Vụ cháy xảy ra ngày 6-9 tại một quán karaoke ở phường An Phú, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương gây hậu quả nghiêm trọng - Ảnh: T.T.D
Hôm nọ bạn bè tôi rủ đi hát karaoke. Vốn không ưa những nơi ồn ào nhưng vì cả nể nên tôi nhận lời. Quán karaoke là một tòa nhà năm tầng, nhân viên bấm thang máy cho chúng tôi lên tầng bốn. Tôi hỏi nhân viên thang bộ ở đâu thì được chỉ cầu thang bộ có bề ngang nhỏ hẹp và các bậc thang khá dốc.
Ở tầng bốn, lối đi vào từng phòng hát rất bịt bùng, lại không có biển chỉ dẫn lối thoát hiểm, các phòng có cùng một lối dẫn ra ban công chính.
Tôi hỏi nhân viên phục vụ nếu có sự cố cháy nổ xảy ra thì khách thoát bằng đường nào, quán có hệ thống còi báo động cháy không.
Nam nhân viên lúng túng trả lời: "Chưa có khách nào hỏi bọn em như thế. Khách đến chỉ quan tâm phòng VIP, chất lượng âm thanh, rồi hối thúc nhân viên bọn em phục vụ nhanh thức uống. Nếu thoát hiểm trong trường hợp có cháy nổ thì theo em biết chỉ có cầu thang bộ hoặc chạy ra phía ban công thôi...".
Tôi hỏi thêm thì mới biết hóa ra chính các nhân viên của quán karaoke cũng không được đào tạo về kỹ năng phòng cháy chữa cháy (PCCC), kỹ năng thoát hiểm cho bản thân và hướng dẫn khách thoát hiểm nếu sự cố cháy nổ xảy ra. Còn khách thì không phải ai cũng nhìn bên này, ngó bên kia để quan sát lối thoát hiểm và nghĩ đến sự an toàn của mình trước khi bước vào phòng hát.
Vụ cháy tại cơ sở karaoke An Phú (tỉnh Bình Dương) làm 32 người chết là hồi chuông báo động về việc cần thiết và cấp bách phải bảo đảm các quy định PCCC, nhất là đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường...
Nhiều câu hỏi đặt ra từ thảm họa này như việc thẩm định, cấp phép kinh doanh ra sao; việc kiểm tra an toàn PCCC định kỳ của lực lượng chức năng có được thực hiện đúng quy định hay không; chế tài phải chăng chưa đủ mạnh với những cơ sở kinh doanh vi phạm...
Kinh doanh dịch vụ karaoke là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Các quy định đã có, nhưng cháy thì vẫn cháy!
Đặc biệt phải đến khi diễn ra hội nghị trực tuyến về công tác PCCC và sơ kết 5 năm thực hiện nghị định 83 quy định công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng PCCC vào sáng 12-9 thì mới có thông tin rằng chỉ có 3 bộ và 40 địa phương ban hành kế hoạch triển khai thực hiện nghị định này.
Rõ ràng đã có sự thiếu quan tâm, thiếu quyết liệt trong công tác PCCC của một số lãnh đạo bộ, ngành, địa phương, như đánh giá của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Hiện các tỉnh, thành phố trên cả nước đang khẩn trương rà soát, tổng kiểm tra các cơ sở dịch vụ karaoke nhằm tránh xảy ra những thảm họa tương tự vụ việc ở tỉnh Bình Dương.
Việc siết chặt quản lý, cấp phép cho các cơ sở kinh doanh karaoke là cần thiết; không để các cơ sở không đủ điều kiện, mất an toàn hoạt động và đặc biệt là xử lý nghiêm việc cấp phép, kiểm tra lỏng lẻo của cả cơ quan chức năng lẫn doanh nghiệp để xảy ra hậu hoạn.
Tuy nhiên, đừng nên phó mặc sự an toàn của mình cho cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và chủ cơ sở kinh doanh, bản thân mỗi chúng ta cần nâng cao ý thức về PCCC để bảo đảm an toàn cho chính mình và người thân.
Đến cơ sở karaoke thì không nên chỉ chăm chăm việc hát hò, giải trí, mà cần để ý lối thoát hiểm cùng các điều kiện về an toàn PCCC.
Hôm đi hát karaoke, thấy tôi hỏi về lối thoát hiểm, các bạn đi cùng nói rằng tôi lo xa quá. Đến khi nghe tin thảm họa ở karaoke tại tỉnh Bình Dương, những người đi cùng tôi hôm đó mới giật mình.
Việc phòng ngừa chưa bao giờ là muộn so với để xảy ra sự cố rồi mới tính chuyện phòng ngừa. Tôi tin là sau thảm họa ở Bình Dương, từ nay khi vào các quán karaoke, số người đặt câu hỏi về PCCC như tôi sẽ tăng lên nhiều hơn trước.
Khi mỗi chúng ta có ý thức hơn về PCCC, điều đó không chỉ mang lại cho chúng ta cảm giác an toàn, mà hẳn sẽ giảm đi rất nhiều những "giá như" muộn màng.
TTO - Ngày 12-9, cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa thông báo đã xử phạt vi phạm hành chính 56 quán karaoke gần 288 triệu đồng vì vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy, cứu nạn; tạm đình chỉ hoạt động 9 cơ sở, kiến nghị dừng hoạt động 7 cơ sở.
Xem thêm: mth.70560457031902202-hnim-ohc-naot-na-uig/nv.ertiout