Ông Trần Tuấn Anh, trưởng Ban Kinh tế trung ương, cho biết mục tiêu đến năm 2030, cả nước sẽ có 2 triệu doanh nghiệp - Ảnh: T.TRUNG
Chiều 15-9, Ban Kinh tế Trung ương có buổi làm việc với cộng đồng doanh nghiệp về tình hình thực hiện nghị quyết 09 năm 2011 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Phát biểu khai mạc, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết Ban Kinh tế Trung ương được giao phụ trách đề án tổng kết 10 năm thực hiện nghị quyết 09 và trình Bộ Chính trị vào ngày 15-11 tới.
Để hoàn thiện đề án, Ban Kinh tế Trung ương muốn nắm bắt một cách thực chất, thấu đáo về kết quả xây dựng đội ngũ doanh nhân 10 năm qua và những đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp.
Trên cơ sở đó, Ban Kinh tế Trung ương sẽ tham mưu cho Bộ Chính trị tiếp tục hoàn thiện, bổ sung chủ trương, đường lối của Đảng nhằm xây dựng và phát huy hơn nữa đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong tình hình mới.
Về sự phát triển và đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, ông Phạm Tấn Công - chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - cho biết 10 năm qua, số lượng doanh nghiệp tăng gấp 3 lần. Cả nước hiện có 860.000 doanh nghiệp, tạo việc làm cho 14,7 triệu lao động. Khu vực doanh nghiệp đóng góp trên 60% GDP, khoảng 70% thu ngân sách nhà nước.
Bên cạnh mặt tích cực, có một bộ phận doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn phi pháp. Kinh doanh thiếu tính liên kết, chưa tạo ra sức mạnh chung. Mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 chưa đạt được…
Để phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh hơn trong giai đoạn tới, ông Công đề xuất cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế hệ thống pháp luật theo hướng bảo vệ, khuyến khích, khen thưởng doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn chân chính và ngăn ngừa đơn vị, cá nhân làm ăn phi pháp. Đặc biệt không nên hình sự hóa quan hệ kinh tế.
Còn ông Trần Việt Anh - phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM - kiến nghị cần có cơ chế, chính sách để khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam phát triển.
Nhất trí với những kiến nghị trên, ông Trần Tuấn Anh cho rằng phải có khuôn khổ pháp luật, cơ chế chính sách cụ thể để trong bối cảnh đang hội nhập sâu rộng nhưng vẫn có dư địa hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
"Trong tinh thần mới của nghị quyết, Ban Kinh tế Trung ương sẽ nghiên cứu đảm bảo đầy đủ các vấn đề mà các doanh nhân đặt ra. Theo hướng lợi ích và quyền lợi hợp pháp chính đáng của doanh nghiệp Việt Nam phải được đảm bảo" - ông Trần Tuấn Anh khẳng định.
Cũng theo trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 - 2030 đã đề ra nhiệm vụ phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam cả về số lượng và chất lượng.
Khuyến khích hình thành tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế. Phấn đấu đến năm 2030 cả nước có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp. Khu vực kinh tế tư nhân đóng góp vào GDP đạt 60 - 65%.
Đóng góp vật chất cho Quỹ vắc xin phòng chống COVID-19 theo lời kêu gọi của Chính phủ là sự hưởng ứng cấp bách của các doanh nghiệp, góp thêm nguồn lực để mua vắc xin, nhanh chóng tiến gần đến mục tiêu miễn dịch cộng đồng.
Xem thêm: mth.35590509151902202-peihgn-hnaod-ueirt-2-oc-uad-nahp-man-teiv-0302-man-ned/nv.ertiout