vĐồng tin tức tài chính 365

Cần sớm bỏ room tín dụng, công cụ hành chính không còn phù hợp

2022-09-12 18:18

TS. Phạm Xuân Hoè - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược (NHNN) cho rằng, công cụ này hiện đang gây ra một số vấn đề như vốn cho nhu cầu phục hồi sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ; hàng loạt người mua nhà bị chủ đầu tư phạt do chậm nộp tiền... Do đó, về mặt pháp lý, sớm hay muộn NHNN cũng cân nhắc việc bỏ room tín dụng.

Bỏ room tín dụng, xóa bỏ cơ chế xin - cho

Hơn 10 năm trước, từ năm 2011, hạn mức tín dụng được NHNN sử dụng vì tăng trưởng nóng dẫn đến lạm phát cao. Không phủ nhận hiệu quả của công cụ này trong khoảng thời gian đó, nhưng 11 năm liền công cụ hạn mức tín dụng được NHNN sử dụng như “chiếc vòng kim cô” đối với các ngân hàng.

can som bo room tin dung, cong cu hanh chinh khong con phu hop hinh anh 1
Công cụ hạn mức tín dụng tồn tại nhiều bất cập, tạo cơ chế xin - cho.

Đến nay, sau hơn một thập kỷ, Việt Nam đã liên tục kiểm soát tốt lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. COVID-19 hoành hành trong suốt 2 năm 2021 - 2022, tăng trưởng kinh tế chỉ trên 2%, sản xuất kinh doanh gần như ngưng trệ nhưng tín dụng vẫn tăng trưởng trên 12% mà lạm phát không xảy ra. Tám tháng đầu năm nay lạm phát cũng không xảy ra, hay nói cách khác, sức ép từ chính sách tiền tệ đến lạm phát không quá lớn.

“Bây giờ chúng ta không có bong bóng bất động sản, chứng khoán. Trong khi đó, nhu cầu vốn đang rất cần cho doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế để phục hồi thì hạn mức tín dụng được kiểm soát quá chặt chẽ gây cản trở nỗ lực phục hồi kinh tế. Vì thế, theo tôi, cần gỡ bỏ room tín dụng”, Tiến sĩ Hòe nói.

Bên cạnh đó, ông cho rằng room tín dụng là công cụ hành chính, tạo cơ chế xin - cho, tạo môi trường bất bình đẳng cho các ngân hàng thương mại và ảnh hưởng đến nguồn vốn phát triển của các doanh nghiệp.

Đồng tình với quan điểm trên, theo TS. Bùi Trinh, Viện Nghiên cứu Phát triển Việt Nam đã đến lúc loại bỏ bởi đây là một công cụ hành chính dễ phát sinh tiêu cực. “Không chỉ riêng quy định về room tín dụng mà ngay cả ở các quy định khác, có quy định hành chính thì sẽ có phát sinh tiêu cực”.

TS Trinh cho rằng, hiện tại, công cụ này không còn hiệu quả khi NHNN thực hiện để kiểm soát các ngân hàng thương mại. "Giới hạn room tức là giới hạn việc cho vay, mà lãi gộp nói chung của cả ngành ngân hàng phục thuộc vào lãi từ việc chênh lệch giữa lãi suất huy động vốn và lãi suất cho vay, room tín dụng chẳng khác nào công cụ giới hạn lãi gộp của ngành ngân hàng".

Chuyên gia kinh tế Bùi kiến Thành cũng cho rằng NHNN mở thêm room tín dụng cho một số ngân hàng tốt là điều cần làm sớm.

"Nhưng theo tôi, chúng ta nên bỏ hẳn room tín dụng chứ không riêng gì một vài ngân hàng. Bởi việc quy định room tín dụng sẽ tạo ra tiền lệ rất xấu đó là tiền lệ xin, cho, dẫn đến hối lộ, đút lót đối với những doanh nghiệp có nhiều quan hệ, chịu chi, mà việc này đã từng xảy ra trong lịch sử. Đối với ngân hàng phải làm việc thông thoáng để tránh những hiện tượng tiêu cực, việc làm tiêu cực, như thế là rất nguy hiểm cho nền kinh tế. Và như vậy sẽ bóp chết những doanh nghiệp, những lĩnh vực hoạt động hiệu quả, đang phát triển", ông nói.

