Ngày 12/9, tại Hà Nội, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị “Triển khai xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc”. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chủ trì Hội nghị.
Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, hiện nay, diện tích sầu riêng được Trung Quốc phê duyệt và cấp mã số khoảng 3.000 ha, sản lượng dự kiến 68.000 tấn/năm nhưng sản lượng các doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc lên đến 1,3 triệu tấn. Do đó, nếu không kiểm soát chặt chẽ và không tuân thủ nghiêm túc quy định của nghị định thư đã ký kết giữa Việt Nam và Trung Quốc, sẽ dẫn đến tình trạng gian lận, không đảm bảo chất lượng hàng hóa, vi phạm các quy định xuất khẩu và có nguy cơ mất uy tín của nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, sau khi nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật giữa hai nước được ký kết, phía Trung Quốc đã phê duyệt công nhận danh sách 51 mã số vùng trồng và 25 mã số cơ sở đóng gói đối với sầu riêng Việt Nam. Song, hiện mới chỉ có 7% trong tổng số diện tích trồng sầu riêng của Việt Nam phục vụ xuất khẩu. Với 55 mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói mà Trung Quốc chưa chấp thuận, có nhiều nguyên nhân như: hồ sơ chưa hoàn thiện, chưa đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật.
Ông Hoàng Trung Yêu cầu Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật các tỉnh hướng dẫn lại từ cơ sở vùng trồng tới cơ sở đóng gói, đảm bảo tuân thủ theo yêu cầu của Trung Quốc để tới đây Cục Bảo vệ thực vật sẽ liên hệ lại với Tổng cục Hải quan Trung Quốc, để nếu chúng ta đáp ứng được yêu cầu thì sẽ tiếp tục đề nghị cấp mã số.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh, chúng ta ngồi với nhau chuẩn bị cho hành trình đi xa, đem lại giá trị cao cho ngành hàng sầu riêng. Đồng thời, thông qua câu chuyện trái sầu riêng nhìn lại chuỗi giá trị ngành hàng nông sản, nhìn lại lợi thế, tiềm năng, rủi ro, thách thức từ bên ngoài. Bộ trưởng mong muốn không phải chỉ bán trái sầu riêng mà còn xây dựng hình ảnh sầu riêng Việt Nam đến thị trường đông dân, khó tính nhất là Trung Quốc.
“Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau. Chúng ta phải biết dựa vào nhau, nương tựa nhau, thay vì cạnh tranh, chen chúc nhau. Đây là cách để đưa trái sầu riêng phát triển ở thị trường Trung Quốc”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói. Bộ trưởng đề nghị ngành nông nghiệp cần phải tập huấn, chuẩn hóa cho người nông dân, tránh tình trạng giả mạo truy xuất nguồn gốc.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Một lần bất tín là vạn lần bất tin. Do đó, việc chuẩn hóa giống, quy trình, thị trường, kiến thức, tri thức người nông dân là trách nhiệm của tất cả chúng ta. Cần xây dựng nền nông nghiệp minh bạch, bắt đầu từ câu chuyện của trái sầu riêng.
Đề cập khái niệm xây dựng một “hệ sinh thái sầu riêng” ở Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, tổ chức sản xuất ngành hàng sầu riêng không chỉ đơn thuần về vấn đề kỹ thuật mà phải xây dựng chiến lược phát triển lâu dài từ 5 năm đến 10 năm tới, hướng đến các thị trường xuất khẩu đem lại giá trị cao. Để làm được điều này, phải xây dựng niềm tin và trách nhiệm giữa doanh nghiệp với nông dân dưới sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, cơ hội chỉ thật sự mở ra, khi và chỉ khi chúng ta tuân thủ đầy đủ, nghiêm ngặt các quy định, chuẩn mực từ thị trường đối tác; phải làm thật tốt việc tổ chức lại sản xuất, gắn với chuẩn hóa quy trình sản xuất; phải xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, truy xuất nguồn gốc để đảm bảo quản lý chất lượng sản phẩm từ gốc.
Thời gian tới, để duy trì và tiếp tục nâng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Cục Bảo vệ thực vật và các Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các tỉnh trồng và có cơ sở đóng gói sầu riêng tiếp tục hướng dẫn các vùng trồng và cơ sở đóng gói hoàn thiện hồ sơ đăng ký, khắc phục để gửi Tổng cục Hải quan Trung Quốc xem xét phê duyệt. Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, đào tạo tập huấn, kiểm tra, giám sát để nâng cao năng lực, nhận thức của người dân trong việc tuân thủ, chuẩn hóa vùng trồng, cơ sở đóng gói.
Các đơn vị kiểm dịch thực vật kiểm soát chặt chẽ các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói tại cửa khẩu đảm bảo các lô hàng xuất khẩu tuân thủ đúng quy định của Trung Quốc…. Các doanh nghiệp xuất khẩu phối hợp với các cơ sở đóng gói, các vùng trồng đã được cấp mã số phải tuân thủ chặt chẽ các quy định của Trung Quốc, không chỉ khi được kiểm tra mà phải luôn duy trì việc đáp ứng về giám sát dư lượng, kiểm soát sinh vật gây hại trong suốt quá trình sản xuất.
Tuệ Minh