Theo thỏa thuận, Iran sẽ hủy bỏ phần lớn chương trình hạt nhân của mình và cho phép nhiều cuộc thanh tra quốc tế hơn để đổi lấy việc được giảm nhẹ các lệnh trừng phạt kinh tế từ phương Tây và Liên Hợp Quốc, trong đó có lĩnh vực xuất khẩu dầu.
Trước khi Mỹ tái áp đặt trừng phạt đối với Iran sau khi cựu Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận vào năm 2018, Iran là nhà sản xuất dầu lớn thứ ba trong tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), sau Saudi Arabia và Iraq. Năm 2017, nước này là nhà sản xuất dầu lớn thứ tư trên thế giới, sau Mỹ, Saudi Arabia và Nga. Theo nhiều nhà phân tích, Iran có thể sẽ tăng nguồn cung dầu thô bổ sung khi thỏa thuận được thực hiện.
Với chính quyền Tổng thống Joe Biden, chuyện khôi phục thỏa thuận bên cạnh là một mục tiêu chính của chính sách đối ngoại còn là vấn đề cấp thiết khi các lệnh trừng phạt đối với Nga làm giảm nguồn cung dầu và khí đốt của châu Âu và khiến giá cả tăng vọt. Nếu thỏa thuận hạt nhân được khôi phục, thế giới sẽ có thêm 1-2 triệu thùng dầu mỗi ngày. Các nhà phân tích cho rằng mặc dù dầu Iran sẽ không bù đắp được hoàn toàn sự mất mát lượng dầu từ Nga nhưng nó vẫn giúp giảm bớt áp lực nguồn cung.
Nhà phân tích Tamas Varga của PVM Oil Associates (Anh, nhà môi giới hàng đầu thế giới về các sản phẩm dầu mỏ như dầu thô vật chất và các sản phẩm tinh chế) nói với CNBC hôm 30-8 rằng: “OPEC có thể dễ dàng sản xuất 30,5 triệu thùng/ngày nếu Iran quay lại”. “Theo kịch bản này, mô hình của tôi cho thấy giá dầu Brent sẽ giảm xuống còn 65 USD/thùng vào nửa cuối năm 2023” - nhà phân tích Varga dự báo. Đó sẽ là mức giảm mạnh so với giá dầu Brent hiện tại, vốn được giao dịch ở mức khoảng 100 USD/thùng trong tuần này.