Sóc Trăng hiện đang triển khai nhiều giải pháp tăng cường khả năng liên kết tiêu thụ sản phẩm cho các hợp tác xã, tổ hợp tác… và sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) nhằm giải quyết đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp nông thôn, giúp tăng thu nhập cho chủ thể, tạo thêm việc làm cho lao động địa phương
Tính đến cuối tháng 8/2022, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Sóc Trăng đã phối hợp ban chỉ đạo đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể các huyện, thị xã đã triển khai đến các huyện: Kế Sách, Long Phú, Thạnh Trị và thị xã Vĩnh Châu. Trong liên kết tiêu thụ sản phẩm đã có 18 hợp tác xã ký hợp đồng nguyên tắc với Bưu điện tỉnh Sóc Trăng.
Cụ thể, huyện Kế Sách thực hiện 12 hợp đồng với các Hợp tác xã nông sản trái cây; huyện Long Phú có 2 hợp đồng tiêu thụ bưởi da xanh và thanh nhãn; thị xã Vĩnh Châu có 2 hợp đồng tiêu thụ hành tím và thanh nhãn; huyện Thạnh Trị có 2 hợp tác xã ký kết hợp đồng nguyên tắc với sản phẩm gạo…
Trong số đó, nổi trội nhất là việc ký hết hợp đồng giữa Hợp tác xã Nông sản hữu cơ Samaki (thị xã Vĩnh Châu) với Bưu điện tỉnh xuất ra thị trường hơn 40 tấn hành tím, thông qua liên kết tiêu thụ.
Dự kiến đến khoảng tháng 11 âm lịch sẽ tiếp tục thu hoạch với sản lượng ước tính khoảng 100 tấn. Hợp tác xã Trinh Lợi huyện Kế Sách trong năm tới sẽ thu hoạch và xuất ra thị trường khoảng 200 tấn sầu riêng Monthon và Ri6…
Trao đổi với TTXVN, Giám đốc Bưu điện tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Ngọc Thơ cho biết, với lợi thế mạng lưới rộng khắp 63 tỉnh, thành, nguồn nhân lực đông, quy trình thu gom, vận chuyển nhanh, đảm bảo việc tiêu thụ sản phẩm cho các Hợp tác xã là điều kiện vô cùng thuận lợi, nhanh chóng. Đơn vị sẽ thanh toán trước 30% đơn hàng sau khi có sự xác nhận hai bên, đến khi hàng hóa được vận chuyển sẽ thanh toán phần còn lại qua hình thức chuyển khoản.
Bà Nguyễn Ngọc Thơ khẳng định, các sản phẩm kết nối tiêu thụ là nông sản theo mùa vụ, đặc sản, đặc trưng của địa phương và không bao tiêu cả vườn, chỉ chọn sản phẩm chất lượng, đặt hàng theo nhu cầu mỗi đợt, có thông báo trước cho nông dân chuẩn bị; giá cả thu mua theo biến động thị trường, đảm bảo lợi nhuận cho nông dân. Đồng thời, sẽ hướng dẫn quy cách đóng gói, kiểm tra chất lượng sản phẩm, thỏa thuận về thời điểm, địa điểm giao hàng.
Bên cạnh đó, tỉnh Sóc Trăng cũng chú trọng thực hiện định hướng phát triển, tạo thương hiệu cho sản phẩm OCOP. Việc đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP sẽ góp phần giúp các chủ thể phát triển sản xuất, nâng cấp chất lượng sản phẩm cung ứng rộng rãi trên thị trường, quảng bá hình ảnh đặc trưng của địa phương thông qua sản phẩm đạt được xếp hạng sao, giúp tăng thu nhập cho chủ thể, tạo thêm việc làm cho lao động địa phương.
Thực tế, khi sản phẩm được tỉnh đánh giá, xếp hạng đạt sao OCOP thì nhiều chủ thể OCOP cho biết doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP nhận được đơn đặt hàng cung cấp cho các siêu thị, đại lý trong và ngoài tỉnh tăng lên từ 10 – 40%.
Qua đó, mở ra hướng phát triển cho các vùng sản xuất nguyên liệu cũng như tạo ra các sản phẩm mang thương hiệu, uy tín, chất lượng và mở rộng thị trường cho các chủ thể OCOP.
