vĐồng tin tức tài chính 365

Kỳ 2: Làm ngơ để “gạo” chín thành... “cơm”?

2022-09-13 12:58

THỬA ĐẤT CÓ 17 CĂN NHÀ XÂY “LỤI”

Chuyện hy hữu về 17 căn nhà không phép xây “lụi” trên mảnh đất có vị trí cách UBND xã Vĩnh Lộc A chỉ tầm 1 cây số, vậy mà lại hóa “vô hình” với lực lượng chức năng suốt 4 năm ròng (kể từ ngày vừa đào móng thi công đến khi bị yêu cầu cưỡng chế).

Anh Cao Hoàng Nam (SN 1984, ngụ Q.Tân Bình) vốn có một khu đất tại Ấp 1, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh. Bỏ lâu không về thăm đất, bỗng dưng một ngày anh Nam “té ngửa” khi nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính do UBND huyện Bình Chánh gửi về, với nội dung: anh bị phạt vì xây nhà không phép! Cấp tốc chạy đến hiện trường khu đất của chính mình, anh càng tá hỏa với cảnh tượng trước mắt: có đến 17 căn nhà kiên cố nằm liền kề nhau, mỗi căn được thiết kế theo kiến trúc một trệt, một lầu, với tổng diện tích xây dựng lên đến 1.500m2, đã hoàn tất mọi hạng mục thi công.

Bức xúc khi bỗng dưng bị chiếm đất, lại còn bị phạt, anh Nam cho biết: 17 căn nhà không phép này hoàn thành một cách ngang nhiên, không lẽ chính quyền không hay biết? Nếu họ ngăn chặn sớm thì đâu ra cớ sự này! Đến khi căn nhà cuối cùng được hoàn tất, bị người dân tố cáo, UBND huyện chỉ đạo xuống hiện trường kiểm tra, lập biên bản thì chính quyền lúng túng tìm ra tôi là chủ đất trên pháp lý nên lập bừa biên bản vi phạm tên tôi. Trong khi trên thực tế, chủ thể tổ chức xây dựng hàng loạt công trình không phép lại là một người khác” - anh Nam trần tình.

17 căn nhà không phép xây trên đất người khác sau 4 năm ròng vẫn chưa bị cưỡng chế

Cũng vì “gạo” chín thành “cơm” rồi nên sau đó, dù chính quyền có làm rõ kẻ giấu mặt đứng sau việc tổ chức xây dựng trái phép là ai đi chăng nữa thì cho tới bây giờ, kết quả xử lý dường như vẫn “dậm chân tại chỗ”. UBND huyện Bình Chánh đã ban hành cả quyết định xử phạt vi phạm hành chính và quyết định cưỡng chế, riêng cấp xã thì ban hành rất nhiều thông báo “nhấp nhổm” cưỡng chế... Nhưng tất cả chỉ dừng lại ở văn bản. Hàng chục lá đơn phản ánh, tố cáo về việc chậm trễ thực hiện công tác cưỡng chế đối với 17 công trình này được anh Nam chuyển đi khắp nơi, gửi gắm một mong muốn duy nhất là các công trình trái phép này phải bị phá dỡ để trả lại hiện trạng đất cho anh. Thậm chí, dù không phải là người xây 17 công trình không phép nêu trên nhưng anh Nam vẫn đồng ý nộp 100 triệu đồng “tạm ứng kinh phí cưỡng chế” để ban cưỡng chế sớm thực hiện nhiệm vụ nhưng rốt cuộc vẫn không xong.

Mới đây, vào ngày 01-04-2022, sau khi Thanh tra TPHCM vào cuộc xác minh, UBND xã Vĩnh Lộc A lại tiếp tục ban hành thông báo số 1189/TB-UBND về việc thực hiện cưỡng chế phá dỡ 17 công trình vi phạm nêu trên. Nội dung thông báo nêu rõ, việc cưỡng chế sẽ được tổ chức sau ngày 15-5-2022. Thời điểm trên, anh Nam được thông báo chi phí tổ chức cưỡng chế phải nộp là gần 351 triệu đồng. Thêm lần nữa anh Nam chủ động hoàn thành ngay việc nộp chi phí hỗ trợ cưỡng chế theo thông báo. Tuy nhiên, cũng thêm lần nữa, chẳng hiểu sao phía UBND xã Vĩnh Lộc A vẫn chưa tổ chức thực hiện cưỡng chế. Hậu quả vì có 17 căn nhà “từ trên trời rơi xuống” mà người đàn ông tội nghiệp phải lâm cảnh lao đao về tài chính, do mảnh đất này vào 4 năm trước đã được anh vay thế chấp ở ngân hàng, trong khi suốt từ đó đến nay anh vẫn không thể chuyển nhượng, giao dịch.

