LTS: Đầu tư của kiều bào tại TP.HCM cũng như cả nước ngày càng gia tăng, quy mô của các dự án ngày càng mở rộng. Qua đó đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, số lượng dự án đầu tư từ kiều bào vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.
Vì vậy các chuyên gia, doanh nhân kiều bào cho rằng cần có những chính sách linh hoạt, đột phá hơn nữa để thu hút đầu tư kinh doanh từ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, nhiều bà con kiều bào bày tỏ mong muốn đưa công nghệ mới, nguồn lực chất xám về nước và làm cầu nối đưa hàng Việt xuất khẩu ra thế giới nhiều hơn. Tuy nhiên, bà con kiều bào vẫn còn gặp một số vướng mắc.
Muốn đưa công nghệ mới về và đẩy hàng Việt ra khơi
Doanh nhân kiều bào Phan Thị Hường, Giám đốc Công ty Văn Minh AB, cho biết Việt Nam (VN) đang có chủ trương xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam, tuy vậy hiện công nghệ đường sắt tại nước ta đã cũ và có phần lạc hậu. Vì vậy, bà mong muốn đưa công nghệ tàu cao tốc dùng năng lượng sạch, đảm bảo môi trường về VN.
Các nhà đầu tư Việt kiều đang tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Ảnh: QH - PM |
Với công nghệ tàu cao tốc mới, không cần giải phóng mặt bằng nhiều, xây dựng trên cao và phù hợp mọi địa hình, không cần phá đá mở đường, khoan dùi… Đặc biệt tấm kính năng lượng tàu cao tốc làm từ khoáng sản silic hay khung thép trên cao đều có thể sản xuất tại VN, giúp tiết giảm chi phí rất lớn. 1 km cao tốc làm theo công nghệ mới này, chi phí đầu tư tại VN chỉ mất khoảng 3 triệu USD, trong khi tại nước ngoài mất tới 10 triệu USD.
“Chúng tôi mong muốn chính quyền tạo cơ hội để chúng tôi có thể trình bày về hiệu quả, tính khả thi với công nghệ mới về tàu cao tốc. Cơ chế quản lý của VN đã rõ ràng và đúng với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, theo tôi, cần sự đổi mới linh động hơn nữa, thu hút đầu tư nước ngoài hay kiều bào đầu tư vào VN cần phải đi theo xu hướng của thế giới là công nghệ mới, bảo vệ môi trường” - bà Hường bày tỏ.
Về đầu tư tại VN từ năm 2006, ông Lê Ngọc Lâm, Việt kiều Nhật Bản, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Việt - Nhật Tamura, cho biết ông đã quyết định đầu tư vào lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, xuất khẩu lao động sang Nhật… Không chỉ vậy, ông và các doanh nhân kiều bào vừa thành lập một cộng đồng công nghệ, thương mại, xuất nhập khẩu và đầu tư Việt - Nhật. Cộng đồng này mong muốn thúc đẩy kết nối giữa doanh nghiệp Nhật Bản với doanh nghiệp VN xuất khẩu trrên nhiều lĩnh vực.
Khu công nghệ cao TP.HCM thu hút nhiều tri thức, kiều bào đến làm việc.Ảnh: TTXVN |
Theo đó các doanh nhân kiều bào đang làm việc, đầu tư tại VN sẽ là những “đại sứ” cung cấp thông tin thị trường, quy định pháp luật, mở văn phòng đại diện, giới thiệu đối tác, khách hàng… tại các nước trên thế giới cho các nhà xuất khẩu trong nước.
Từ câu chuyện trên, ông Lâm kiến nghị chính quyền TP.HCM tiên phong xây dựng các đầu cầu kết nối kiều bào ở khắp nơi trên thế giới. Từ đó để họ không chỉ mang kiều hối mà còn mang nguồn lực tri thức và công nghệ mới về VN.
“Các nhà xuất khẩu trong nước muốn bán hàng ra nước ngoài thuận lợi và mở rộng thị trường rất cần có điểm tựa ở nước ngoài. Đó là những người đang sống, làm việc ở nước sở tại, hiểu được nhu cầu của người dân địa phương” - ông Lâm góp ý.
Cần thành lập trung tâm “gỡ rối” cho doanh nhân Việt kiều
Nhiều doanh nhân kiều bào đánh giá những năm gần đây môi trường kinh doanh của TP.HCM nói riêng cũng như VN nói chung đã có nhiều tiến bộ. Các điều kiện kinh doanh ngày càng thông thoáng và cởi mở hơn. Chính phủ cũng có hàng loạt chính sách đãi ngộ cho kiều bào về sinh sống, đầu tư.
Tuy nhiên, nhiều kiều bào còn chưa nắm rõ chủ trương, chính sách của Nhà nước hoặc gặp khó khăn về vấn đề thủ tục hồi hương, tạm trú; thủ tục xin cấp giấy xác nhận người gốc Việt; quyền sở hữu tài sản, bất động sản...
