Mở đầu tháng 9/2022, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận một tuần giảm điểm mạnh. Chỉ số VN-Index lui về dưới vùng 1.250 điểm.
Nhà đầu tư cá nhân cần lưu ý, bắt đầu từ hôm nay (12/9), HOSE sẽ bắt đầu cho phép nhà đầu tư giao dịch lô lẻ từ 1 - 99 cổ phiếu trở lại thay vì chỉ từ 100 cổ phiếu trở lên trong thời gian qua. Cùng với việc rút ngắn chu kỳ giao dịch từ T+3 về T+2 như trước đây, đây được kỳ vọng là cú hích về mặt thanh khoản cho thị trường trong thời gian tới.
Dữ liệu mới nhất từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam cho thấy, trong tháng 8 vừa qua, số tài khoản giao dịch của nhà đầu tư mở mới đạt 155.456 tài khoản, con số này giảm 22% so với lượng tài khoản mở mới trong tháng 7 là 199.562 tài khoản.
Dù số tài khoản nhà đầu tư cá nhân mở mới trên thị trường đã giảm đáng kể, nhưng không thể phủ nhận một lượng lớn nhà đầu tư đã tham gia thị trường trong 2 năm vừa qua, với họ chứng khoán đã trở thành một kênh đầu tư quen thuộc và nhà đầu tư cũng đã chuyên nghiệp hơn.
Mở đầu tháng 9/2022, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận một tuần giảm điểm mạnh. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Tham gia vào một nhóm đầu tư qua Zalo, Telegram rồi nghe theo khuyến nghị của "chủ thớt" là một cách gia nhập thị trường chứng khoán phổ biến với nhiều nhà đầu tư, có lúc được nhưng lúc mất cũng nhiều vì những lời hô hào. Sau đau thương, nhiều nhà đầu tư đã chọn tự giao dịch với sự hỗ trợ của công nghệ.
"Mua bán cổ phiếu nào thì mình hoàn toàn độc lập trong vấn đề ra quyết định và dựa vào công cụ, phần mềm. Mình không phụ thuộc vào một nhóm nào đấy", anh Nguyễn Hoàng Điệp, nhà đầu tư, chia sẻ.
Nhu cầu đầu tư ngày một lớn, công cụ hỗ trợ cũng ngày một nhiều, không chỉ là những ứng dụng hỗ trợ lọc cổ phiếu, xem trạng thái thị trường, mà còn cả những chương trình ra quyết định mua/bán hộ nhà đầu tư. Tuy nhiên theo nhiều thành viên thị trường, nhà đầu tư cũng cần có sự chọn lọc.
"Ra quyết định hoặc quyết định thay nhà đầu tư thì cũng chưa có sản phẩm nào tốt cả, đa phần các sản phẩm như vậy là các quỹ họ dùng cho riêng họ thôi. Vì nếu sản phẩm đưa ra dùng cho toàn bộ cộng đồng thì chất lượng sẽ lập tức biến đổi. Vũ khí tốt mà ai cũng dùng thì chưa biết ai sẽ thắng ai", ông Nguyễn Như Ý, Giám đốc điều hành Fireant Media, cho biết.
Công nghệ và các mô hình đầu tư cũng được nhiều tổ chức đầu tư sử dụng ngày một nhiều hơn. Một công ty đầu tư đã thoát được cú giảm mạnh của thị trường hồi đầu năm nhờ sự cảnh báo của một mô hình đầu tư được xây dựng mất 2 năm và cải tiến liên tục, tuy nhiên không phải có mô hình hỗ trợ rồi là cứ nghe tín hiệu và đặt lệnh.
Suy cho cùng, công nghệ chỉ để hỗ trợ đầu tư, còn để công nghệ quyết định, đôi khi thiệt hại là khó tránh.
Ví dụ như các quỹ đầu tư theo định lượng nổi tiếng của Mỹ thuộc Renaissance của nhà toán học, tỷ phú Jim Simmons. Sau nhiều năm làm mưa làm gió với hiệu suất đầu tư liên tục đánh bại thị trường nhờ thuật toán đầu tư định lượng, các quỹ này đã thua lớn khi đại dịch COVID-19xảy đến vào năm 2020. Thuật toán dựa trên dữ liệu lịch sử đã trở nên "lúng túng" khi một sự kiện chưa từng xảy ra xuất hiện.
Sau khi chứng kiến các quỹ đầu tư theo thuật toán của Renaissance thua lỗ 20 - 30% trong năm 2020, dù thị trường chứng khoán thăng hoa bất chấp đại dịch, nhà đầu tư đã liên tục rút tiền. Theo Bloomberg, ước tính các quỹ này đã bị rút 14,6 tỷ USD trong khoảng thời gian từ 2020 đến hết năm 2021.
VTV.vn - Theo dữ liệu vừa được Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), thị trường có thêm 152.873 tài khoản mới trong tháng 8.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.13624302121902202-naohk-gnuhc-ut-uad-gnort-iougn-noc-coud-eht-yaht-oc-ehgn-gnoc/et-hnik/nv.vtv