Panasonic kiến nghị về đào tạo nhân lực chất lượng cao - Ảnh: N.K.
Tham dự Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với chủ đề "Vượt qua thử thách, nắm bắt cơ hội, hợp tác phát triển" ngày 17-9, đại diện các doanh nghiệp FDI cũng kiến nghị và hiến kế với Thủ tướng để môi trường đầu tư tại Việt Nam minh bạch và cạnh tranh hơn trong thời gian tới.
Kế hoạch đầu tư vào Việt Nam 50 năm tới
Ông Marukawa, đại diện Công ty TNHH Panasonic Việt Nam, cho biết đã thiết lập tầm nhìn và cam kết cho 50 năm tiếp theo tại Việt Nam, là trở thành một công ty cung cấp giải pháp sức khỏe toàn diện. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng đang đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng như thiếu hụt nguyên liệu, chi phí vận chuyển ngày càng tăng cao, thiếu nguồn nhân lực nên cần có chương trình phát triển tài năng trẻ của Việt Nam...
Ông Micheal Vũ Nguyễn, giám đốc quốc gia Boeing tại Việt Nam, cho biết giá trị hàng sản xuất tại Việt Nam cho Boeing trong các năm qua là 200 triệu USD. Vì vậy, Boeing sẽ làm việc với các nhà cung cấp chính để hỗ trợ huấn luyện, nâng cao kỹ thuật, tiêu chuẩn sản xuất... Song hãng này cũng kiến nghị Chính phủ Việt Nam tiếp tục chủ trương với chính sách rộng mở, linh động, hiệu quả cho các nhà cung cấp chính trong ngành hàng không được thuận tiện đầu tư thêm và đầu tư mới vào Việt Nam.
Đại diện Công ty Bosch thì bày tỏ hy vọng có một sự nhất quán trong môi trường kinh doanh. Bởi hiện có tình trạng chính sách được hướng dẫn bởi nhiều văn bản pháp luật, nó có thể dẫn đến việc thiếu tính nhất quán và rõ ràng. Đơn cử, Luật đầu tư công nhận dự án đầu tư sản xuất của Bosch là "đầu tư mới", trong khi Luật thuế thu nhập doanh nghiệp lại xác định đây là "đầu tư mở rộng" và áp dụng một chương trình ưu đãi thuế kém hấp dẫn hơn.
Ở góc độ khác, ông Kim Young Chul, phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, cho rằng Việt Nam có lực lượng nghiên cứu phát triển được đào tạo tốt, tuy nhiên hiện tượng "chảy máu chất xám" đang diễn ra. Điều này có thể tác động tiêu cực tới thu hút và mở rộng đầu tư của Việt Nam.
Do đó, ông kiến nghị có luật phòng chống "chảy máu chất xám" đưa vào Luật sở hữu trí tuệ và Luật cạnh tranh. Đồng thời, Việt Nam nên có chính sách thị thực cởi mở hơn để trở thành một cường quốc du lịch toàn cầu và thu hút đầu tư nước ngoài nhiều hơn.
Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam thì cho rằng trước tình trạng thiếu chip gây ra, Chính phủ nên xem xét mở rộng đầu tư vào sản xuất chip bằng cách phát triển các ưu đãi đầu tư đặc biệt cho sản xuất chip như hỗ trợ về vốn...
Bởi theo ông, các chính sách này có khả năng tác động đáng kể đến thị trường đầu tư vào lĩnh vực sản xuất chip của Việt Nam, thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài mới, mang lại lợi nhuận đầu tư và các lợi ích khác nhờ việc Việt Nam trở thành nhà sản xuất chip hàng đầu.
Đại diện của Eurocham thì kêu gọi Chính phủ thúc đẩy hơn nữa nền kinh tế số, đảm bảo tính nhất quán trong khuôn khổ quy định của nền kinh tế số và điều chỉnh các quy định của Việt Nam phù hợp với các tiêu chuẩn toàn cầu, ví dụ khung quy định của châu Âu. Đồng thời khuyến nghị số hóa các quy trình trên Cổng dịch vụ công quốc gia và tăng cường phát triển nguồn nhân lực về công nghệ thông tin, thương mại điện tử và chuyển đổi số.
Việt Nam cam kết hỗ trợ doanh nghiệp FDI
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh quan điểm: nếu làm việc với nhau mà "bên thua, bên thắng" thì không phải là hợp tác.
Theo đó, Việt Nam tạo mọi điều kiện để có môi trường thuận lợi, an toàn, minh bạch cho các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư lâu dài tại Việt Nam trên cơ sở cam kết tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất hướng đến các chuẩn mực của OECD.
Đó là việc giữ vững ổn định chính trị xã hội và kinh tế vĩ mô; tháo gỡ những điểm nghẽn của nền kinh tế về thể chế pháp luật, hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực.
Phát triển các chuỗi cung ứng, giảm chi phí giao dịch, đặc biệt là chi phí về logistics và chi phí hành chính; xây dựng môi trường - chính sách ổn định, có tính dự báo cao, thực thi minh bạch và trách nhiệm giải trình; hợp tác thân thiện, lắng nghe, tôn trọng ý kiến của nhau, cùng giải quyết các khó khăn, thách thức.
Thủ tướng cũng cho biết hiện Việt Nam ưu tiên thu hút các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển. Các dự án gắn với tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị; thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững...
Để thực hiện cam kết, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát toàn diện các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài để có kế hoạch giải quyết dứt điểm. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn; đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư và sản xuất kinh doanh.
TTO - Tuần trước, truyền thông thế giới đưa tin gã khổng lồ công nghệ Apple có kế hoạch sản xuất đồng hồ thông minh Apple Watch và máy tính MacBook ở Việt Nam lần đầu tiên. Đây trở thành tin vui mới nhất cho ngành công nghiệp sản xuất trong nước.
Xem thêm: mth.27165042271902202-man-teiv-iat-nah-iad-ut-uad-tek-mac-idf-nol-gno-ueihn/nv.ertiout