Cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45 thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đang được thi công với mục tiêu hoàn thành vào cuối năm 2022 - Ảnh: TUẤN PHÙNG
Bộ Giao thông vận tải cho biết như vậy trong báo cáo Thủ tướng về tổ chức lựa chọn nhà thầu xây lắp dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.
Từ thực tế triển khai các dự án, Bộ Giao thông vận tải nhấn mạnh hai yếu tố quan trọng khi chọn nhà thầu là năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu và quy mô gói thầu xây lắp của dự án.
Theo Bộ Giao thông vận tải, trong 10 năm qua có 48 nhà thầu đã tham gia thi công xây dựng công trình giao thông cấp II trở lên có giá trị hợp đồng bằng hoặc lớn hơn 350 tỉ đồng. Tuy nhiên, trong đó chỉ có 7 nhà thầu đã tham gia gói thầu giá trị từ 1.000 - 1.500 tỉ đồng, 7 nhà thầu đã tham gia gói thầu giá trị từ 1.500 tỉ đồng trở lên.
Trong khi đó, dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 có 12 dự án thành phần, mỗi dự án có tổng mức đầu tư từ 7.600 đến hơn 20.000 tỉ đồng. Theo đó, giá trị gói thầu xây lắp tương ứng khoảng 5.900 đến 15.100 tỉ đồng/dự án.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, phải lựa chọn nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án này, không chia nhỏ gói thầu, đảm bảo tính đồng bộ.
Từ thực tế triển khai dự án đường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020, Bộ Giao thông vận tải cho biết nếu phân chia với phạm vi khoảng 20 - 40km/gói thầu sẽ có giá trị dự kiến khoảng 3.000 - 5.000 tỉ đồng. Khi đó 1 gói thầu xây lắp có khoảng 3 nhà thầu liên danh sẽ thuận lợi về điều hành, phối hợp trong thi công...
Nếu phân chia gói thầu có quy mô từ 5.000 - 15.000 tỉ đồng thì trong 10 năm gần đây chỉ có 1 nhà thầu đã thực hiện hợp đồng xây lắp giá trị 5.715 tỉ đồng.
Các nhà thầu còn lại không đủ điều kiện năng lực thực hiện gói thầu có giá trị như trên với tư cách là nhà thầu độc lập. Do đó, phải lập liên danh khoảng 5 - 10 nhà thầu mới đáp ứng các yêu cầu tối thiểu để dự thầu.
Nhưng với gói thầu có liên danh hơn 5 nhà thầu thì bộ máy quản lý, năng lực điều hành trong liên danh khó đảm bảo tính đồng bộ, khó phân định trách nhiệm giữa các nhà thầu.
Trường hợp phân chia gói thầu nhỏ hơn sẽ có nhiều nhà thầu tham gia dự án, khó đảm bảo tính đồng bộ, chất lượng, tiến độ; không thu hút được nhà thầu mạnh tham gia.
Để đảm bảo lựa chọn nhà thầu theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị phân chia với phạm vi khoảng 20 - 40km/gói thầu, giá trị khoảng 3.000 - 5.000 tỉ đồng (12 dự án thành phần với chiều dài khoảng 729km dự kiến chia thành 30 gói thầu); số lượng nhà thầu liên danh khoảng 3 nhà thầu/gói thầu.
Về chỉ định thầu theo nghị quyết của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải sẽ thực hiện theo 2 bước:
Bước 1: căn cứ quy mô gói thầu được Thủ tướng chấp thuận, Bộ Giao thông vận tải sẽ đăng tải công khai tiêu chí lựa chọn nhà thầu để các nhà thầu đăng ký, bộ tổng hợp báo cáo Thủ tướng danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu.
Bước 2: Căn cứ dự toán đã được Kiểm toán Nhà nước kiểm toán, chủ đầu tư phê duyệt, phát hành hồ sơ yêu cầu cho nhà thầu trong danh sách, đánh giá hồ sơ đề xuất của nhà thầu, thẩm định, phê duyệt kết quả chỉ định thầu.
TTO - Theo ông Ngô Văn Tuấn - phó tổng kiểm toán phụ trách Kiểm toán Nhà nước, trong 8 tháng đầu năm 2022, Kiểm toán Nhà nước đã chuyển hồ sơ 8 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan cảnh sát điều tra.