Thị trường vốn vẫn còn nhiều hạn chế
Tại Hội nghị giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn chiều 12/9, ông Trương Văn Phước - nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nhấn mạnh, không chỉ ở Việt Nam mà ở bất kỳ quốc gia nào sự xung đột của chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ gần như rất là phổ biến.
Ông Phước đánh giá, cấu trúc tài chính của thị trường Việt Nam là nguyên nhân chính tạo sự xung đột ngày càng gay gắt hơn. “Có thể nói chính sách tiền tệ là định hướng của dòng chảy tín dụng thời gian vừa qua, cũng đã giúp cho yếu tố lạm phát thấp xuống”, ông nói.
Thời gian tới, chính sách tiền tệ cần phải định hướng dòng chảy tín dụng qua các hệ số rủi ro. Việc xác định room tín dụng cho các ngân hàng cần dựa vào cơ cấu tín dụng và các hệ số rủi ro. Theo ông, đây là một cách hỗ trợ cho chính sách tài khóa một cách gián tiếp.
Về chính sách tài khóa, thị trường vốn hiện nay vẫn còn hạn chế, nhất là thị trường trái phiếu. “Tôi đề nghị chúng ta nên thí điểm cơ chế trái phiếu gắn với tài sản đảm bảo. Đây là điều mà hiện nay, đặc biệt là Mỹ, châu Âu đang phát triển rất nhiều, tránh tình trạng trái phiếu phát hành ra không có tài sản đảm bảo gây nên rủi ro khi hoàn trả”, ông dẫn chứng.
Nói về vấn đề cung ứng tiền và chính sách tiền tệ, ông Phước nhấn mạnh “các quốc gia đều phải sử dụng chính sách tiền tệ trong tăng lãi suất và cung ứng tiền để kiểm soát lạm phát”.
Ở Việt Nam chúng ta cung ứng tiền thể hiện qua room tín dụng - là kênh gần chủ chủ yếu cung ứng vốn cho nền kinh tế. “Vừa rồi việc Ngân hàng Nhà nước thông báo bổ sung tăng trưởng tín dụng. Tôi cho là rất thích hợp”, ông Phước nói và nhấn mạnh cần theo dõi chặt chẽ để có lộ trình trong tương lai bỏ room tín dụng.
Kiên định giữ tỉ giá nhưng không cứng nhắc
Theo ông Phước, ngày 21/9 tới Mỹ sẽ tiếp tục tăng lãi suất. “Việc tăng lãi suất suy cho cùng là phục vụ cho việc tăng tỉ giá. Việt Nam cần tiếp tục kiên định sự ổn định của tỉ giá”, ông nhấn mạnh và yêu cầu, nếu không cho đồng Việt Nam tăng giá thì vẫn phải giữ không để đồng Việt Nam giảm giá.
Đồng quan điểm, ông Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân nói rằng, không nên phá vỡ tỉ giá đồng tiền. Điều này có nghĩa, Việt Nam phải kiên định giữ tỉ giá nhưng không có nghĩa là cứng nhắc mà phải linh hoạt với thị trường.
“Nếu chúng ta không ổn định được tỉ giá, nguy cơ dự trữ ngoại tệ của chúng ta chuyển thành dự trữ của cá nhân doanh nghiệp thì khi đó chúng ta sẽ mất khả năng chủ động về nguồn ngoại tệ”, ông Cường nêu ý kiến.
Còn TS. Lê Xuân Nghĩa lại cho rằng “phải rất cảnh giác với tỉ giá hối đoái bởi khả năng còn tiếp tục mất giá rất đáng kể”. Vì vậy, câu chuyện đặt ra là thời gian tới Ngân hàng Nhà nước có nên tăng lãi suất không và nếu không tăng thì đồng nghĩa với việc phải bán dự trữ ngoại hối để ổn định tỉ giá hối đoái.
Ông Nghĩa cũng nêu một số vấn đề cần lưu ý trong điều hành doanh nghiệp thời gian tới nhất là liên quan tới điều hành lãi suất, thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Bởi từ nay đến cuối năm doanh nghiệp còn khoảng 70.000 tỷ đáo hạn, dự báo trong năm tới cần 140.000 tỷ đáo hạn.
Đồng ý với Bộ trưởng Bộ KH&ĐT về quan điểm về xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, nâng cao năng lực cạnh tranh và chống chịu cao hơn, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng cần hết sức quan tâm đến phát triển hệ thống bán lẻ với các doanh nghiệp trong nước, bởi hiện nay về hệ thống bán lẻ người Việt chỉ còn sở hữu khoảng 30%, còn lại 70% là sở hữu nước ngoài.
Theo ông, để kiềm chế lạm phát, nhiều ngân hàng Trung ương đã tăng lãi suất, nhưng không nhiều ngân hàng Trung ương có thể bán trái phiếu Chính phủ để thu tiền về. Điều này cho thấy lạm phát thế giới còn có thể cao, lãi suất thế giới còn có thể tăng thời gian tới. Vì vậy Việt Nam chưa nên nghĩ tới việc nới lỏng chính sách tiền tệ.