Tội phạm lừa đảo qua mạng đang gia tăng và hoạt động tinh vi hơn
Từ đầu năm 2022 đến nay, Bộ Công an đã khởi tố gần 500 vụ án và hơn 1.000 bị can liên quan các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, bằng con số của cả năm 2020, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm 2021. Tội phạm sử dụng công nghệ cao đang có xu hướng gia tăng và hoạt động tinh vi hơn.
Các cơ quan chức năng cảnh báo nhiều chiêu trò lừa đảo qua mạng đang bủa vây người dân với nhiều thủ đoạn và diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều người. Trong đó, gia tăng mạnh hình thức lừa đảo tuyển cộng tác viên mua hàng trên sàn thương mại điện tử hay hỗ trợ cho vay tiền trực tuyến.
Một số chiêu trò lừa đảo chính như sau:
- Giả danh là nhân viên bưu cục thông báo người dùng trúng thưởng, hoặc kết bạn qua mạng để làm quen và gửi quà, người dùng cần nộp 1 khoản thuế, phí vận chuyển.
- Giả danh là nhân viên ngân hàng gọi điện thoại để tư vấn hỗ trợ cho vay tiền trực tuyến.
- Giả danh cán bộ Công an, Viện kiểm sát, Tòa án để thông báo nạn nhân liên quan đến các vụ án đang bị điều tra, gửi lệnh truy nã, lệnh bắt tạm giam, yêu cầu chuyển tiền để phục vụ công tác điều tra.
- Thuê, mượn hoặc mua lại tài khoản ngân hàng của người khác rồi dùng để lừa đảo, đánh bạc.
- Cố ý "chuyển nhầm" tiền đến tài khoản của người dùng, rồi yêu cầu, đe dọa nạn nhân trả lại số tiền kia với lãi cắt cổ.
- Lập ra các trang web kêu gọi mọi người đầu tư tài chính, tiền ảo, hưởng mức lãi suất cao, rồi tự đánh sập trang web sau một thời gian hoạt động.
Đừng bị mắc bẫy vào chính lòng tham của mình
Phải thừa nhận rằng mấu chốt của những thủ đoạn lừa đảo là đánh vào lòng tham của nhiều người, muốn kiếm tiền nhanh, với lãi suất cao. Cơ quan chức năng đã và đang triển khai nhiều giải pháp để ngăn chặn tình trạng này, cũng như có những khuyến cáo đối với người dân.
Theo Bộ Công an, khi bị lừa đảo, nạn nhân phải liên hệ ngay với cơ quan công an nơi gần nhất để trình báo, thực hiện các bước xác minh của cơ quan có thẩm quyền.
Với lừa đảo liên quan đến giao dịch chuyển tiền qua tài khoản, phải liên hệ ngay với các ngân hàng mà mình đã thực hiện các giao dịch thanh toán, để có hoạt động tra soát những giao dịch. Nếu nhanh chóng có thể thu hồi được.
Lừa đảo liên quan đến giao dịch chuyển tiền qua tài khoản
Bộ Công an đã yêu cầu các Bộ ngành liên quan như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường biện pháp quản lý khi cung ứng, phát hành sim điện thoại trả trước và thẻ ngân hàng. Điều này sẽ hạn chế tối đa việc sử dụng sim rác và tài khoản ngân hàng vào các hoạt động lừa đảo.
Với những người mở tài khoản ngân hàng, nhưng có hành vi bán hoặc cho các đối tượng lừa đảo thuê lại, mức phạt cao nhất có thể lên tới 7 năm tù.
Mức phạt cao nhất với đối tượng lừa đảo mạng sẽ lên tới 20 năm tù. Một mức phạt được kỳ vọng sẽ góp phần giảm mạnh loại hình tội phạm này thời gian tới.
Bộ Công an cũng cho biết với các đối tượng lừa đảo đặt trụ sở ở nước ngoài, lực lượng công an đang tăng cường phối hợp với cảnh sát các nước để có phương án đấu tranh xử lý nghiêm. Công tác đầu tranh đang được đẩy mạnh, nhưng thủ đoạn tội phạm mạng cũng thay đổi từng ngày từng giờ.
Không ai khác, chính mỗi người phải tự nâng cao cảnh giác, trình độ hiểu biết pháp luật, công nghệ để tránh bị lừa, và quan trọng nhất là đừng bị mắc bẫy vào chính lòng tham của mình.
Cùng trao đổi về chủ đề này trong chương trình Vấn đề hôm nay là ông Ngô Tuấn Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam.
VTV.vn - Mới đây, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, đã cung cấp công cụ để người dùng tra cứu, xác minh hoặc báo cáo tài khoản ngân hàng liên quan tới lừa đảo.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!