô ngày càng khó khăn hơn trước.
Theo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), nhiều giải pháp kỹ thuật đảm bảo phát triển mỏ, khoan, thử vỉa dầu, can thiệp giếng... được tập đoàn này áp dụng để gia tăng trữ lượng dầu khí.
Với kết quả thử vỉa (xác định có dòng dầu hay không) ban đầu tại một số mỏ, PVN cho biết, sản lượng khai thác được khoảng 2.500 thùng một ngày. Nhưng để đưa các vỉa dầu này vào khai thác vẫn cần phê duyệt về kế hoạch phát triển mỏ dầu khí (FDP) và hiện thẩm quyền quyết định thuộc Thủ tướng.
PVN đề nghị rút ngắn quy trình thủ tục xem xét, phê duyệt kế hoạch phát triển mỏ dầu khí và Thủ tướng phân cấp, uỷ quyền cho tập đoàn để thực hiện.
Bộ Công Thương, Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp ủng hộ đề xuất này của PVN. Các cơ quan này cho rằng, việc PVN chủ động xây dựng các giải pháp gia tăng sản lượng khai thác dầu khí là cần thiết, nên việc phân cấp sẽ tạo thuận lợi cho tập đoàn trong điều chỉnh kế hoạch phát triển mỏ dầu khí.
Tuy nhiên, hai cơ quan này lưu ý PVN chịu trách nhiệm giám sát hoạt động, chi phí liên quan, tối ưu chế độ khai thác, bảo đảm an toàn và không làm ảnh hưởng tới sản lượng, hiệu quả dự án.
Ngoài các giải pháp tổng thể, PVN đề xuất Thủ tướng giao tập đoàn này phê duyệt kế hoạch sửa chữa một số giếng, mỏ dầu để tăng sản lượng khai thác.
PVN đề cập tới kế hoạch khoan cắt thân, tái hoàn thiện giếng N17XP mỏ Chim Sáo lô 12W. Đầu năm 2021, thiết bị ngăn cách các tập sản phẩm của giếng khoan này bị hỏng, làm sản lượng dầu khai thác tại giếng chỉ còn 1/6 so với trước. Các giải pháp kỹ thuật khắc phục được triển khai nhưng chưa đạt sản lượng dầu khai thác như kỳ vọng. Để sửa chữa và đưa giếng trở lại hoạt động bình thường, nhà điều hành đề xuất phương án khoan cắt thân và tái hoàn thiện giếng.
Việc này sẽ giúp lượng dầu tại giếng tăng thêm 0,94 triệu thùng so với giữ nguyên như hiện nay và tăng sản lượng khai thác dầu hai năm tới khoảng 500.000 thùng.
Thực tế, theo PVN, khoan cắt thân giếng về bản chất là sửa chữa để duy trì hoạt động của giếng, tận dụng trang thiết bị, thân giếng hiện hữu để khai thác dầu khí hiệu quả. Tuy nhiên, quy định hiện nay chưa rõ ràng, dẫn tới trình tự thủ tục khoan cắt thân phải thực hiện như một dự án dầu khí đầy đủ, ảnh hưởng tới tiến độ, hiệu quả.
Vì thế, cần rút gọn quy trình xem xét phê duyệt khoan cắt thân giếng, phân cấp cho PVN chủ động phê duyệt và yêu cầu nhà thầu cập nhật vào kế hoạch phát triển mỏ...
Nêu quan điểm, Bộ Công Thương cho rằng, việc sớm phê duyệt khoan cắt thân, tái hoàn thiện giếng N17XP mỏ Chiam sáo, lô 12W và sửa chữa, thay thế các đoạn ống... sẽ tạo điều kiện để nâng cao hệ số thu hồi dầu khí, gia tăng sản lượng khai thác tại các mỏ hiện nay.
PVN chịu trách nhiệm giám sát hoạt động và chi phí liên quan, tối ưu khai thác và bảo đảm an toàn, không ảnh hưởng tới sản lượng, hiệu quả dự án.
Năm 2021, Việt Nam khai thác gần 11 triệu tấn dầu thô, trong đó 9,1 triệu tấn từ các mỏ trong nước và gần 1,9 triệu tấn khai thác từ các mỏ nước ngoài mà PVN hợp tác, đầu tư.
7 tháng đầu năm, sản lượng khai thác dầu thô của PVN đạt 6,38 triệu tấn, vượt 22% so với kế hoạch. Tập đoàn này đặt mục tiêu cả năm khai thác gần 17,9 triệu tấn dầu khí, trong đó khai thác dầu cả năm khoảng 10,22 triệu tấn, tăng gần 1,5 triệu tấn so với 2021.
Anh Minh