Sản xuất tại nhà máy của Tập đoàn Sharp tại Bình Dương - Ảnh: B.S.
Vừa là nhà sản xuất sản phẩm nhưng cũng là nhà cung ứng nguyên liệu, linh kiện cho các nhà sản xuất khác, Công ty Điện Quang cho biết đang đẩy mạnh đầu tư quy mô lớn vào công nghiệp điện tử, để mở ra những cơ hội phát triển.
Doanh nghiệp lớn và nhỏ cùng nhập cuộc
Hiện nay, Điện Quang có năm nhà máy được đầu tư dây chuyền hiện đại đã và đang lắp đặt, đưa vào vận hành dây chuyền đóng gói chip LED, dây chuyền SMT dán chip và sản xuất driver - board mạch, dây chuyền lắp ráp tự động đèn LED các loại...
Tại TP.HCM, những doanh nghiệp lớn như Điện Quang không nhiều. Nhưng theo bà Lê Nguyễn Duy Oanh, phó giám đốc Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ TP.HCM (CSID), cơ hội chen chân vào chuỗi cung ứng cho các tập đoàn lớn, nổi tiếng chưa bao giờ "đóng cửa" với doanh nghiệp nhỏ.
"Có doanh nghiệp mới thành lập năm 2020 đang cung cấp linh kiện cho nhà sản xuất FDI, thực tế có nhiều doanh nghiệp trong nước đủ năng lực chen chân vào chuỗi cung ứng quốc tế", bà Oanh nói.
Tất nhiên là cần nỗ lực lớn, đặc biệt trong những ngành có sản xuất phức tạp như sản xuất xe hơi, máy bay... rất nhiều linh kiện liên quan đến sự an toàn của người tiêu dùng nên tiêu chuẩn yêu cầu rất khắt khe.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Đỗ Thúy Hương - phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - cho rằng sự chuyển dịch chuỗi cung ứng vào Việt Nam diễn ra từ trước đại dịch. Nhưng những tác động từ đại dịch, xung đột chính trị càng làm cho sự chuyển dịch này mạnh mẽ.
Đơn hàng nước ngoài đặt gia công tại Việt Nam cũng nhiều hơn, theo bà Hương, cho thấy sự chuyển dịch không chỉ là các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam mà còn là đơn hàng vào Việt Nam. "Tôi đã chứng kiến một loạt doanh nghiệp mở rộng sản xuất, do có thêm đơn đặt hàng. Điều này cho thấy không có giới hạn nào cho doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng. Vấn đề là cần tuân thủ chuỗi cung ứng, quy định rất chặt chẽ như thế nào" - bà Hương nói.
Nhận diện thách thức
Dù đã tham gia cung ứng được cho nhiều nhà sản xuất nổi tiếng, nhưng đại diện Công ty Điện Quang cũng nhìn nhận ngành công nghiệp điện tử còn nhiều hạn chế.
"Nền công nghiệp điện tử của Việt Nam đòi hỏi các nguồn kinh phí đầu tư ban đầu khổng lồ và cả đội ngũ nhân lực chất lượng cao. Bởi trên thực tế, ngành công nghiệp hỗ trợ này hiện chỉ mới lắp ráp các bộ phận và gia công đơn giản, các hợp phần hay thiết bị chuyên ngành vẫn chưa thực hiện được. Điều này dẫn đến nguy cơ tụt hậu, chuyển giao công nghệ thấp", đại diện doanh nghiệp này cho biết.
Gắn bó lâu năm với ngành công nghiệp hỗ trợ, ông Vũ Trọng Tài, giám đốc Công ty RX Tradex Việt Nam, cũng cho rằng một thách thức khác là để tận dụng cơ hội đầu tư và mở rộng nhà máy tại Việt Nam của các tập đoàn quốc tế đa dạng, tiến sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu thì các nhà sản xuất Việt Nam phải đầu tư cập nhật máy móc, công nghệ mới, tăng năng suất, giảm tiêu hao, nâng cao trình độ nhân lực cũng như liên kết hợp tác tốt hơn theo chuỗi.
Cùng với đó, sự dịch chuyển về điểm đến sản xuất đang thay đổi cách mua hàng của các nhà sản xuất quốc tế. Chẳng hạn Panasonic cho biết nỗ lực tìm chuỗi cung ứng Việt Nam để tận dụng, tối ưu hóa thuận lợi như vận chuyển. Tuy nhiên, Panasonic không chỉ tìm các nguồn hàng từ Việt Nam mà tổ chức tìm nguồn cung khắp nơi trên thế giới để có thể xuất khẩu đi toàn cầu.
Ngay cả câu chuyện chuyển đổi số, áp dụng công nghệ cao, theo Matsumoto Nobuyuki, trưởng đại diện của Văn phòng JETRO TP.HCM, muốn thực hiện được quá trình này, trước hết các doanh nghiệp Việt Nam phải sở hữu nền tảng sản xuất chất lượng tốt, quy trình sản xuất chuẩn và ổn định.
Việc áp dụng công nghệ chỉ là điều kiện để cải thiện, nâng cao chất lượng sẵn có, chứ không thể thay đổi hoàn toàn quy trình sản xuất một nhà máy.
