Ban tổ chức trả lời câu hỏi - Ảnh: C.TUỆ
Bà Rungphech Chitanuwat Rose, giám đốc khu vực ASEAN của Tập đoàn Informa Markets, chia sẻ như vậy tại buổi họp báo về Triển lãm và hội thảo Vietstock 2022 về ngành chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi và công nghiệp chế biến thịt diễn ra sáng 14-9.
Triển lãm và hội thảo Vietstock 2022 do Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chủ trì, với sự tham gia của 200 doanh nghiệp đến từ 21 quốc gia, vùng lãnh thổ, diễn ra từ ngày 12 đến 14-10 tại TP.HCM.
Bà Rungphech Chitanuwat Rose nhấn mạnh, an ninh thực phẩm, an toàn thực phẩm và phát triển bền vững là mục tiêu của triển lãm hướng đến lần này.
"Triển lãm và hội thảo có nhiều đổi mới về công nghệ, điều này sẽ giúp cho người nông dân Việt Nam có thể ứng dụng vào sản xuất để đảm bảo an toàn, an ninh thực phẩm và bền vững.
Tại sự kiện lần này, người nông dân cũng được kết nối với những nhà cung cấp để nắm bắt được công nghệ mới nhất. Không chỉ có triển lãm, năm nay còn có các hội thảo, tham luận cung cấp kiến thức chuyên sâu cũng như cập nhật các xu hướng mới nhất của ngành chăn nuôi.
Điểm nhấn của triển lãm năm nay là gian hàng xử lý chất thải thành nguồn năng lượng điện, thành phân bón, từ đó hướng đến sự phát triển bền vững" - bà Rungphech Chitanuwat Rose chia sẻ.
Ông Tống Xuân Chinh, phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết chăn nuôi là 1 trong 4 ngành có sản phẩm tạo ra giá trị lớn trong hệ thống nông nghiệp, chiếm gần 6% GDP hằng năm. Trên bàn ăn của chúng ta hiện nay, đa số là sản phẩm của chăn nuôi.
Thời gian qua, ngành chăn nuôi đã có sự phát triển nhanh chóng, thể hiện trên một số kết quả như chăn nuôi có sự đóng góp lớn của hệ thống khu vực tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp.
"Doanh nghiệp có vai trò là 'đầu tàu', dẫn dắt toàn bộ chuỗi giá trị ngành chăn nuôi từ trang trại đến bàn ăn. Đặc biệt, gần đây đã xuất hiện nhiều chuỗi giá trị khép kín của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, vừa sản xuất thức ăn chăn nuôi, vừa sản xuất con giống, chăn nuôi, giết mổ và đưa sản phẩm ra thị trường.
Một thành công của lĩnh vực chăn nuôi là không những đảm bảo năng suất, chất lượng an toàn thực phẩm, mà còn đảm bảo tuân thủ quy định về phúc lợi động vật, với quá trình chăn nuôi, giết mổ được thực hiện theo các quy định" - ông Chinh nói.
Tuy nhiên, ông Chinh cũng chỉ rõ những thách thức mà ngành chăn nuôi đang gặp phải. Đó là 47% sản lượng chăn nuôi còn nằm ở khu vực nông hộ - nơi thường gặp rủi ro về dịch bệnh, thị trường.
Thách thức từ việc vừa phải phát triển chăn nuôi đảm bảo an ninh thực phẩm cho người dân, đồng thời phát triển chăn nuôi an toàn theo hướng VietGAP, GlobalGAP, hướng tới nền chăn nuôi hữu cơ, sinh thái,...
Trong thời gian tới, ông Chinh cho biết ngành chăn nuôi có những định hướng, nhiệm vụ quan trọng. Đó là có chính sách hỗ trợ, xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo kiểm soát tất cả các khâu trong ngành nhằm hiện đại hóa, công nghiệp hóa ngành chăn nuôi.
Thứ hai, xây dựng tiêu chuẩn phát triển chăn nuôi trang trại ở các quy mô khác nhau, đặc biệt là trang trại quy mô lớn của các doanh nghiệp nhằm thúc đẩy chuỗi giá trị khép kín, với những doanh nghiệp lớn, đầu tàu.
Một điểm nữa là tăng cường quản lý giết mổ, chế biến theo hướng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đẩy mạnh chăn nuôi giảm phát thải khí nhà kính. Đồng thời, chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi để giảm áp lực nhập khẩu.
TTO - Nông dân làm nghề trồng trọt, nuôi cá… ở miền Tây tiếp tục gặp khó khăn vì giá phân bón, thuốc, thức ăn chăn nuôi tăng theo giá xăng rồi không giảm. Song, sản phẩm họ làm ra không thể tăng giá bán.