Hiện nay, chương trình được triển khai thực hiện tại 109 xã, phường, thị trấn thuộc 11 huyện, thị, thành phố của tỉnh Sóc Trăng. Bằng nhiều nỗ lực và triển khai đồng bộ các giải pháp, hiện Sóc Trăng có khoảng 180 sản phẩm OCOP được chứng nhận.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Vương Quốc Nam, kiêm Chủ tịch Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP Sóc Trăng cho biết, trong thời gian tới tỉnh hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cũng như xác lập và đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; tập trung phát triển, nâng chất các sản phẩm đã được đánh giá; hỗ trợ thiết kế logo, nhãn hiệu, bao bì sản phẩm, tạo sức hấp dẫn cho các sản phẩm; thực hiện xúc tiến thương mại điện tử để bán sản phẩm OCOP; phát triển thị trường, xây dựng cơ sở dữ liệu về thông tin thị trường đối với các sản phẩm OCOP Sóc Trăng.
Mặt khác, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các sở, ngành liên quan gắn kết chặt chẽ trong khâu hỗ trợ chủ thể kết nối tiêu thụ, quảng bá sản phẩm OCOP trên thị trường. Đối với các chủ thể có sản phẩm đạt sao OCOP cần tiếp tục duy trì, nâng cấp chất lượng sản phẩm phục vụ nhu cầu người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, kể cả hướng đến thị trường xuất khẩu…
Đồng thời, tỉnh tiếp tục khai thác có hiệu quả các cửa hàng giới thiệu – liên kết – tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đặc sản – an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Sóc Trăng tại điểm du lịch chùa Chén Kiểu, xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên. Hiện cửa hàng có trên 20 cơ sở, doanh nghiệp ký gửi hàng hóa với hơn 120 loại sản phẩm có niêm yết giá và kiểm soát nguồn gốc xuất xứ để trưng bày, giới thiệu và bán cho khách du lịch trong và ngoài tỉnh….
“Tuần hàng tư vấn, giới thiệu sản phẩm OCOP Tp.Hà Nội 2022”
Sáng 9/9 vừa qua, tại Hà Nội, Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới Tp.Hà Nội đã phối hợp với UBND quận Bắc Từ Liêm tổ chức khai mạc Tuần hàng tư vấn, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội năm 2022.
Phát biểu khai mạc Tuần hàng tư vấn, giới thiệu sản phẩm OCOP Tp.Hà Nội năm 2022, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết: Với hơn 100 gian hàng, tuần hàng nhằm tuyên truyền về Chương trình OCOP, sản phẩm OCOP để các doanh nghiệp, cá nhân nhận diện, xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm.
Tuần hàng cũng nhằm hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn các chủ thể có sản phẩm OCOP sản xuất cung ứng sản phẩm OCOP đảm bảo tiêu chuẩn, yêu cầu, thị hiếu, thủ tục của nhà phân phối, người tiêu dùng nhằm đẩy mạnh khai thác, tiêu thụ sản phẩm OCOP chất lượng, nguồn gốc rõ ràng, giá cả phù hợp.
Sự kiện cũng là hoạt động giúp cho các chủ thể sản xuất, kinh doanh tăng cường kết nối giao thương tìm đầu ra cho sản phẩm, trao đổi kinh nghiệm về chuyển đổi số, các giải pháp thích ứng linh hoạt sau đại dịch và biến động thị trường. Đặc biệt, đây còn là hoạt động thiết thực hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới.
Trong thời gian tới, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới Tp.Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại nhằm quảng bá, tiêu thụ sản phẩm; Phát triển kinh tế nông thôn, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân.
Đồng thời, Hà Nội phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp nhằm sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Cơ quan chức năng cũng đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, giám sát về việc duy trì và phát triển chất lượng sản phẩm các chủ thể sau khi được chứng nhận sản phẩm OCOP.
Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, có thêm 2.000 sản phẩm OCOP được chứng nhận từ 3 sao trở lên; Củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được UBND Thành phố đánh giá và phân hạng; Ít nhất 70% chủ thể OCOP là tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp; Có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng hoặc tham gia liên kết chuỗi giá trị ổn định, hiệu quả.
Hương Anh (tổng hợp)