Theo số liệu từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), thanh khoản thị trường chứng khoán phái sinh tiếp tục có diễn biến sụt giảm trong tháng 8/2022. Khối lượng giao dịch bình quân hợp đồng VN30 đạt 195.967 hợp đồng/phiên, giảm 15,87% so với tháng trước, tương ứng giá trị giao dịch (theo danh nghĩa hợp đồng) bình quân đạt 25.014 tỷ đồng, giảm 12,31% so với tháng trước.
Dù khối lượng giao dịch giảm nhưng khối lượng mở (OI) hợp đồng tương lai vẫn tăng 4,99% so với tháng trước, đạt 42.241 hợp đồng tại phiên giao dịch cuối tháng 8/2022. Đặc biệt, phiên giao dịch ngày 17/8/2022 có OI đạt 65.760 hợp đồng, đây là mức OI cao nhất kể từ khi thị trường đi vào hoạt động.
Đối với sản phẩm hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ (TPCP), loại kỳ hạn 5 năm có KLGD đạt 760 hợp đồng, tương ứng giá trị giao dịch theo danh nghĩa hơn 810 tỷ đồng, trong khi loại kỳ hạn 10 năm không có giao dịch. Khối lượng OI hợp đồng tương lai TPCP vào cuối tháng 8/2022 là 0 hợp đồng.
Nguồn: HNX
Thị trường chứng khoán phái sinh chính thức được khai trương giao dịch tại HNX vào ngày 10/8/2017 với sản phẩm phái sinh đầu tiên được giao dịch là hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30. Năm 2019, thị trường có thêm sản phẩm hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm. Năm 2021, HNX tiếp tục đưa vào giao dịch sản phẩm hợp đồng tương lai TPCP kỳ hạn 10 năm.
Sau 5 năm hoạt động, thị trường phái sinh đã có sự tăng trưởng vượt các kỳ vọng đặt ra và trở thành một kênh đầu tư hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường cơ sở nhiều biến động. Quy mô và thanh khoản thị trường có sự tăng trưởng mạnh mẽ, thị trường thu hút sự tham gia ngày càng tích cực của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Tính đến cuối tháng 8, đã có hơn 1,08 triệu tài khoản giao dịch phái sinh của các nhà đầu tư được mở, gấp 434 lần năm 2017. Giao dịch cũng đã sôi động hơn nhiều với khối lượng bình quân tăng khoảng 20 lần so với thời gian đầu triển khai, thậm chí phiên kỷ lục ngày 21/6/2022 còn ghi nhận KLGD lên đến 506.025 hợp đồng, tương ứng GTGD theo danh nghĩa hơn 62.000 tỷ đồng.
Hoạt động giao dịch vẫn tập trung chủ yếu ở các nhà đầu tư cá nhân trong nước, tuy nhiên cơ cấu đã dần dịch chuyển theo hướng tăng tỷ trọng của nhà đầu tư tổ chức. Ngoài ra, tỷ trọng giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường phái sinh cũng tăng lên qua từng năm, thường gấp 2 - 3 lần năm trước.
Từ đầu năm 2022, giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng khoảng 2,2% tổng KLGD trên toàn thị trường trong khi con số này năm 2017 chỉ ở mức 0,1%.
Bên cạnh vai trò là một kênh đầu tư, thị trường phái sinh còn thể hiện vai trò phòng vệ rủi ro cho thị trường cơ sở. Đặc biệt, khi thị trường cơ sở giảm điểm mạnh, thị trường phái sinh góp phần làm giảm áp lực bán tháo trên thị trường cơ sở, giúp ổn định tâm lý nhà đầu tư, giảm quy mô và mức độ sụt giảm trên thị trường cơ sở.
Do đó, thanh khoản của HĐTL VN30 thường tăng đột biến tại những thời điểm chỉ số biến động mạnh do ảnh hưởng bởi những thông tin không thuận lợi như xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc, đại dịch Covid-19, căng thẳng Nga - Ukraine hay sự sụt giảm của chứng khoán toàn cầu.
Xem thêm: mth.50952052111902202-man-5-uas-nal-434-pag-gnat-hnis-iahp-hcid-oaig-naohk-iat-os/nv.ahos