Phụ huynh tại TP.HCM đưa trẻ đi tiêm vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng - Ảnh: THU HIẾN
Tối 14-9, trước thông tin một số địa phương thiếu các loại vắc xin trong tiêm chủng mở rộng, cụ thể là vắc xin sởi và vắc xin DPT, Bộ Y tế cho biết hằng năm, trên cơ sở nhu cầu của các đơn vị, địa phương, Bộ Y tế giao Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đặt hàng và ký hợp đồng với các đơn vị sản xuất vắc xin trong nước.
Các vắc xin được quản lý, điều phối theo quy trình nghiêm ngặt để bảo đảm chất lượng giao cho các viện Pasteur/vệ sinh dịch tễ khu vực, sau đó cung cấp cho các địa phương triển khai tiêm chủng. Việc cung ứng vắc xin được thực hiện theo các quy định của pháp luật về giá và đặt hàng.
Năm 2022, Bộ Y tế đã có quyết định giao dự toán kinh phí và phê duyệt kế hoạch đặt hàng vắc xin cho Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương.
Theo báo cáo của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương và một số địa phương, hiện đang thiếu một số loại vắc xin: DPT, sởi là do chưa hoàn thiện thủ tục đặt hàng, ký hợp đồng.
Bộ Y tế đã và đang quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương và các đơn vị sản xuất vắc xin khẩn trương hoàn thiện thủ tục đặt hàng để có vắc xin.
Trong đó các đơn vị sản xuất vắc xin khẩn trương xây dựng phương án giá vắc xin năm 2022 để Bộ Y tế thẩm định, gửi Bộ Tài chính xem xét, phê duyệt, làm cơ sở thanh, quyết toán theo quy định.
Như Tuổi Trẻ Online đã phản ánh trước đó, những ngày gần đây, nhiều phụ huynh có con nhỏ tại TP.HCM phản ánh khi đăng ký tiêm vắc xin sởi và DPT (bạch hầu, ho gà, uốn ván) trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại các trạm y tế đều được thông báo "hết vắc xin". Tình trạng này đã kéo dài vài tháng.
Sở Y tế TP.HCM nhận định trước thực trạng thiếu hai loại vắc xin sởi và DPT sẽ dẫn đến khả năng cao TP xảy ra nguy cơ bùng phát dịch sởi chồng lên các dịch COVID-19 và dịch sốt xuất huyết đang hiện hữu.
11 loại vắc xin được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng
Bộ Y tế cho biết thêm chương trình tiêm chủng mở rộng do Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương làm đầu mối thực hiện được triển khai ở Việt Nam từ năm 1981, mục tiêu cung cấp dịch vụ tiêm chủng miễn phí cho trẻ em dưới 1 tuổi, bảo vệ trẻ khỏi một số bệnh truyền nhiễm phổ biến và gây tử vong cao.
Đến nay, đã có 11 vắc xin (loại vắc xin phòng lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, sởi, viêm não Nhật Bản, tả, thương hàn, viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib) được đưa vào chương trình, góp phần quan trọng trong công tác phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe trẻ em.
TTO - Hiện ngành y tế TP.HCM vẫn đảm bảo đầy đủ vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Riêng tình trạng thiếu vắc xin dịch vụ thì phụ thuộc cơ chế thị trường và tùy đơn vị cơ sở, không nằm trong chương trình bắt buộc của Bộ Y tế.