Người dân tìm mua hóa chất tại chợ Kim Biên (TP.HCM) - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Trong khi nhiều chất phụ gia không rõ nguồn gốc, sử dụng không đúng quy cách, liều lượng theo tỉ lệ quy chuẩn niêm yết sẽ gây hệ lụy lớn cho sức khỏe người tiêu dùng.
Mua hóa chất quá dễ dàng
Liên lạc với công ty bán hóa chất ở quận Gò Vấp (TP.HCM) để tìm mua 2 tấn hóa chất magie sunfat (MgSO4 7H2O) cho cơ sở sản xuất kinh doanh ở Đồng Nai, ở đầu dây bên kia, nhân viên công ty này cho biết:
"Nếu muốn đưa về nơi sản xuất kín đáo, hạn chế người thấy thì một là bỏ hàng xa cơ sở rồi tự vận chuyển vào, hai là sang bao bì luôn nhưng giá cao hơn vì tính công cán. Nếu xử lý luôn bao bì, giao tận nơi bao quy cách 25kg/bao thì giá 8.500 đồng/kg, còn để nguyên bao bì nhãn mác thì giá 6.500 đồng/kg".
Tương tự, tìm mua chất tinopat (thường cho vào trong bún, hủ tiếu nhằm tạo độ trắng) và hàn the (chất làm cho thực phẩm trở nên dai, giòn, tươi hơn) tại cửa hàng hóa chất ở quận 10 cũng không hề khó.
Chất tinopat bán ở đây với mức giá là 369.000 đồng/kg, còn bột hàn the chỉ 150.000 đồng/kg được giới thiệu nhập khẩu từ Mỹ. Hàn the không có trong danh mục các chất được Bộ Y tế cho phép dùng chế biến thực phẩm do có tính độc hại.
Liên hệ với một doanh nghiệp chuyên cung cấp hóa chất tại huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai), khi đặt mua hàn the, đại diện đơn vị này cho biết hàn the chỉ được dùng trong công nghiệp, cấm dùng chế biến thực phẩm.
Tuy nhiên khách muốn mua thì doanh nghiệp vẫn bán, bán sỉ bao 25kg giá chỉ 30.000 đồng/kg, còn mua tấn thì giá còn 25.000 đồng/kg. "Sử dụng như thế nào là do khách. Muốn mua bao nhiêu cũng có, không cần điều kiện hay giấy tờ gì", vị này khẳng định.
Với mặt hàng tẩy trắng rau củ, vị này cho biết có chất metal bisulfite chuyên dùng tẩy trắng rau củ và được phép sử dụng theo liều lượng nhất định.
Dù khuyến cáo không nên dùng cho thực phẩm nhưng vị này cho biết "khách muốn mua làm gì là quyền của khách, công ty sẵn sàng đáp ứng nhưng chỉ bán sỉ". Trường hợp muốn mua lẻ các loại hóa chất, phụ gia dùng trong sản xuất chế biến thực phẩm thì hãy đến chợ Kim Biên (TP.HCM).
Đã quản chặt hơn cũng không ngăn nổi
Dạo quanh một vòng khu vực chợ Kim Biên, khi đặt vấn đề mua hàn the và chất tẩy trắng cho rau muống, một người bán tên Oanh cho biết tại cửa hàng hiện không có bán nhưng khách cần thì cứ cho địa chỉ rồi cửa hàng sẽ giao tận nơi.
"Giờ việc mua bán hóa chất bị giám sát chặt hơn, phải có giấy tờ, nên một số chất không thể buôn bán tại chỗ được", người này lý giải. Khi được hỏi mua mặt hàng này dùng trong thực phẩm bị pháp luật cấm thì có sao không, người này trấn an: mua bán giao dịch riêng thì không ai biết đâu.
Tương tự, khi đặt vấn đề mua chất tẩy trắng rau củ, một địa chỉ tại chợ Kim Biên cũng cho biết muốn mua bao nhiêu cũng có và không bắt buộc người mua phải cung cấp giấy tờ hoặc chứng minh mục đích sử dụng hóa chất, tuy nhiên không giao dịch tại chợ.
Trong khi đó, theo tìm hiểu, thị trường hiện nay có rất nhiều hóa chất sử dụng như phụ gia thực phẩm bao gồm các nhóm phẩm màu, chất bảo quản, chất chống oxy hóa, chất tạo vị, chất nhũ hóa, các chất làm đặc hoặc làm gel, các chất ổn định, điều vị và điều hương, gia vị tổng hợp… nhưng hàm lượng chất phụ gia ghi trên nhãn mác thì không phải sản phẩm nào cũng rõ ràng.
Người tiêu dùng có thể khởi kiện
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một chuyên gia y tế tại TP.HCM cho biết hàn the là chất bị Bộ Y tế cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm.
Tuy nhiên, vì lợi nhuận, trên thực tế loại chất này vẫn được không ít người bán cố tình dùng trong chế biến và bảo quản thực phẩm để tạo độ dai, giòn, thịt, tôm, cá tươi lâu. "Hàn the có thể gây ngộ độc cấp tính hoặc mãn tính, thậm chí tử vong do ngộ độc cấp tính", vị này cho biết.
Luật sư Phan Thị Việt Thu - chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP.HCM - cho biết ngoài chế tài theo quy định pháp luật, người tiêu dùng có quyền khởi kiện đơn vị kinh doanh nếu sản phẩm thực phẩm không an toàn, gây ảnh hưởng sức khỏe, thiệt hại về kinh tế. Để hỗ trợ điều này, hội sẵn sàng tiếp nhận thông tin từ người tiêu dùng để hỗ trợ khiếu kiện.
Tuy vậy bà Thu cho rằng cái khó hiện này là hầu như không có bằng chứng cụ thể, giấy tờ thể hiện việc người tiêu dùng bị trúng độc, nhiều chất độc tác động theo kiểu mãn tính và lâu dài vào cơ thể. Ngoài ra việc mua bán, giao dịch hóa chất không có giấy tờ hay được quản lý cụ thể nên khó để truy.
Dữ liệu: THẢO THƯƠNG
Có thể bị phạt tù nếu sử dụng hàn the, chất tẩy trắng
Theo điều 317 Bộ luật hình sự 2015, nếu người nào sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm thì sẽ bị phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng hoặc có thể phạt tù từ 1-5 năm mà không cần phải gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của con người.
Bắt đầu từ ngày 1-7-2016, nếu người nào sử dụng hàn the trong chế biến, bảo quản thực phẩm sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật hình sự 2015.
TTO - Hàng loạt loại mì Việt Nam bị các nước thu hồi vì chứa chất ethylen oxide (EO) gây xôn xao. Doanh nghiệp vẫn dùng chất này vì Việt Nam... chưa quy định. Tuổi Trẻ đi tìm hiểu thì còn hàng loạt chất như EO, nhiều nước cấm nhưng Việt Nam vẫn chờ.