Hiện xe buýt tuyến đến/đi từ Tân Sơn Nhất còn ít và đi chung mặt bằng giao cắt với làn ôtô các loại, làn khách đi, đến tại ga quốc nội Tân Sơn Nhất - Ảnh: CÔNG TRUNG
Khai trương tuyến xe buýt Tân Sơn Nhất - bến xe buýt Sài Gòn
Hôm nay (12-9), Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP tổ chức lễ khai trương tuyến xe buýt 109 (bến xe buýt Sài Gòn - sân bay Tân Sơn Nhất). Theo đó, sẽ có thêm 1 tuyến xe buýt ra vào sân bay để giải tỏa hành khách, góp phần tháo gỡ ùn tắc cho khu vực này.
Tuyến 109 sẽ đón khách tại dãy B ga quốc nội (B17-B20) và khu vực đối diện sảnh ra của ga quốc tế. Mức giá từ 8.000 - 15.000 đồng/lượt.
Trung tâm cho biết tuyến xe buýt này do Công ty CP Xe khách Phương Trang khai thác với hệ thống xe buýt hiện đại, thiết kế xe phù hợp với việc hành khách có nhiều hành lý. Trung tâm cũng kỳ vọng thời gian tới sẽ phối hợp với Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất ưu tiên phát triển xe buýt trong sân bay phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Trước đó, báo Tuổi Trẻ có loạt bài phản ánh về tình trạng "bát nháo" giao thông ở sân bay Tân Sơn Nhất, taxi, xe buýt thiếu, người dân vất vả đi lại...
Xăng dầu sẽ giảm giá vào chiều nay
Xăng có thể giảm giá vào chiều 12-9 khi giá thành phẩm tại thị trường Singapore hạ nhiệt - Ảnh: NGỌC HIỂN
Từ 15h hôm nay, liên bộ Công Thương - Tài chính sẽ điều chỉnh giá xăng dầu trong nước sau khi lùi 1 ngày do kỳ điều hành 11-9 rơi vào ngày nghỉ. Cả xăng và dầu đều có khả năng cao giảm giá mạnh khi dữ liệu cho thấy cả dầu thô lẫn xăng dầu thành phẩm đều đã hạ nhiệt so với kỳ điều hành trước.
Dữ liệu của Bộ Công Thương cho thấy đến ngày 8-9, giá xăng RON92 tại thị trường Singapore giảm khá sâu, còn 91,11 USD/thùng, xăng RON95 còn 98,83 USD thùng và dầu DO là 129 USD/thùng.
Với nền giá xăng dầu thành phẩm giảm trong thời gian qua, các doanh nghiệp nhập khẩu tính toán giá xăng, dầu nhập khẩu đang cao hơn giá bán lẻ trong nước. Do đó, các doanh nghiệp cho biết nhiều khả năng giá xăng sẽ giảm khoảng 1.000 đồng/lít và dầu DO khoảng 1.200 đồng/lít.
Tuy vậy, mức giảm này còn phụ thuộc vào mức trích quỹ bình ổn xăng dầu khi kỳ trước cơ quan điều hành đã chi 300 đồng/lít đối với dầu DO và trích 493 đồng/lít đối với xăng RON95.
Tính đến ngày 5-9, quỹ bình ổn tại Petrolimex đã tích lũy hơn 800 tỉ đồng, Tổng công ty Xăng dầu Quân đội (Mipecorp) là 161 tỉ đồng, PVOIL âm 821 tỉ đồng, Công ty Cổ phần Thương mại Dầu khí Đồng Tháp (Petimex) là 292 tỉ đồng, Saigon Petro (tính đến 9-9) là gần 243 tỉ đồng…
Đến năm 2025, Việt Nam sẽ có 1,5 triệu doanh nghiệp hoạt động trên cả nước
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa trình Chính phủ ban hành nghị quyết về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025. Nghị quyết này nếu được ban hành sẽ thay thế nghị quyết 35 năm 2016 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.
Sản xuất hàng dệt may tại một doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Hòa Khánh, Đà Nẵng - Ảnh: TẤN LỰC
Theo dự thảo, Chính phủ sẽ tung ra một loạt giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng với tình hình mới, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và phục hồi nhanh, đổi mới sáng tạo, phát triển sản xuất kinh doanh xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025 cả nước sẽ có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp, tốc độ tăng bình quân số doanh nghiệp đang hoạt động, có kết quả kinh doanh khoảng 8%/năm, có từ 8.000 - 10.000 hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp/năm.
Để đạt được mục tiêu, Chính phủ cũng đưa ra một loạt giải pháp như thúc đẩy đầu tư công để khơi nguồn lực cho sản xuất kinh doanh; hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp, nguồn lực hỗ trợ từ Nhà nước; khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 8-2022 cả nước có khoảng 991.143 doanh nghiệp đang hoạt động.
Việt Nam chi 5 triệu USD hỗ trợ Cuba nuôi tôm hùm, cá rô phi
Văn phòng Chính phủ vừa lấy ý kiến các bộ Xây dựng, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Ngoại giao về dự án hỗ trợ Cuba nuôi trồng thủy sản giai đoạn 3 từ năm 2022-2025.
