Chị Hồ Thị Bằng trong căn phòng trọ khoảng 25m2 gần Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội) - Ảnh: GIA ĐOÀN
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang đề xuất kỳ nghỉ Tết Nguyên đán từ 29 tháng chạp năm Nhâm Dần đến hết ngày mùng 5 tháng giêng năm Quý Mão, tức 20-1 đến 26-1-2023 dương lịch.
Tuy nhiên, nhiều người lao động mong muốn nghỉ Tết sớm hơn vì đến 29 Tết mới nghỉ thì quá sát Tết, ảnh hưởng đến việc đi lại, mua sắm đồ đón năm mới, nhất là lao động xa quê trong đó có chị Hồ Thị Bằng (39 tuổi).
Là công nhân cho một công ty Nhật Bản tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội), chị Bằng rất ít khi về quê do nhà ở Đức Thọ, Hà Tĩnh (cách thủ đô hơn 330km về phía Nam), nếu về nghỉ lễ thì được 1-2 ngày do đường xa đi mất 8-9 tiếng. Do đó, chị dành dụm ngày nghỉ phép để dồn vào dịp Tết Nguyên đán hằng năm.
Nữ công nhân này tâm sự: "Mọi năm, công nhân xa nhà như tôi đều được công ty tạo điều kiện cho về Tết sớm và đi làm muộn hơn. Tất nhiên, tôi phải đi làm bù cho ngày nghỉ phát sinh. Năm nào cũng vậy nên không khó khăn gì".
Theo chị Bằng, rất nhiều công nhân mong muốn nghỉ Tết dài ngày, nghỉ sớm, tránh sát Tết để có thêm thời gian dọn nhà, sửa soạn đón năm mới.
Cách nhà chị Bằng không xa, anh Nguyễn Văn Truyền (30 tuổi, quê Yên Bái) tâm sự bản thân rất muốn về quê sớm vì anh cùng vợ đi xe máy về quê cách Hà Nội hơn 200km.
"Về Tết sớm ngày nào hay ngày ấy, vừa đỡ tắc đường, vừa có thời gian nghỉ ngơi để dọn dẹp, sửa chữa nhà cửa vì đi làm cả năm mới về. Công ty tôi cũng thường cho công nhân nghỉ sớm, làm muộn miễn là sau Tết tăng ca, làm bù kịp đơn hàng", anh Truyền tâm sự.
Trong khi đó, chị Phạm Hải (37 tuổi, quê Hà Tĩnh) cho hay vì nhà mẹ đẻ với nhà chồng dù cách xa nên về quê sớm để tranh thủ qua thăm nội ngoại, tránh tắc đường vì có năm chị mất 8-10 tiếng để về tới nhà.
"Mình luôn để dư nghỉ phép phòng lúc ốm đau với dành nghỉ Tết dài ngày. Cơ quan cũng bố trí người trực thay nên không vấn đề gì", chị Hải bộc bạch.
Nhiều công ty coi việc cho công nhân nghỉ Tết sớm là một hình thức giữ chân người lao động - Ảnh: HÀ QUÂN
Còn ông Nguyễn Văn Tân, chủ tịch Công đoàn Công ty Hosiden (Bắc Giang) chia sẻ doanh nghiệp này có nhiều người lao động xa quê nên muốn nghỉ trước Tết 2-3 ngày để sắm Tết trước khi về nhà.
"Với hơn 5.000 công nhân, 40% trong số đó là lao động ngoại tỉnh, dịp Tết năm 2022 có 400 lao động xa quê xin nghỉ phép về quê sớm từ ngày 23 Tết. Khoảng 20% công nhân xin về quê ăn Tết từ 28 tháng chạp, công ty muốn giữ người lao động ở lại cũng không được", ông Nguyễn Văn Tân cho hay.
Theo vị này, các tỉnh gần nhau như Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên có nhiều khu công nghiệp, công nhân đông nên khi nghỉ cùng một thời điểm quá sát Tết có thể gây ra quá tải tàu xe. Nếu nghỉ từ 29, 30 Tết thì một số người nhà xa gần giao thừa mới về được quê. Do đó, ông đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét phương án thuận tiện cho người lao động, nhất là đối tượng làm việc xa nhà.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 14-9, ông Phạm Minh Huân, nguyên thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cho hay tình hình kinh tế năm nay vẫn còn khó khăn nên nhiều doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như dệt may, đồ gỗ, điện tử… cũng đề nghị nghỉ dịp Tết trong 9 ngày.
Thứ hai, nếu công chức, viên chức phải chờ tới ngày 20-1-2023 (tức 29 Tết) mới được nghỉ như đề xuất thì sẽ bất tiện cho việc sắm Tết, đi lại của bà con. Bên cạnh đó, thời gian nghỉ Tết một số năm quá ngắn, nếu doanh nghiệp không cho người lao động nghỉ thêm, họ sẽ nghỉ việc kéo dài, dẫn tới tình trạng thiếu hụt lao động sau Tết ở một số khu vực phía Nam.
"Tâm lý người xa quê là muốn nghỉ Tết sớm để có thời gian nghỉ ngơi, đoàn tụ bên gia đình. Các cơ quan hành chính có thể linh hoạt bố trí người trực tại các vị trí thiết yếu để kịp thời giải quyết nhu cầu của người dân", ông Huân nói thêm.
Do đó, nguyên thứ trưởng Phạm Minh Huân cho rằng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét lại phương án nghỉ Tết trước khi trình Chính phủ quyết định, có thể tham khảo ý kiến nghỉ từ 28 Tết và làm bù vào thứ 7 (mùng 7 tháng giêng) từ Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam.
Thăm dò ý kiến
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất nghỉ Tết Nguyên đán 2023 (Quý Mão) trong 7 ngày hoặc 9 ngày. Tổng Liên đoàn đề xuất 8 ngày. Bộ Nội vụ và Bộ Giao thông đề xuất 7 ngày. Bộ Tài chính đề xuất 9 ngày. Bạn mong muốn:
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
TTO - Bộ Tài chính đề xuất nghỉ Tết Nguyên đán 2023 trong 9 ngày nhằm tạo điều kiện để công chức, viên chức chủ động có thời gian nghỉ ngơi, đoàn tụ bên gia đình, đặc biệt là người đi làm xa.