Xét theo loại hình doanh nghiệp, doanh nghiệp ngoài nhà nước đang hoạt động có số lao động nhiều nhất với 7,7 triệu lao động vào năm 2015 và 8,6 triệu lao động vào năm 2020, chiếm gần 60% tổng số lao động trong các doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước.
Năm 2020, số lao động trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là hơn 5 triệu lao động, chiếm 34,62% tổng số lao động. Trong khi đó, tổng số lao động trong doanh nghiệp nhà nước chỉ chiếm 6,84% với hơn 1 triệu lao động, giảm 100.000 lao động so với năm 2019.
Xét theo từng ngành kinh tế, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành có nhiều lao động nhất với 7,5 triệu lao động vào năm 2020, chiếm 51% tổng số lao động trong các doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước.
Cụ thể, trong nhóm ngành này, sản xuất trang phục là lĩnh vực thu hút nhiều lao động nhất với gần 1,5 triệu lao động vào năm 2020. Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan là lĩnh vực hút lao động nhiều thứ 2 trong nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với 1,3 triệu lao động.
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Sau công nghiệp chế biến chế tạo, ngành có nhiều lao động nhiều thứ 2 là bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác với 1,85 triệu lao động. Ngành có nhiều lao động thứ 3 là ngành xây dựng với hơn 1,42 triệu lao động vào năm 2020.
Hai vị trí thứ 4 và thứ 5 thuộc về ngành vận tải, kho bãi và các hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ với số lao động lần lượt là 680.000 và 560.000 lao động.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, năm 2020, thu nhập bình quân (TNBQ) một tháng của lao động trong doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh là 9,5 triệu đồng. Trong đó, hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm có mức lương cao nhất với hơn 25 triệu đồng/người/tháng.
Với những có nhiều lao động nhất, mức thu nhập đều thấp hơn mức thu nhập bình quân của tất cả các ngành, trừ ngành vận tải, kho bãi.
Cụ thể, ngành có nhiều lao động nhất là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có mức TNBQ đạt hơn 9 triệu đồng/người/tháng, tăng 1,4 lần so với năm 2015. Trong nhóm ngành này, lao động trong sản xuất sản phẩm thuốc lá có mức thu nhập cao nhất với hơn 16 triệu đồng/người/tháng và nhóm chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa có mức thu nhập thấp nhất (gần 7,2 triệu đồng/người/tháng).
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Mỗi lao động trong ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác có mức TNBQ một tháng đạt 8,2 triệu đồng, tăng 1,2 lần so với năm 2015.
Ngành có nhiều lao động thứ 3 là ngành xây dựng có TNBQ của một lao động đạt 7,61 triệu đồng/tháng. Trong đó, xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng là nhóm có thu nhập cao nhất với gần 8 triệu đồng/người/tháng.
Trong 5 ngành có nhiều lao động nhất, vận tải, kho bãi là ngành có thu nhập cao nhất với 10,32 triệu đồng/người/tháng, tăng gần 1,3 lần so với năm 2015. Trong đó, vận tải hàng không là nhóm có TNBQ của một lao động cao nhất với 18,6 triệu đồng. Tuy nhiên, mức thu nhập này giảm 37% so với năm 2019, năm trước khi đại dịch bùng phát.
Ngoài ra, lao động trong hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ có mức lương 7,23 triệu đồng mỗi tháng, tăng 1,2 lần so với năm 2015.
Xem thêm: mth.8874900251902202-ueihn-oab-nauq-hnib-pahn-uht-oc-tahn-gnod-oal-ueihn-gnud-us-hnagn-gnuhn/nv.ahos