Kiều bào gia tăng đầu tư vào Việt Nam
Theo Bộ KH&ĐT, trong số dự án của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của VN, có 376 dự án FDI của kiều bào đang sinh sống tại 29 quốc gia trên thế giới đầu tư về nước với tổng vốn đăng ký khoảng 1,72 tỉ USD.
Về đầu tư gián tiếp thông qua kiều hối và hình thức đầu tư về nước khác thì rất lớn. Cụ thể trung bình một năm kiều hối về VN hơn 10 tỉ USD, điển hình năm ngoái kiều hối về VN đạt 12,5 tỉ USD.
Bà Mimi Vũ, kiều bào Mỹ về VN khởi nghiệp trong lĩnh vực tư vấn xã hội, môi trường…, cho biết: Sau khi hết hạn thị thực cho nhà đầu tư, bà gặp một số khó khăn trong việc xin cấp thị thực mới. Vì vậy bà kiến nghị các cơ quan chức năng có biện pháp hỗ trợ kiều bào trong việc thực hiện các thủ tục như cấp giấy phép lao động, tạm trú cho kiều bào trẻ có dưới 10 năm sống và làm việc tại VN.
“Nếu giải quyết tốt vấn đề này sẽ giúp VN thu hút các thế hệ doanh nhân trẻ cũng như các nhà đầu tư có mong muốn mang tài chính về cho đất nước” - bà nói.
Nhiều doanh nhân kiều bào khác cũng đề xuất cơ quan hữu trách VN cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý theo hướng minh bạch nhằm tạo điều kiện cho doanh nhân, trí thức kiều bào về nước làm việc, đầu tư kinh doanh; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính về đầu tư, nhất là khâu thực thi để tạo điều kiện thuận lợi cho kiều bào đầu tư.
Đặc biệt, một số doanh nhân kiều bào kiến nghị các cơ quan chức năng của VN thành lập một trung tâm “gỡ rối” cho các doanh nhân Việt kiều khi muốn đầu tư dự án về VN. Trung tâm này không chỉ có chuyên môn về các lĩnh vực đầu tư mà có thể hỗ trợ các doanh nhân kiều bào làm việc trực tiếp với cơ quan chức năng trong quá trình triển khai thực hiện dự án tại VN. Có như vậy thời gian triển khai dự án mới nhanh chóng, không chậm trễ.
Doanh nhân Việt kiều Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, nhận xét: Hiện nay các chính sách ưu đãi của VN dành cho kiều bào đã rất tốt. Nhờ đó đã tạo điều kiện thuận lợi trong đầu tư, kinh doanh cho kiều bào.
Tuy nhiên, ông đề xuất khi giới doanh nhân kiều bào mời các chuyên gia nước ngoài về làm việc cho công ty của họ đầu tư tại VN thì thời hạn visa nên kéo dài hơn, thay vì chỉ cấp sáu tháng như hiện nay. “Như vậy sẽ hỗ trợ doanh nghiệp kiều bào đầu tư về VN thu hút được nguồn nhân lực chất lượng, đồng thời giúp giới chuyên gia an tâm cống hiến nhiều hơn, đóng góp mạnh mẽ hơn cho sự phát triển của đất nước” - ông Johnathan Hạnh Nguyễn nói.
Hỗ trợ kiều bào xử lý các thủ tục hành chính
Ông Trần Đức Hiển, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về người VN ở nước ngoài TP.HCM, đánh giá thời gian qua TP đã thu hút hàng trăm lượt chuyên gia, trí thức, doanh nhân kiều bào từ nhiều quốc gia về đầu tư kinh doanh, hợp tác nghiên cứu, làm việc dài hạn. Cụ thể, có khoảng hơn 3.000 doanh nghiệp do kiều bào đầu tư với số vốn hơn 45.000 tỉ đồng; thu hút hơn 400 trí thức kiều bào về làm việc dài hạn, gần 200 trí thức tham gia hợp tác nghiên cứu.
Ủy ban Về người VN ở nước ngoài TP.HCM cam kết sẽ tiếp tục cố gắng, phối hợp cùng các sở, ngành liên quan có các giải pháp hỗ trợ kiều bào trong việc xử lý các thủ tục hành chính cũng như nâng cao chất lượng công tác người VN ở nước ngoài.
“UBND TP.HCM cũng đã chỉ đạo các sở, ngành rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới những chính sách thu hút, đãi ngộ, trọng dụng chuyên gia, trí thức, doanh nhân kiều bào về đóng góp cho quê hương. TP.HCM cũng có chính sách tiền lương, phụ cấp tương xứng tạo điều kiện thuận lợi để chuyên gia, trí thức kiều bào làm việc” - ông Hiển chia sẻ.