“ĐƯỢC VẠ MÁ ĐÃ SƯNG”

Trong công tác quản lý, xử lý các vi phạm về TTXD cũng không thể tránh khỏi câu chuyện “trên nóng, dưới nguội”, “lãnh đạo quyết liệt, cơ sở thờ ơ”! Câu chuyện người dân miệt mài tìm đến cơ quan chức năng để khiếu kiện về việc xây dựng xâm lấn đất người khác của vợ chồng chủ công trình được đồn thổi là “cán bộ xã” (Chuyên đề Công an TPHCM nêu trong bài viết số trước), có lẽ là ví dụ rất điển hình.

Hoài nghi về trách nhiệm trong vụ việc này, phóng viên đã liên hệ, thông báo chi tiết tình hình cho cả chỉ huy lẫn cán bộ thuộc Đội Thanh tra Xây dựng địa bàn huyện Bình Chánh. Thế nhưng, vấn đề cuối cùng vẫn không được xử lý dứt điểm. Thậm chí, ngay sau cuộc gọi của chúng tôi, các công nhân tại công trình xây dựng trái phép đã được “bắn tin”, vội căng bạt ngụy trang bên ngoài, lén lút thi công bên trong để đối phó. Chỉ đến khi toàn bộ nội dung, tài liệu của vụ việc được phóng viên chuyển tiếp đến lãnh đạo Sở Xây dựng TPHCM cùng Chánh Thanh tra Sở Xây dựng vào ngày 04-8-2022, thì sáng hôm sau mới có đoàn kiểm tra thuộc Đội thanh tra xây dựng địa bàn huyện Bình Chánh xuống hiện trường lập biên bản, yêu cầu đình chỉ thi công.

Các công nhân căng bạt bên ngoài, lén lút xây dựng bên trong

Trong một clip được cho là cuộc nói chuyện giữa bạn đọc và một cán bộ có trách nhiệm trong vụ việc này, vị cán bộ đã đề nghị: “Chị đừng để báo chí phản ánh tới lãnh đạo nữa thì tụi này xử lý cho”... Ngay sau đó, chủ công trình bị khiếu kiện đã tự tháo dỡ phần móng “xây dư” để trả lại đất cho người hàng xóm. Tuy nhiên, theo anh H.N.P (chủ đất kế bên), mảnh đất của anh qua đo vẽ lại lần thứ 2 (sau khi phía bà H. tự phá dỡ phần móng xây dư) thì vẫn thấy còn thâm hụt 0,5 cm chiều ngang. Nguyên do là trong thời gian lực lượng chức năng “ngó lơ”, phía chủ công trình xây dựng đã “tranh thủ” xây thêm bức tường “đè” lại phần tranh chấp. Trớ trêu ở chỗ, liên quan đến công tác quản lý đất đai thì dù 1cm bị thâm hụt vẫn sẽ gây ra rắc rối đối với các thủ tục tách thửa, chuyển nhượng cho chủ đất về sau. Quả đúng là, chờ đến khi được vạ thì má đã... sưng.

Trả lời với phóng viên Chuyên đề Công an TPHCM về việc có hay không trách nhiệm của lực lượng thanh tra địa bàn trong việc chậm trễ thực hiện công tác kiểm tra, xử lý công trình bị người dân khiếu kiện xây dựng lấn chiếm theo đúng quy định pháp luật, ông Trương Công Nam, Phó chánh Thanh tra Sở Xây dựng TPHCM cho biết: hiện Thanh tra sở đang yêu cầu Đội Thanh tra xây dựng địa bàn huyện Bình Chánh có báo cáo về toàn bộ sự việc. “Khi có kết quả báo cáo và kết quả xác minh chuẩn xác, Thanh tra Sở Xây dựng TPHCM sẽ lập tức có phản hồi chi tiết để báo và bạn đọc nắm rõ” - ông Nam nói.

Trong khi ở một diễn biến khác, một lãnh đạo của UBND xã Vĩnh Lộc A khẳng định, hiện đơn vị này không có cán bộ, công nhân viên nào giống như người được cho là ông Kh., như trong đoạn clip mà phóng viên đã đề cập trong bài viết trước.

(Còn tiếp...)

Kỳ 1: Khi có Thanh tra chỉ đường lách luật?
(CATP) công trình trái phép vừa “mọc” lên, người dân đã nhiều lần phản ánh, thậm chí gửi cả đơn yêu cầu ngăn chặn đến những nơi có trách nhiệm. Nhưng lạ thay, công trình vi phạm qua từng ngày vẫn được hoàn thành đẹp đẽ, khang trang mà dường như không có bất cứ sự can thiệp có hiệu quả nào từ phía chính quyền cơ sở. Vì sao?
 
KHÁNH BÌNH AN

Xem thêm: lmth.268631_moc-hnaht-nihc-oag-ed-ogn-mal-2-yk/us-gnohp/na-uv/nv.moc.nagnoc

Comments:0 | Tags:Vụ án

“Kỳ 2: Làm ngơ để “gạo” chín thành... “cơm”?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools