Một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Ảnh: PHẠM THẮNG
Từ ngày 19 đến 22-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9-2022 để xem xét, cho ý kiến vào nhiều dự án luật quan trọng trình tại kỳ họp Quốc hội thứ 4 (tháng 10-2022).
Phiên họp sẽ cho ý kiến vào 7 dự án luật quan trọng và xem xét về một số nghị quyết.
Đáng chú ý sáng 22-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật đất đai (sửa đổi). Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà sẽ trình bày tờ trình.
Sau đó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình báo cáo thẩm tra trước khi các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận.
Trước đó, cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 4 của Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị bố trí thảo luận tại tổ 0,5 ngày và tại hội trường 1 ngày đối với dự án Luật đất đai (sửa đổi).
Đồng thời đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trình Quốc hội quyết định việc truyền hình trực tiếp phiên thảo luận hội trường trên truyền hình Quốc hội đối với dự án luật này.
5 vấn đề lớn sẽ xin ý kiến Quốc hội
Tại tờ trình gửi Quốc hội về dự án Luật đất đai, Chính phủ đã đưa ra 5 vấn đề lớn xin ý kiến.
Vấn đề thứ nhất Chính phủ cho biết đa số ý kiến thống nhất không quy định nhà đầu tư được thỏa thuận và chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại.
Điều này nhằm thể chế nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương là thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; hạn chế và quy định chặt chẽ các trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đấu thầu.
Tuy nhiên cũng có một số ý kiến đề nghị cho phép nhà đầu tư được thỏa thuận và chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án, bao gồm cả dự án đô thị, nhà ở thương mại.
Vấn đề thứ hai là các trường hợp Nhà nước thu hồi đất. Đa số ý kiến đồng ý cần phải quy định cụ thể các trường hợp thu hồi đất để thực hiện đấu giá, đấu thầu nhằm hạn chế tiếp cận đất đai không thông qua đấu giá, đấu thầu.
Vấn đề thứ ba liên quan đến mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân.
Đa số ý kiến tại Chính phủ thống nhất mở rộng không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp, đồng thời giao hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định hạn mức cụ thể phù hợp với tình hình địa phương.
Tuy nhiên có ý kiến đề nghị không quy định hạn mức trong luật, mà giao địa phương.
Vấn đề thứ tư là bổ sung quy định về cho phép chuyển nhượng, thế chấp "quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm".
Đa số thành viên Chính phủ thống nhất bổ sung để thể chế chủ trương tại nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và nghị quyết số 18.
Song ý kiến khác cho rằng quy định này sẽ thiếu công bằng giữa các trường hợp thuê đất trả tiền một lần và thuê đất trả tiền hằng năm; nhà đầu tư có thể lợi dụng chính sách này để vay vốn ngân hàng nhưng không có khả năng trả nợ, dẫn đến mất an toàn hệ thống tín dụng; lợi dụng để chuyển nhượng mà không có đầu tư.
Vấn đề thứ năm về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai, đa số thành viên Chính phủ thống nhất các tranh chấp đất đai, tranh chấp đất đai và tài sản gắn liền với đất do tòa án nhân dân giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Có ý kiến đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành, các tranh chấp đất đai mà đương sự có giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất, thì do tòa án nhân dân giải quyết.
Tranh chấp đất đai mà đương sự không có giấy chứng nhận hoặc không có giấy tờ thì đương sự được lựa chọn giải quyết tại UBND cấp có thẩm quyền hoặc khởi kiện tại tòa án.
TTO - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho hay tới đây sẽ có nhiều dự án lớn được triển khai phải thu hồi đất, bồi thường, tái định cư nên dự báo khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai sẽ tiếp tục là một “điểm nóng”.
Xem thêm: mth.38785559071902202-iad-tad-taul-aus-ev-neik-y-ohc-ioh-couq-uv-gnouht-nab-yu-iot-naut/nv.ertiout