Vì sao không dùng công cụ thay thế ưu việt hơn?

Tiến sĩ Hòe cho rằng NHNN đang có trong tay nhiều công cụ khác để thay thế nhằm kiểm soát mức cung tín dụng cho nền kinh tế và cũng thể hiện định hướng điều hành theo hướng thị trường hơn qua công cụ gián tiếp, thậm chí vẫn có thể dùng công cụ nửa hành chính, nửa thị trường.

"NHNN hoàn toàn có thể sử dụng công cụ gián tiếp là tỷ lệ dự trữ bắt buộc, bằng cách tăng tỷ lệ này lên 5%, thậm chí 10%. Khi tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc có nghĩa nhốt tiền ở tài khoản của các tổ chức tín dụng tại NHNN, làm các ngân hàng giảm đi đáng kể nguồn vốn để gia tăng tín dụng ra nền kinh tế, giảm hệ số nhân tiền", Tiến sĩ Hòe cho hay.

Bên cạnh đó, qua công cụ nghiệp vụ thị trường mở (OMO) mua bán giấy tờ có giá hằng ngày, NHNN có thể đưa ra loại tín phiếu bắt buộc các ngân hàng thương mại phải mua theo kỳ hạn, có thể có mức lãi suất hỗ trợ để không bị lỗ lớn do huy động được vốn mà không được cho vay ra.

Đây là một công cụ vừa có tính thị trường, vừa hành chính, cũng rất mạnh khi muốn “nhốt tiền” huy động của ngân hàng thương mại để không thể mở rộng tín dụng.

Chuyên gia kinh tế Bùi kiến Thành cho rằng, NHNN có vai trò theo dõi nền kinh tế từng ngày để xem nền kinh tế phát triển thế nào, xem hệ thống các ngân hàng làm việc ra sao, đồng thời theo dõi hoạt động của các doanh nghiệp từng ngày xem nó có những khó khăn gì. Mỗi ngày theo dõi nền kinh tế và các thông tin để điều tiết lưu lượng tiền tệ trong nền kinh tế như thế nào để không nhiều quá mà gây ra lạm phát, không ít quá để dẫn đến thiểu phát, để nền kinh tế phát triển ổn định, bền vững.

Đối với các lĩnh vực cho vay, ông Thành cho rằng, cần phải xem xét doanh nghiệp nào hoạt động tốt, hiệu quả để cho vay, doanh nghiệp nào hoạt động không hiệu quả, không tốt thì không cho vay chứ không phải cho vay lĩnh vực này, không cho vay lĩnh vực kia. Chẳng hạn, trong lĩnh vực bất động sản thì có nhiều doanh nghiệp hoạt động tốt, nhưng cũng có những doanh nghiệp hoạt động không tốt. Doanh nghiệp sản xuất cũng vậy, không phải tất cả đều hoạt động tốt hoặc đều hoạt động kém hiệu quả. Nếu một doanh nghiệp hoạt động tốt thì phải có các chương trình hoạt động tốt, có kế hoạch sản xuất, có thị trường nội địa ổn định, đơn hàng xuất khẩu ổn định thì ngân hàng nhà nước và các ngân hàng cần triển khai cho vay vốn để họ sản xuất, kinh doanh, phục vụ nhu cầu về các sản phẩm của người tiêu dùng trong nước và nước ngoài.

Hiện nay chúng ta cũng có hơn 30 ngân hàng thì Ngân hàng Nhà nước cũng đã lựa chọn để nới room tín dụng. Tôi cho rằng, nếu nhà nước thẩm định ngân hàng hoạt động tốt, tìm doanh nghiệp tốt, nghiên cứu các dự án của doanh nghiệp có tính khả thi cao, dự án nào đáng cho vay, cần được vay, khả thi thì sẽ cho vay thì nên mở rộng./.

Xem thêm: vov.157459tsop-poh-uhp-noc-gnohk-hnihc-hnah-uc-gnoc-gnud-nit-moor-ob-mos-nac/et-hnik/nv.vov

Comments:0 | Tags:KINH TẾ Tín dụng

“Cần sớm bỏ room tín dụng, công cụ hành chính không còn phù hợp”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools