Lãnh đạo tỉnh Bình Dương tham quan mô hình sản xuất tại nhà máy của Tập đoàn Sharp trong Khu công nghiệp VSIP 2 - Ảnh: B.S.
Tuy nhiên, để nắm bắt cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt phải thay đổi, đầu tư mạnh mẽ hơn, liên kết chặt chẽ hơn với sự hỗ trợ của các chính sách ưu đãi, bởi ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đến nay vẫn phụ thuộc phần lớn vào các doanh nghiệp FDI.
"Đại bàng" đến "làm tổ"
Những ngày cuối tháng 8-2022, trên công trường Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP 3, Bình Dương) luôn tấp nập phương tiện thi công để khẩn trương bàn giao mặt bằng cho Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) triển khai dự án.
Dù VSIP 3 chỉ vừa được khởi công vào tháng 3-2022 nhưng đã nhận được sự quan tâm của hàng chục nhà đầu tư có nhu cầu thuê đất, trong đó dự án của LEGO có quy mô tới 44ha, vốn đầu tư hơn 1 tỉ USD. Khi dự án này được triển khai sẽ tạo "cú hích", cộng hưởng phát triển cho khu vực dự án và các doanh nghiệp khác.
Ông Carsten Rasmussen - giám đốc vận hành Tập đoàn LEGO - cho biết dự án tại Bình Dương là nhà máy thứ sáu của tập đoàn này trên thế giới, tạo việc làm cho khoảng 4.000 người, sẽ mở rộng chuỗi cung ứng toàn cầu để đáp ứng mục tiêu có những nhà máy đặt ở gần các khu vực gần với thị trường chính của tập đoàn. Chưa chia sẻ chi tiết về nhu cầu tìm kiếm các nhà cung ứng công nghiệp hỗ trợ, nhưng LEGO cho biết dự kiến khởi công vào cuối năm 2022 và đưa nhà máy đi vào hoạt động trong năm 2024.
Lựa chọn đầu tư vào Bình Dương từ 15 năm trước để xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện điện tử và camera module ứng dụng công nghệ cao, ông Morimoto Hideaki - tổng giám đốc Công ty TNHH Sài Gòn Stec (VSIP 2) - cho biết việc đặt nhà máy tại Việt Nam là đúng hướng nên công ty này đã bốn lần mở rộng quy mô của nhà máy.
Ngay trong thời điểm dịch COVID-19, công ty này vẫn nỗ lực duy trì tới 2.000 công nhân làm việc "ba tại chỗ" (trong tổng số khoảng 6.000 công nhân), để kịp thời cung cấp linh kiện, thiết bị cho chuỗi sản xuất toàn cầu.
Dù đang có hai nhà máy sản xuất trong các khu công nghiệp tại Bình Dương nhưng ông Hashimoto - giám đốc điều hành cấp cao Tập đoàn Sharp (Nhật Bản) - cho biết Sharp có kế hoạch xây dựng thêm một nhà máy quy mô lớn để phát triển các sản phẩm công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ như sản phẩm điện tử, linh kiện công nghệ, điện thoại thông minh, đồ điện tử gia dụng... Theo ông Hashimoto, việc mở rộng đầu tư tại Việt Nam, thay vì tập trung ở Trung Quốc, nhằm đa dạng hóa thị trường và phân tán rủi ro.
Ngoài ra, nhiều dự án lớn trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cũng đang đầu tư tại Bình Dương. Chẳng hạn, Tập đoàn Konlon Industries Inc (Hàn Quốc) đã đầu tư nhà máy chuyên sản xuất sợi lốp polyester để làm vật liệu gia cố cho lốp ô tô, với tổng số vốn đầu tư 220 triệu USD. Công ty TNHH Polytex Far Eastern sản xuất xơ sợi tổng hợp, dệt nhuộm thành phẩm và may mặc, cung cấp nguyên liệu hỗ trợ cho nhiều nhãn hàng lớn toàn cầu như Coca-Cola, Pepsi, Nike, Adidas, Decathlon...
Sản xuất tại Công ty TNHH TPR Việt Nam, chuyên về linh kiện cơ năng của máy, linh kiện điện, linh kiện cao su và các linh kiện nhựa - Ảnh: B.S.
Nhưng làm gì để tham gia chuỗi cung ứng?
Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, địa phương này đang có gần 2.300 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực có liên quan tới công nghiệp hỗ trợ, trong đó nhiều nhất là chế biến gỗ với 953 doanh nghiệp, cơ khí với 710 doanh nghiệp, dệt may có 442 doanh nghiệp, da giày 172 doanh nghiệp... Tuy vậy, các doanh nghiệp này mới chỉ đáp ứng tỉ lệ rất ít nhu cầu về nguyên phụ liệu, hầu hết các doanh nghiệp vẫn phải phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.
Bà Nguyễn Thanh Hà - phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương - cho biết việc ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước chậm phát triển đã ảnh hưởng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước. Phần lớn các sản phẩm hỗ trợ, linh kiện được các doanh nghiệp FDI gia công, sản xuất theo đặt hàng của công ty mẹ, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu gia công các linh kiện, phụ tùng, máy móc đơn giản, hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng thấp, còn đang ở trong giai đoạn đầu phát triển.
Ông Nguyễn Đức Thuấn - chủ tịch Hiệp hội Da giày và túi xách Việt Nam, chủ tịch TBS Group - cho rằng ngay trong ngành da giày và túi xách, doanh nghiệp Việt cũng phải hình thành các trung tâm nghiên cứu mới có thể cạnh tranh khi ra thị trường quốc tế.
Như Thái Bình Shoes, chỉ riêng lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D) đã phải có tới sáu trung tâm với 2.500 nhân sự, nghiên cứu từng lĩnh vực như trung tâm đế, trung tâm giày, trung tâm ba lô, túi xách... "Do vậy, chúng tôi đã chủ động về thiết kế, mẫu mã, không chỉ dừng lại ở việc "gia công" cho các thương hiệu toàn cầu", ông Thuấn cho biết.
Theo ông Hoàng Ngọc Yến - phó giám đốc Công ty CP cao su Thái Dương, một trong những doanh nghiệp từng được hỗ trợ vốn từ ngân sách để phát triển công nghiệp hỗ trợ, cho biết chặng đường để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu cần rất nhiều nỗ lực và sự hà hơi tiếp sức của Nhà nước, cũng như sự đoàn kết của chính các doanh nghiệp. Bởi dù sản xuất một chi tiết máy như ốc vít, roong cao su... để có sự cạnh tranh quốc tế đòi hỏi phải có sự đầu tư chuyên sâu, dây chuyền hiện đại.
Thế nhưng, hầu hết doanh nghiệp Việt Nam có vốn mỏng, nếu được vay ưu đãi cũng không quá nhiều, chỉ vài tỉ đến vài chục tỉ đồng. Nếu vay thương mại, lãi suất ở Việt Nam khá cao, trong khi lĩnh vực nghiên cứu và phát triển đòi hỏi phải có thời gian dài nên doanh nghiệp không mạnh vốn sẽ không thể trụ nổi.
"Để cùng phát triển cần có cơ chế khuyến khích để các "ông lớn" như THACO, VINFAST... hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia trở thành nhà cung ứng cho họ", ông Yến gợi ý.
Chuyển dịch chuỗi cung ứng: cơ hội cho doanh nghiệp Việt
Với sự chuyển dịch mạnh mẽ của chuỗi cung ứng trên toàn cầu, nhiều tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam, nhưng các doanh nghiệp Việt cần làm gì để nắm bắt cơ hội, cần được hỗ trợ như thế nào để có thể tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu?
Những câu hỏi này sẽ được các chuyên gia, lãnh đạo cơ quan chức năng trả lời tại hội thảo "Sự chuyển dịch chuỗi cung ứng - cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam", do báo Tuổi Trẻ phối hợp với Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) và UBND tỉnh Bình Dương tổ chức tại Trung tâm Hội nghị và triển lãm tỉnh Bình Dương vào chiều 15-9, với sự tham gia của các hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia cũng như các địa phương khu vực phía Nam như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh...
Cũng tại hội thảo, các doanh nghiệp "đầu tàu" sẽ chia sẻ về mô hình, nhu cầu hợp tác với các doanh nghiệp vừa và nhỏ về: liên kết về công nghệ, gia công đơn hàng, trung tâm R&D...
A.Đ.
Ông Võ Văn Minh (chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương):
Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trong nước
Ngoài hơn 4.000 doanh nghiệp FDI, Bình Dương cũng có hơn 50.000 doanh nghiệp trong nước đang hoạt động. Chỉ trong tám tháng đầu năm 2022, tổng vốn đầu tư trong nước đăng ký tại Bình Dương đạt hơn 62.000 tỉ đồng, xấp xỉ 2,7 tỉ USD, cao hơn cả vốn FDI dù Bình Dương đứng thứ hai cả nước về thu hút vốn FDI (thu hút 2,6 tỉ USD trong tám tháng đầu năm), chỉ sau TP.HCM. Khối doanh nghiệp trong nước góp phần không nhỏ vào xuất khẩu, với kim ngạch trên 24 tỉ USD, giúp cho Bình Dương trở thành một trong số ít địa phương "xuất siêu" của cả nước.
Thời gian tới, Bình Dương sẽ tiếp tục thu hút đầu tư trong nước để hình thành cộng đồng doanh nghiệp trong nước mạnh, phát triển đồng hành với các doanh nghiệp FDI cũng như hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp trong nước phát triển trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Trong dài hạn, Bình Dương sẽ đầu tư phát triển hạ tầng, hình thành thêm các cảng đường sông trên sông Sài Gòn, khu công nghiệp khoa học công nghệ, nghiên cứu tuyến đường sắt riêng để kết nối các khu công nghiệp vùng Đông Nam Bộ với các cảng...
Các doanh nghiệp trong nước được kỳ vọng sẽ có những đóng góp lớn hơn trong việc tăng tỉ trọng phát triển thương mại dịch vụ sau một thời gian khá dài Bình Dương có nhiều bước tiến vượt bậc trong phát triển công nghiệp.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ (giám đốc Sở Công Thương TP.HCM):
Sẽ hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện các hạn chế
Tại "Hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2022" mà Sở Công Thương TP.HCM phối hợp tổ chức đầu tháng 9-2022, chúng tôi ghi nhận các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp ngày càng có xu hướng tăng tỉ lệ nội địa hóa, hầu hết các doanh nghiệp đều có chiến lược nội địa hóa riêng. Đặc biệt, các doanh nghiệp FDI đều bày tỏ mong muốn mua hàng trong nước vì thời gian giao hàng nhanh, dễ kiểm soát nhà cung ứng, giá cả cạnh tranh...
Tuy nhiên, thực tế cho thấy năng lực cung ứng của doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ chỉ mới đáp ứng đối với các đơn hàng lẻ, trong khi nhu cầu của các tập đoàn FDI là các đơn hàng có quy mô sản xuất hàng loạt theo tiêu chuẩn quốc tế. Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ còn nhiều hạn chế về năng lực tổ chức quản lý sản xuất và công nghệ kỹ thuật; thiếu nguồn lực để đổi mới; lĩnh vực sản xuất khá giống nhau về quy mô, công nghệ và sản phẩm...
Do vậy, việc hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu luôn là mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm mà TP xác định trong các nghị quyết, chương trình phát triển kinh tế - xã hội.
N.BÌNH
Ông Đỗ Minh Tâm (tổng giám đốc Thaco Industries):
Cơ hội lớn với doanh nghiệp Việt
Sự dịch chuyển chuỗi cung ứng đang diễn ra khá mạnh mẽ, trong đó Việt Nam đang là điểm đến của nhiều tập đoàn lớn. Với làn sóng doanh nghiệp FDI đầu tư vào khu vực Đông Nam Bộ, đặc biệt là Bình Dương, cơ hội cho doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi cung ứng khá rộng mở. Bởi khi các doanh nghiệp đầu tư lớn rất cần chuỗi cung ứng và số lượng nhân sự tay nghề cao...
Trong khi đó, lợi thế ở khu vực Đông Nam Bộ là có hệ thống logistics như cảng biển, giao thông đi lại thuận lợi là "điểm sáng" để doanh nghiệp mạnh dạn dịch chuyển chuỗi cung ứng. Nếu có những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ, thu hút thêm doanh nghiệp mang tính nền tảng như gia công cơ khí chính xác, thực hiện mô hình (one-stop), chắc chắn sẽ có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào, phát triển mạnh ngành công nghiệp. Tuy nhiên, để hấp thụ được sự chuyển dịch này, cộng đồng doanh nghiệp vẫn còn nhiều vấn đề cần cải thiện, trong đó cần nâng cao năng lực cạnh tranh về giá và sản phẩm...
CÔNG TRUNG
Bà Rịa - Vũng Tàu: giá trị công nghiệp hỗ trợ còn thấp
Số liệu thống kê cho thấy đến năm 2020, tỉ trọng của công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm gần 88% trong sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trừ dầu khí. Riêng với công nghiệp hỗ trợ, địa phương này đã thu hút được 77 dự án, với vốn gần 60.000 tỉ đồng, chiếm gần 12% của toàn ngành sản xuất công nghiệp.
Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Đỗ Thắng Hải (thứ trưởng Bộ Công Thương) - tại buổi làm việc với Bà Rịa - Vũng Tàu vào tháng 7-2022, giá trị công nghiệp hỗ trợ của địa phương này chỉ gần 12% là còn thấp, trong khi chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa rõ ràng.
Theo ông Nguyễn Văn Đồng - giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, để thu hút các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có trọng điểm, vào tháng 10-2021, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành quyết định danh mục sản phẩm ưu tiên thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, trong đó có các sản phẩm công nghiệp của nhóm cơ khí chế tạo, hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao...
ĐÔNG HÀ
Đồng Nai: vẫn phụ thuộc vào doanh nghiệp FDI
Trong năm 2021, Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai (DIZA) đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 31 doanh nghiệp FDI thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ với vốn đăng ký là 279 triệu USD. Số doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ trong các khu công nghiệp chiếm 62% tổng dự án FDI mới và chiếm 75% tổng vốn đăng ký mới, tập trung vào ba ngành lớn là công nghiệp cơ khí, điện tử và công nghiệp dệt may, giày da.
Theo Sở Công Thương Đồng Nai, địa phương này đang có trên 600 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, chiếm tỉ lệ 11,4% trong tổng số doanh nghiệp công nghiệp.
Nhóm hàng công nghiệp hỗ trợ đang chiếm tỉ trọng hơn 50% kim ngạch xuất khẩu ngành công nghiệp. Tuy nhiên, ngành công nghiệp hỗ trợ Đồng Nai vẫn đang phụ thuộc rất nhiều từ các doanh nghiệp FDI. Cụ thể, có đến 83,25% doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ở Đồng Nai là doanh nghiệp FDI. Sự liên kết giữa các doanh nghiệp công nghiệp chủ yếu giữa các doanh nghiệp FDI với nhau
Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước trên địa bàn còn quá ít, quy mô nhỏ, năng lực tài chính, công nghệ, sản xuất còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu khắt khe của các đối tác. Các doanh nghiệp Việt cũng chưa tham gia sâu vào các chuỗi giá trị các ngành công nghiệp chế tạo của thế giới như cơ khí, điện - điện tử, dệt may, giày dép... các nguyên vật liệu, linh kiện phụ tùng chủ yếu vẫn do các doanh nghiệp FDI cung cấp.
A LỘC
TTO - Nhiều doanh nghiệp lớn tiếp tục tìm đến Việt Nam để tìm nhà cung cấp, bên cạnh Lego (Đan Mạch), Apple, Samsung... còn có nhà sản xuất máy bay Boeing.
Xem thêm: mth.33431448051902202-ort-oh-peihgn-gnoc-ohc-ioh-oc-ueihn/nv.ertiout