Bà PTQ (ngụ phường Quảng Thành, TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) phản ánh khoảng sáu năm nay gia đình chị cùng nhiều hộ dân khác sống trong cảnh khốn khổ. Cứ sau mỗi trận mưa, nước từ đường quốc lộ 14 tràn vào nhà, cụ thể như cơn mưa lớn diễn ra cách đây vài ngày.
“Nguyên nhân chính do đoạn đường trước nhà khi thi công, chủ đầu tư không làm đường mương thoát nước. Khu vực chúng tôi lại nằm ở vùng trũng thấp. Mùa mưa cao điểm này, một lượng nước lớn kèm theo đất đá chạy thẳng vào nhà. Người dân rất bức xúc, nhưng đến nay chính quyền chưa giải quyết dứt điểm” – bà Q nói.
Nước tràn vào nhà dân sau cơn mưa lớn. Ảnh: VL |
Chịu tình cảnh tương tự, anh NAH cũng cho biết cơn mưa lớn xảy ra chiều 11-9 khiến cho giao thông đi lại rất khó khăn. Đặc biệt, xe gắn máy không thể di chuyển được.
Nước bẩn tràn vào nhà dân. Ảnh:VL |
“Đoạn đường này tiềm ẩn nguy cơ xảy ra những vụ tai nạn giao thông. Sau mỗi cơn mưa, chúng tôi mất nguyên ngày để dọn vệ sinh nhà cửa”- anh H bức xúc.
Trao đổi với PLO, một lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Đắk Nông cho biết đã nắm được vụ việc nhiều người dân sinh sống bên đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 14, đoạn qua phường Quảng Thành, TP Gia Nghĩa) bị nước ngập vào nhà sau cơn mưa lớn.
Đoạn quốc lộ 14 bị ngập ở phường Quảng Thành. Ảnh:VL |
“Đoạn đường bị ngập này do Công ty CP BOT và BT Đức Long Đắk Nông thi công, nằm trong dự án đầu tư bằng hình thức BOT. Chúng tôi đã đưa vào dự án sửa chữa đột xuất và đang chờ UBND TP Gia Nghĩa giải phóng mặt bằng để làm hạ tầng thi công rãnh dẫn hạ lưu mới thoát nước được. Trước đây, trong cuộc họp cử tri người dân có phản ánh về sự việc này” – lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Đắk Nông thông tin.
Chúng tôi đã liên hệ với lãnh đạo Công ty CP BOT và BT Đức Long Đắk Nông để tìm hiểu thêm sự việc nhưng chưa có phản hồi.
Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 14 đoạn qua các huyện Đắk Song, Đắk R’lấp và TP Gia Nghĩa do Công ty CP BOT và BT Đức Long Đắk Nông làm chủ đầu tư và trực tiếp thi công.
Theo phản ánh của người dân, kể từ khi thông tuyến đến nay, trên tuyến đường này liên tục bị hư hỏng, xuống cấp nặng. Chủ đầu tư đã nhiều lần phải thực hiện bóc lớp thảm nhựa để xử lý, nhưng sau đó đường lại tái hỏng.