Đường D30 là tuyến huyết mạch dài khoảng 800 mét kết nối 2 tuyến cửa ngõ phía Tây Nam thành phố Nha Trang là 23 tháng 10 và Võ Nguyên Giáp. Dự án có mức đầu tư xây dựng gần 80 tỷ đồng, thế nhưng, đến nay vẫn còn 400 mét bị vướng mặt bằng nên chưa thể thi công. Cả dự án có 26 trường hợp bị giải tỏa trắng, phải bố trí tái định cư tại Khu tái định cư Vĩnh Thái. Tuy nhiên, chính Khu tái định cư này cũng đang vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.
Ông Lê Thành Trực, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa cho biết, theo kế hoạch ban đầu, dự án hoàn thành vào cuối năm 2021. Địa phương chậm ban hành giá đất làm cơ sở bồi thường, hỗ trợ, tái định cư... dẫn đến vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.
“Phần đã làm thực tế chỉ vận động riêng với người dân chứ chưa có đền bù lần nào, lý do là mới có giá đất từ tháng 6. Hiện nay, thành phố Nha Trang đang xét đền bù, Ban Quản lý dự án cũng cam kết là ăn Tết xong, sau khi bàn giao mặt bằng sẽ làm xong đoạn 400m còn lại”, ông Lê Thành Trực cho biết.
Hiện nay, nhiều công trình giao thông, công cộng ở tỉnh Khánh Hòa bị chậm tiến độ, nguyên nhân chính là do giải phóng mặt bằng và vướng mắc các thủ tục đấu thầu, mua sắm trang thiết bị. Đó là các hạng mục thuộc dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án thành phố Nha Trang, Nút giao thông Ngọc Hội, Đường vành đai 2; dự án Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Nha Trang. 2 dự án bệnh viện do Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa làm chủ đầu tư đến nay đã xây dựng cơ bản xong nhưng lại vướng mắc trong các thủ tục mua sắm trang thiết bị liên quan đến các giá tham chiếu, thẩm định giá để đấu thầu.
“Để hoàn thiện bệnh viện, đưa vào hoạt động đầy đủ trang thiết bị thì chưa hoàn chỉnh được. Thế nhưng, tinh thần đưa vào hoạt động có thiết bị nào thì sử dụng thiết bị đó, phối kết hợp với các bệnh viện khác để sử dụng các trang thiết bị các bệnh viện chung. Vừa rồi, có cố gắng triển khai một gói trang thiết bị y tế đã mời thầu”, ông Bùi Xuân Minh, Giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa thông tin.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công chậm, trong đó, nổi lên chính là các thủ tục hành chính, mặt bằng tái định cư, năng lực đơn vị giải phóng mặt bằng. Từ nay đến cuối năm, tỉnh Khánh Hòa đặt ra từng mốc giải ngân cụ thể, đến hết tháng 9 đạt 60%, kết thúc năm, cam kết sẽ giải ngân 100% vốn đầu tư các dự án. Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, tỉnh này đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, rà soát để kịp thời điều chỉnh vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang dự án giải ngân tốt.
“Chậm từ khâu xác định chính sách, kiểm đếm, đối thoại dân. Không lược bỏ quy trình nhưng quy trình nói chung phải đẩy mạnh lên. Và phải chỉ cho được nơi đến để người dân định cư. Phải làm đồng thời như thế thì mới được. Vận động thì người dân thống nhất, nhưng người dân hỏi ở đâu thì mình chỉ không ra. Sao người dân người ta chịu được”, ông Nguyễn Tấn Tuân bày tỏ.
Vừa qua, Đoàn công tác số 6 của Chính phủ do ông Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính kiểm tra thực tế tình hình triển khai các dự án, giải ngân vốn đầu tư công tại tỉnh Khánh Hòa. Ông Hồ Đức Phớc đề nghị, địa phương đẩy nhanh đấu thầu, thi công công trình, nghiệm thu khối lượng thanh toán nhằm thực hiện ngay việc giải ngân cho các dự án; tập trung chỉ đạo trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, gỡ “nút thắt” trong giải ngân vốn đầu tư công hiện nay.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đề nghị tỉnh Khánh Hòa cần đi trước một bước trong giải phóng mặt bằng, quan tâm bố trí tái định cư, ổn định đời sống cho người dân: “Lãnh đạo tỉnh hết sức quan tâm đến thủ tục, phải đi trước một bước. Dự án thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán phải đi trước một bước, thậm chí cả thiết kế bản vẽ thi công phải đi trước một bước. Thì lúc đấy, gói thầu được bố trí vốn chỉ lập hồ sơ mời thầu và tổ chức đấu thầu thôi. Như vậy, mới giải quyết được nhanh chứ không là vốn chờ công trình, rất là khó”./.
Xem thêm: vov.904559tsop-gnoc-ut-uad-nov-nagn-iaig-hnaht-naoh-tek-mac-aoh-hnahk/et-hnik/nv.vov