Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 119/2022 sửa đổi, bổ sung nghị quyết Nghị quyết 18/2022 của Chính phủ về triển khai dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 (2021 – 2025).
Điểm đáng chú ý nhất của Nghị quyết này là việc Chính phủ điều chỉnh thẩm quyền chỉ định thầu xây lắp đối với các dự án đường bộ cao tốc sử dụng vốn từ chương trình phục hồi kinh tế - xã hội.
Cụ thể: “Bộ trưởng Bộ GTVT, Chủ tịch UBND cấp tỉnh và người có thẩm quyền tổ chức thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư áp dụng hình thức chỉ định thầu trong 2 năm 2022 và 2023 đối với các gói thầu tư vấn, xây lắp liên quan đến dự án, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư. Trình tự, thủ tục chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật đấu thầu.
Riêng gói thầu xây lắp các dự án thành phần, việc chỉ định thầu kèm theo yêu cầu tiết kiệm tối thiểu 5% giá trị dự toán gói thầu (không bao gồm chi phí dự phòng)”.
Bộ GTVT sẽ chỉ định thầu toàn bộ 12 dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2. |
Với quyết định trên, Bộ trưởng Bộ GTVT, Chủ tịch UBND tỉnh được thực hiện việc chỉ định thầu các gói thầu xây lắp ở dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 và ba dự án cao tốc phía Nam (Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng), thay vì Thủ tướng là người quyết định việc này như nghị quyết 18.
Liên quan đến việc chỉ định thầu các dự án giao thông sắp tới, ông Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (QH), đại biểu QH tỉnh Đồng Tháp, cho rằng nếu người chỉ định thầu làm đúng các quy định, quy trình của pháp luật thì không sợ sai...
Theo PGS-TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông, để tránh sai sót trong chỉ định thầu, các đơn vị được giao nhiệm vụ cần phải nắm chắc các quy định pháp luật và công khai, minh bạch thông tin như hướng dẫn của Bộ KH&ĐT. Tránh tình trạng thận trọng quá mức, vì hiện nay có xu hướng sợ sai nên nhiều nơi thành lập hội đồng rất đông ban bệ nên không xác định được ai là người chịu trách nhiệm chính.
“Tôi cho rằng nếu sợ sai thì làm công khai, minh bạch và phải có người chịu trách nhiệm chính. Chẳng hạn như việc chỉ định thầu đơn vị thẩm định hồ sơ là người chịu trách nhiệm…”- ông Chủng nói.
Điều chỉnh trách nhiệm của các bên về khai thác mỏ khoảng sản
Nghị quyết này cũng sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến việc cấp phép và khai thác mỏ khoảng sản làm vật liệu xây dựng.
Chẳng hạn, trước khi khai thác mỏ khoảng sản làm vật liệu xây dựng nhà thầu thi công phải lập hồ sơ đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác tại UBND tỉnh nơi có mỏ khoáng sản; thực hiện đánh giá tác động môi trường và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp tiền.
Sau khi đã khai thác khoáng sản đủ khối lượng cung cấp cho dự án, nhà thầu có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ cải tạo, phục hồi môi trường, bàn giao mỏ khoáng sản và đất đai để địa phương quản lý theo quy định pháp luật về khoáng sản và pháp luật khác có liên quan.
UBND các tỉnh được giao kiểm tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ giá vật liệu xây dựng. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc thường xuyên theo dõi, bám sát diễn biến của thị trường xây dựng để kịp thời cập nhật, công bố giá vật liệu xây dựng thông thường theo quy định pháp luật.