Về xã Điền Hải, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu, thay bằng những cánh đồng lúa bát ngát thẳng cánh cò bay là những vuông tôm trắng xoá rào rào quạt nước và nhộn nhịp xe chở hàng vào ra. Gặp chị Nguyễn Thanh Thuỷ, người phụ nữ miền Tây dịu dàng, trắng trẻo, ít ai nghĩ rằng lại là một người nuôi tôm có thâm niên hàng chục năm nay. Những ao nuôi tôm của chị có lẽ phải gọi là cánh đồng tôm công nghệ cao mới đúng vì có đến 300 ao nuôi, mỗi ao rộng chừng 1.000 – 1.500 m2. Ao nuôi đều được lót bạt, có mái che, ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất trong nuôi tôm hiện nay.
“Trước kia nuôi ao đất tự nhiên, khoảng 4 năm gần đây phát triển nuôi nhà kính công nghệ cao, ao nuôi lót bạt toàn bộ có mái che, xuất khẩu sang nước ngoài. Giờ nuôi công nghệ cao có con giống, có kỹ sư, có trang thiết bị nên thành công đến 80-90%” - chị Nguyễn Thanh Thuỷ nói.
Chị Nguyễn Thanh Thuỷ, chủ doanh nghiệp tư nhân Thuỷ sản Thanh Thuỷ Bạc Liêu là một trong 300 nông dân Việt Nam xuất sắc 5 năm qua được Trung ương Hội Nông dân bình chọn, vinh danh lần này. Không chỉ đầu tư nuôi tôm công nghệ cao, chị Thuỷ còn liên kết với doanh nghiệp xuất khẩu, đứng ra thu mua thuỷ sản cho bà con trong vùng. Doanh nghiệp của chị tạo việc làm cho khoảng 100 lao động, với mức lương cao từ 10 triệu đến 20 triệu đồng/người/tháng.
Không chỉ giỏi kinh doanh, chị còn là người có tấm lòng hảo tâm, thường xuyên hỗ trợ các hộ nghèo như tặng gạo thóc, thực phẩm, tạo công văn việc làm, xây dựng nhà tình thương trị giá hàng chục triệu đồng, xây cầu, làm đường giúp cho quê hương.
Cũng tận dụng lợi thế ven biển, không cam chịu đói nghèo, đã từng đi lao động nghề biển ở Hàn Quốc, anh Hoàng Minh Thắng ở xã Hải Ninh, Huyện Quảng Ninh, Quảng Bình quyết tâm về quê bám trụ vượt khó làm giàu. Anh đầu tư vào nuôi tôm thẻ chân trắng và nuôi lợn thịt sinh sản.
Sau hơn 10 năm, giờ đây anh Hoàng Minh Thắng sở hữu 3 ha ao tôm công nghệ cao và nuôi 1.200 con lợn sinh sản theo phương thức chuồng lạnh khép kín. Ứng dụng công nghệ mới, chăn nuôi sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm cộng với ý chí quyết tâm là bí quyết làm giàu của anh Hoàng Minh Thắng.
“Công nghệ quan trọng nhất, kỹ thuật ngày càng cao. Sản phẩm sạch nuôi vi sinh hết, không có hoá chất. Phải học hỏi tìm tòi, đúc rút kinh nghiệm, hai nữa là phải đam mê nghề nghiệp, làm mà chán thì không được đâu” - anh Hoàng Minh Thắng nói.
Được vinh danh là nông dân Việt Nam xuất sắc lần này, anh Hoàng Minh Thắng hết sức vui mừng khi lần đầu tiên được ra Hà Nội, được dự một hội nghị lớn của những nông dân giỏi: “Lần đầu tiên ra Hà Nội. Người nông dân được đi như vậy quá mừng rồi, rất vui. Có động lực để cho người khác noi gương học theo làm giàu ngày càng đạt hiệu quả hơn”.
Chất lượng và hiệu quả phong trào Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi ngày càng nâng cao, tiếp tục xuất hiện nhiều hộ có quy mô sản xuất lớn, có vốn kinh doanh hàng trăm tỷ đồng, thu hút hàng chục, hàng trăm lao động, thu nhập hàng năm từ hàng trăm triệu đồng đến hàng chục tỷ đồng.
Bà Bùi Thị Thơm, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đánh giá: “Giai đoạn 5 năm này, phong trào thi đua có những điểm khác biệt hơn, đó là xuất hiện nhiều hơn những mô hình kinh tế trang trại, mô hình hợp tác, HTX, mô hình nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, chương trình ứng dụng công nghệ cao, chương trình chuyển đổi số…
Các cấp Hội Nông dân cũng tuyên truyền, vận động, biểu dương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi kịp thời ở địa phương.
Ông Trần Đăng Sâm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh cho biết: “Không chỉ phát động suông. Hội chúng tôi làm khâu trung gian bằng nguồn lực, uy tín thì liên kết các nhà như nhà khoa học, doanh nghiệp giúp đỡ nông dân tiêu thụ sản phẩm, thị trường, sản xuất hiệu quả”.
Nhiều tấm gương nông dân vượt qua khó khăn, thử thách, phát huy lợi thế của địa phương, khai thác mọi tiềm năng đất đai, lao động, tiền vốn để phát triển những mô hình sản xuất hiệu quả, trở thành những hộ sản xuất kinh doanh giỏi, là tấm gương cho nhiều người noi theo./.
Xem thêm: vov.150559tsop-man-iom-gnod-yt-gnah-pahn-uht-uaig-mal-nad-gnon/et-hnik/nv.vov