Hội thảo Hoàn thiện pháp luật về tổ chức chính quyền TP thuộc thành phố trực thuộc trung ương từ thực tiễn tại TP Thủ Đức - Ảnh: THẢO LÊ
Sáng 16-9, Trường đại học Kinh tế - Luật TP.HCM tổ chức hội thảo "Hoàn thiện pháp luật về tổ chức chính quyền thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, từ thực tiễn tại TP Thủ Đức".
Phát biểu gợi mở tại hội thảo, ông Nguyễn Hữu Hiệp - bí thư Thành ủy TP Thủ Đức - chia sẻ từ khi nhận nhiệm vụ đến nay, ông đã đến 32/34 phường để ghi nhận tâm tư, nguyện vọng của người dân. 204 câu hỏi đã được bí thư các khu phố đặt ra với người đứng đầu TP Thủ Đức.
"Tưởng lên TP thì con hẻm sẽ hết ngập nước nhưng vẫn thấy ngập. Hay có người nói là lên TP nhưng việc thu gom rác vẫn không tốt hơn, vẫn như cũ thì lên TP làm gì?", ông Hiệp nói và cho rằng những suy nghĩ của người dân cũng phản ánh một phần bức tranh của TP Thủ Đức từ khi thành lập đến nay.
Theo bí thư Thành ủy TP Thủ Đức, sau khi sáp nhập ba quận thì công tác phục vụ người dân có phần chậm hơn. Công việc này trước đây "ba người làm nhưng nay chỉ có một người nên chậm là đúng". Công nghệ hiện nay chưa đủ sức phủ để người dân không phải đi lại trong giao dịch hành chính.
Từ những câu chuyện trên, ông Nguyễn Hữu Hiệp mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học có sự phân tích, đưa ra những giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho TP Thủ Đức.
Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức Nguyễn Hữu Hiệp phát biểu tại hội thảo - Ảnh: THẢO LÊ
Phải xác định TP Thủ Đức là đô thị vệ tinh của TP.HCM
Tham luận tại hội nghị, TS Nguyễn Thị Thiện Trí - Trường đại học Luật TP.HCM - đã dẫn chứng lại kinh nghiệm hình thành các đô thị vệ tinh tại các nước phát triển.
Đô thị vệ tinh trên thế giới có những chính sách phát triển riêng, phù hợp với từng loại đô thị mà trung ương không thể áp đặt chính sách cụ thể được.
Do đó, các đô thị vệ tinh này có quyền tự chủ rất lớn trong việc hình thành và thực thi chính sách.
Bà Trí cho rằng các đô thị vệ tinh phải có chính quyền địa phương, nền kinh tế độc lập với "thành phố mẹ" và có quyền tài phán riêng. Chính quyền đô thị vệ tinh phải được tổ chức theo mô hình phân quyền.
Tham chiếu cho TP Thủ Đức, bà Trí cho rằng cần xác định đây là thành phố vệ tinh hay chỉ đơn giản là sáp nhập ba quận lại. Với quy định hiện nay thì rõ ràng TP Thủ Đức không có cơ chế gì đặc biệt so với các quận của TP.HCM, việc gọi tên là TP Thủ Đức phần nhiều cũng chỉ là hình thức.
TS Thái Thị Tuyết Dung - Trường đại học Kinh tế - Luật TP - đưa ý kiến tại hội thảo - Ảnh: THẢO LÊ
Còn theo TS Thái Thị Tuyết Dung - Trường đại học Kinh tế - Luật TP.HCM, cho rằng trong đề án, TP Thủ Đức khi thành lập có những điểm tương đồng nhất định với mô hình đô thị vệ tinh.
Thời gian qua, hoạt động của TP Thủ Đức bộc lộ nhiều bất cập, chưa có những thẩm quyền đặc biệt.