Trước đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã báo cáo Thủ tướng mục tiêu thực hiện dự án nhằm đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ thiết bị, vật tư nghiên cứu và nuôi cá rô phi, tôm hùm, tôm thẻ chân trắng tại một số tỉnh của Cuba để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa, hướng tới xuất khẩu.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kinh phí thực hiện dự án khoảng 154,68 tỉ đồng, trong đó Chính phủ cấp từ ngân sách trung ương 122,5 tỉ đồng, tương đương khoảng 5 triệu USD. Phía Cuba cấp khoảng 29.963.000 CUP, tương đương khoảng 1,31 triệu USD.
Vĩnh Long đặt mục tiêu xuất khẩu rau củ quả đạt 30 triệu USD
UBND tỉnh Vĩnh Long vừa ban hành kế hoạch thực hiện đề án phát triển ngành chế biến rau quả giai đoạn 2021-2030, phục vụ đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả.
Tỉnh này đặt mục tiêu đến năm 2030 kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả của tỉnh đạt khoảng 30 triệu USD, góp phần vào mục tiêu nâng giá trị kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước đạt từ 8 - 10 tỉ USD.
Trồng trọt và thu hoạch nông sản tại tỉnh Vĩnh Long - Ảnh: CHÍ HẠNH
Theo đề án, tỉ trọng giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm rau quả chế biến đạt 30% trở lên, giảm tổn thất sau thu hoạch rau quả đến năm 2030 đạt nhỏ hơn 10%; trên 70% cơ sở chế biến, bảo quản rau quả xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đạt trình độ và công nghệ sản xuất tiên tiến; công suất chế biến đạt 24.000 tấn sản phẩm/năm (gấp đôi so với năm 2020) và thu hút các doanh nghiệp có quy mô lớn và vừa đầu tư vào ngành chế biến rau quả.
Vĩnh Long hiện có khoảng 16.942ha rau củ quả các loại, sản lượng hằng năm đạt khoảng 280.000 tấn, tỉnh có 17 cơ sở chế biến rau quả quy mô vừa, nhỏ và hộ gia đình với tổng công suất thiết kế khoảng 12.000 tấn sản phẩm/năm…
Tuy nhiên, sản xuất và chế biến, bảo quản rau củ quả của Vĩnh Long hiện chưa phát huy hết tiềm năng, tỉ lệ rau quả đưa vào chế biến chỉ đạt 10%, công tác bảo quản kém, tổn thất sau thu hoạch cao trên 20%, tổ chức liên kết còn lỏng lẻo…
Để thực hiện mục tiêu đề án, tỉnh đặt ra những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sẽ đẩy mạnh đầu tư nâng cao năng lực chế biến, phát triển cơ sở sơ chế và bảo quản rau quả, đẩy mạnh chế biến các sản phẩm rau quả chủ lực, sản phẩm có giá trị gia tăng cao; tổ chức sản xuất rau quả nguyên liệu phục vụ chế biến; phát triển thị trường tiêu thụ.
TP.HCM đình chỉ 2 cơ sở karaoke chưa nghiệm thu phòng cháy đã kinh doanh
Kiên quyết tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động cơ sở không bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy theo quy định; giám sát chặt chẽ, kiểm tra và xử lý triệt để các trường hợp không chấp hành quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động và xử lý nghiêm chủ đầu tư công trình kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, quán bar chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy đã đi vào hoạt động.
Đây là chỉ đạo của UBND TP.HCM về triển khai các giải pháp phòng cháy, chữa cháy đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, quán bar và các cơ sở có tính chất hoạt động tương tự tại TP.
UBND TP.HCM giao cho Công an TP.HCM chủ trì, phối hợp UBND các địa phương triển khai kế hoạch kiểm tra, rà soát đánh giá, phân loại các cơ sở có nguy cơ cháy cao trên địa bàn, nhất là các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, quán bar, kịp thời phát hiện chấn chỉnh, khắc phục và xử lý nghiêm các vi phạm về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Công an TP rà soát, xây dựng và tổ chức diễn tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; trang bị, bảo đảm trang phục và thiết bị bảo hộ cá nhân cho cán bộ, chiến sĩ tham gia chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; chuẩn bị lực lượng, phương tiện và tổ chức nghiêm công tác thường trực để sẵn sàng chữa cháy, cứu nạn khi có các tình huống cháy, nổ, sự cố, tai nạn.
UBND TP yêu cầu Sở Văn hóa và Thể thao chỉ đạo quản lý chặt việc cấp giấy đủ điều kiện kinh doanh đối với dịch vụ karaoke, vũ trường; không cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ đối với các công trình chưa đảm bảo các điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định pháp luật; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Theo thống kê của Công an TP.HCM, hiện nay TP có khoảng 414 loại hình cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường, quán bar. Thời gian qua lực lượng công an đã kiểm tra khoảng 50% số cơ sở và phát hiện rất nhiều vấn đề sai sót, vi phạm về các quy định an toàn phòng cháy, chữa cháy và cũng đã xử lý vi phạm trên 90 cơ sở, với số tiền là 300 triệu đồng.
Trong đó, có 2 đơn vị, cơ sở đã bị tạm đình chỉ hoạt động với lý do vi phạm là chưa thực hiện thẩm duyệt, nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy nhưng đã đưa vào hoạt động, kinh doanh.
TTO - Gần 45% doanh nghiệp vận tải tuyến cố định đã giảm giá cước sau khi xăng giảm giá; Xuất khẩu thủy sản sang Nga đảo chiều tăng mạnh; Ngập lụt có thể kéo dài ở ngoại thành Hà Nội... là những tin đáng chú ý sáng nay.