Chính phủ cùng "marketing" với doanh nghiệp
Để hỗ trợ cho ngành sản xuất nâng cao năng lực, theo bà Đỗ Thúy Hương, rất cần đến vai trò lớn của Chính phủ, đó là tạo thuận lợi tốt nhất, đưa ra những chính sách phù hợp, linh hoạt với đặc thù ngành sản xuất.
Không chỉ những chính sách để giúp thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp, theo bà Hương, Chính phủ cần phát huy thêm vai trò thị trường: tăng tính kết nối với nhà mua hàng, hiệp hội doanh nghiệp ở nước ngoài. "Chúng tôi mong muốn rằng việc tiếp thị và giới thiệu sản phẩm trong lĩnh vực công nghiệp cần được nâng tầm hơn, Chính phủ và bộ ngành vào cuộc để marketing sản phẩm cùng doanh nghiệp" - bà Hương nói.
Đặc biệt, trước thực tế nhiều hãng điện tử lớn đang dịch chuyển vào Việt Nam, cùng với các chính sách ưu đãi, bà Hương đề nghị Chính phủ có những ràng buộc cao hơn với doanh nghiệp FDI trong phát triển nhà cung ứng nội. Đó không phải chỉ là yêu cầu chung chung mà phải có con số cụ thể, mỗi năm, chứ không phải chỉ là tỉ lệ nội địa hóa. Việc thu hút FDI cũng cần tăng tính chọn lọc hơn, ưu tiên lĩnh vực công nghệ cao.
Yêu cầu sẽ ngày càng cao
Bà Cao Thị Phi Vân, phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và thương mại TP.HCM, cho biết ngành công nghiệp hỗ trợ thường được biết đến với khả năng thích ứng, hội nhập cao, sẵn sàng thay đổi liên tục để đáp ứng các yêu cầu của đối tác.
Tuy nhiên hiện nay, các đơn hàng từ người mua hàng quốc tế không chỉ dừng lại yêu cầu đó. Để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nhà sản xuất Việt Nam còn phải tuân thủ các cam kết môi trường, phúc lợi cho lao động, nhân lực, hiện nay còn thêm yếu tố sản phẩm sản xuất ra có tái sử dụng được không.
Xây dựng trung tâm thương mại thế giới ngay tại Bình Dương
Trung tâm thương mại thế giới ngay tại Bình Dương - Ảnh: BÁ SƠN
Để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam kết nối thẳng vào chuỗi giá trị toàn cầu, một trung tâm thương mại thế giới đã được hình thành ngay tại thành phố mới Bình Dương, với sự hợp tác với COEX - đơn vị sở hữu và vận hành các trung tâm hội nghị, triển lãm lớn nhất Hàn Quốc.
Bà Huỳnh Đinh Thái Linh - giám đốc Trung tâm Thương mại thế giới thành phố mới Bình Dương (WTC) - cho biết ý tưởng hình thành WTC khi diễn ra Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á (HORASIS), các đối tác quốc tế cũng rất quan tâm tới cơ hội hợp tác, kết nối tại Bình Dương.
WTC Bình Dương được xây dựng bài bản với quy mô lớn, không chỉ ở tổng diện tích lên tới 165.000m2 sàn mà còn ở kỳ vọng hình thành nên một hệ sinh thái để giúp doanh nghiệp Việt kết nối với các đối tác quốc tế tại 330 trung tâm thương mại thế giới, hiện diện tại 90 quốc gia là thành viên của Hiệp hội Trung tâm thương mại thế giới.
BÁ SƠN
Chia sẻ về mô hình, nhu cầu hợp tác với doanh nghiệp nhỏ
Sự chuyển dịch mạnh mẽ của chuỗi cung ứng trên toàn cầu, nhiều tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam. Vậy làm sao để có thể chớp lấy thời cơ, giúp các doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu?
Đó cũng chính là câu hỏi quan trọng được đặt ra tại hội thảo "Sự chuyển dịch chuỗi cung ứng - cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam", với sự tham gia của Bộ Công thương, Cục Công nghiệp và các địa phương khu vực phía Nam như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh… Cùng với đó là các hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia trong và ngoài nước.
Đặt biệt tại hội thảo, các doanh nghiệp "đầu tàu" sẽ chia sẻ về mô hình, nhu cầu hợp tác với các doanh nghiệp vừa và nhỏ về: liên kết về công nghệ, gia công đơn hàng, trung tâm R&D…
Hội thảo "Sự chuyển dịch chuỗi cung ứng - cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam" do báo Tuổi Trẻ phối hợp với Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) và Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương tổ chức, sẽ diễn ra từ 13h đến 17h ngày 15-9-2022 (thứ năm), tại Trung tâm Hội nghị và triển lãm tỉnh Bình Dương (B11 đường Hùng Vương, phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương).
Lãnh đạo doanh nghiệp, chuyên gia… đăng ký dự hội thảo vui lòng liên hệ: chị Ái Điệp, điện thoại: 0909 072 489 hoặc gửi thư về địa chỉ email: aidiep@tuoitre.com.vn.
A.D.
Những công trình, sản phẩm và cách làm du lịch bài bản của Sun Group cũng đã thực sự góp phần nâng tầm vị thế cho du lịch Việt Nam.
Xem thêm: mth.14982529041902202-nol-ac-ohn-ac-teib-nahp-gnohk-ioh-oc/nv.ertiout