Bà Dung cho rằng để mô hình TP trực thuộc TP phát huy được hiệu quả thì cần thí điểm những thay đổi lớn dựa trên lý thuyết về tổ chức chính quyền đô thị. Trong đó, cần thiết phải bổ sung những quy định chi tiết về cơ chế đặc thù cho TP Thủ Đức.
Cụ thể, bà Dung gợi mở không nên lồng ghép cơ chế đặc thù cho TP Thủ Đức trong nghị quyết thay thế nghị quyết 54 mà phải có nghị quyết riêng ghi nhận TP Thủ Đức có chức năng vệ tinh của TP.HCM.
Cần có Luật chính quyền đô thị
Tại hội nghị, PGS.TS Bùi Xuân Hải - phó hiệu trưởng Trường đại học Luật TP.HCM - cho rằng ngay từ khi có đề án thành lập TP Thủ Đức, ông đã rất quan ngại vì những cơ chế, chính sách cho TP Thủ Đức vẫn là đơn vị hành chính cấp huyện.
Theo ông Hải, hiện nay dân số của TP Thủ Đức trên 1 triệu dân, nếu tính khách tạm trú thì có thể lên 1,5 triệu người. Không chỉ vậy, hiện nay TP này còn bị cắt giảm 30% biên chế thì làm sao mà vận hành được.
PGS.TS Bùi Xuân Hải - phó hiệu trưởng Trường đại học Luật TP.HCM - đưa ý kiến - Ảnh: THẢO LÊ
Ông Hải cho rằng hiện nay các ý kiến cũng chỉ loanh quanh việc phân cấp và ủy quyền cho TP Thủ Đức nhưng dù có phân cấp ủy quyền như thế nào cũng chỉ gói gọn ở phạm vi đơn vị hành chính cấp huyện.
"Ngày xưa chúng ta thường than đơn vị đó mặc chiếc áo đó là quá chật hẹp nhưng bây giờ lại mặc chiếc áo còn chật hơn nữa", ông Hải nói và cho rằng nên chăng cần phải kiến nghị cho TP Thủ Đức cơ chế như đơn vị hành chính tương đương cấp tỉnh.
Về vấn đề này, ông Trần Văn Bảy - phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM - cho rằng hiện nay nhiều mong muốn TP Thủ Đức phải là đơn vị hành chính cấp tỉnh nhưng với quy định hiện nay, vẫn phải xác định TP Thủ Đức là đơn vị hành chính cấp huyện. Vấn đề ở đây phải nghiên cứu cơ chế đặc thù vượt trội và phân cấp phân quyền gì cho TP này để phát triển.
Ông Bảy cho rằng về lâu dài phải đề xuất có Luật chính quyền đô thị để giải bài toán "xin cơ chế đặc thù" của các địa phương. Tuy nhiên, trước mắt TP.HCM xin ý kiến tăng cường phân cấp ủy quyền cho TP Thủ Đức. Đồng thời, phải kiến nghị bổ sung một số chức năng, thẩm quyền cho TP Thủ Đức.
Bên cạnh đó, khi trao thêm quyền cho TP Thủ Đức thì phải tăng cường hoạt động của HĐND. Số lượng đại biểu HĐND phải được tăng lên, cơ cấu thêm đại biểu chuyên trách. Đồng thời, nghiên cứu thành lập thêm Ban đô thị để quyết định các chính sách và giám sát các vấn đề đô thị.
Số lượng phó chủ tịch UBND TP Thủ Đức là không đủ, cần phải tăng thêm. Biên chế TP Thủ Đức cũng phải tính toán cho phù hợp với lượng công việc. Nghiên cứu, thành lập thêm các phòng chuyên môn để tham mưu cho TP Thủ Đức.
TTO - Trả lời ý kiến của Chủ tịch Quốc hội về TP Thủ Đức (thuộc TP.HCM), Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho rằng TP Thủ Đức là đô thị dưới cấp tỉnh nhưng cần cơ chế cụ thể về phân cấp, phân quyền cho phù hợp.