Phiên hôm qua (13/9), chứng khoán Mỹ đã trải qua phiên bán tháo mạnh nhất kể từ giữa năm 2020. Chỉ số Dow Jones giảm gần 4%, S&P giảm 4,32% và chỉ số Nasdaq mất tới 5,16%.
Ngay sau khi mở cửa, sắc đỏ đã bao trùm thị trường vì báo cáo lạm phát gây nhiều bất ngờ. Thay vì hạ nhiệt như dự báo, chỉ số lạm phát tháng 8 của Mỹ vẫn tăng 0,1% so với tháng trước. Giá xăng giảm đã không thể giúp chỉ số đi xuống.
Suốt từ đầu năm đến nay, rất nhiều chuyên gia kinh tế cũng như các nhà hoạch định chính sách đều cho rằng thực phẩm và nhiên liệu là hai nguyên nhân lớn nhất khiến lạm phát của Mỹ tăng cao. Do đó, một khi các nút thắt trên chuỗi cung ứng được tháo gỡ và giá khí đốt hạ nhiệt, chi phí sẽ giảm xuống, kéo theo áp lực giá cả trong toàn bộ nền kinh tế cũng vì thế mà hạ xuống.
Tuy nhiên, báo cáo lạm phát tháng 8 đã “dội gáo nước lạnh” vào nhận định này. Các con số cho thấy lạm phát đã lan rộng ra toàn bộ nền kinh tế, do đó sẽ kéo dài và khó giải quyết hơn so với dự đoán.
Chỉ số lạm phát lõi – là chỉ số CPI đã loại trừ 2 mặt hàng có giá cả biến động mạnh là thực phẩm và nhiên liệu – đã tăng 0,6% trong tháng 8, cao gấp đôi so với dự đoán của hãng tin Dow Jones. So với cùng kỳ năm ngoái, chỉ số này tăng tới 6,3%. Còn nếu tính cả thực phẩm và năng lượng, CPI tăng 0,1% so với tháng trước và 8,3% so với 12 tháng trước.
Quan trọng hơn, nguồn tăng lạm phát không còn là giá xăng – mặt hàng đã giảm giá 10,6% trong tháng 8.
Lạm phát sâu rộng
Không phải xăng dầu mà thực phẩm, chỗ ở và các dịch vụ y tế là những nguyên nhân khiến lạm phát Mỹ tăng lên. Đây là điều tồi tệ với bộ phận có thu nhập thấp nhất trong nền kinh tế và làm dấy lên những câu hỏi rất quan trọng về nguồn gốc của lạm phát.
“Các con số về lạm phát lõi đều nóng bỏng. Giá cả mọi mặt hàng đều tăng, từ xe cộ cho đến dịch vụ y tế và chi phí thuê nhà”, Mark Zandi, chuyên gia kinh tế trưởng của Moody’s Analytics nói. “Đây là điểm đáng lo ngại nhất của báo cáo lạm phát tháng 8”.
Giá xe mới và dịch vụ chăm sóc y tế đều tăng 0,8% trong tháng 8. Chi phí chỗ ở - gồm tiền thuê nhà và các khoản chi liên quan đến nhà cửa khác – chiếm tỷ trọng gần 1/3 trong rổ các mặt hàng cấu thành nên chỉ số CPI và đã tăng 0,7%.
Chỉ số giá thực phẩm tại nhà đã tăng 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái, mạnh nhất kể từ tháng 3/1979. Giá các mặt hàng như trứng và bánh mì tiếp tục tăng vọt, đè nặng lên ngân sách của các hộ gia đình.
Đối với dịch vụ y tế, mức tăng 0,8% là mạnh nhất kể từ tháng 10/2019. Chi phí cho bác sĩ thú y tăng 0,9% so với tháng trước và hơn 10% so với cùng kỳ.
“Kể cả những thứ thường giảm giá như quần áo cũng tăng nhẹ (khoảng 0,2%). Theo quan điểm đánh giá của tôi, trong bối cảnh giá dầu giảm như hiện tại, giả sử là giá xăng không tăng trở lại, kinh tế Mỹ vẫn có lạm phát trên diện rộng dù mức độ có thể giảm xuống một chút trong tương lai”, Zandi nói. Ông dự báo phải đến đầu năm 2024 lạm phát mới có thể quay trở lại mức mục tiêu 2% mà Fed đề ra.
Báo cáo cũng có một số điểm tích cực, ví dụ như giá vé máy bay, cà phê và hoa quả đã giảm xuống. Đầu tuần này Fed New York vừa công bố kết quả khảo sát cho thấy người tiêu dùng ngày càng ít lo ngại lạm phát hơn, mặc dù họ vẫn dự báo tỷ lệ lạm phát giữ ở mức 5,7% trong 1 năm tới. Ngoài ra có nhiều dấu hiệu cải thiện trên chuỗi cung ứng.
Liệu giá dầu có tăng trở lại?
Khoảng 3/4 mặt hàng vẫn đang có mức tăng giá trên 4% so với cùng kỳ năm ngoái, khiến lập luận “lạm phát chỉ mang tính tạm thời” mà Nhà Trắng và Fed vẫn đang cố gắng truyền bá trở nên lung lay.
Và không ai có thể chắc chắn giá năng lượng sẽ tiếp tục ở mức thấp như hiện tại.
Mỹ và các quốc gia G7 khác cho biết họ có dự định áp đặt các biện pháp kiểm soát giá đối với dầu Nga bắt đầu từ ngày 5/12. Điều này nhiều khả năng sẽ dẫn đến những động thái đáp trả từ Nga, khiến giá dầu leo thang trong tháng cuối năm.
“Nếu Moscow cắt toàn bộ hoạt động xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt sang EU, Mỹ và Anh, giá sẽ quay trở lại với các đỉnh đã được lập trong tháng 6. Giá khí đốt trung bình có thể sớm tăng mạnh so với 3,7 USD/gallon như hiện tại”, Joseph Brusuelas, chuyên gia kinh tế trưởng tại RSM nhận định.
Chuyên gia này bổ sung thêm rằng kể cả khi thị trường nhà ở đang diễn biến và kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái, giá cả sẽ không sớm hạ nhiệt. Giá nhà có độ trễ tới 1 năm hoặc hơn thế.
Trong bối cảnh áp lực lạm phát vẫn rất cao như hiện nay, câu hỏi lớn là Fed sẽ điều chỉnh lãi suất như thế nào. Thị trường đang đặt cược Fed sẽ tăng lãi suất cơ bản ít nhất 0,75 điểm phần trăm sau cuộc họp tuần sau.
“Lạm phát 2% đại diện cho giá cả ổn định. Đó là mục tiêu của Fed. Tuy nhiên, quan trọng là Fed phải tìm cách đạt được mục tiêu này mà không khiến mọi thứ đổ vỡ. Fed vẫn chưa thể xong việc. Quay lại 2% là một chặng đường rất khó khăn. Nhìn chung thì chúng ta thấy lạm phát đã hạ nhiệt chút ít, nhưng Fed nên ngừng tăng lãi suất khi lạm phát ở mức bao nhiêu?”, Brusuelas nói.
Tham khảo CNBC