Ngày 18-9, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 với chủ đề "Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững".
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, tăng cường khả năng chống chịu và tự cường của nền kinh tế luôn là mục tiêu hàng đầu, nhất là do kinh tế nước ta có độ mở rất lớn, tình hình thế giới, khu vực luôn có biến động bất thường, khó dự báo.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc diễn đàn
"Bài học thực tiễn qua hơn 35 năm đổi mới, kể cả trong những giai đoạn khó khăn, thử thách khắc nghiệt như trong 2 năm qua có thể nói rằng bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô như là yếu tố "bất biến’’ để ứng với "vạn biến’’ của tình hình kinh tế quốc tế"- Chủ tịch Quốc hội cho hay.
Chủ tịch Quốc hội đã khái quát các nét chính về tình hình kinh tế - xã hội trong nước 8 tháng năm 2022, trong đó nhấn mạnh Việt Nam tiếp tục phục hồi mạnh mẽ với nhiều điểm sáng khi dịch bệnh được kiểm soát, sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng tốt, hoạt động bán lẻ phục hồi mạnh, xuất nhập khẩu tăng trưởng tích cực, cán cân thương mại xuất siêu gần 4 tỉ USD..
Tuy vậy, theo Chủ tịch Quốc hội, tình hình kinh tế - xã hội nước ta đang và sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như áp lực lạm phát, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, nợ xấu của các tổ chức tín dung, thị trường bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro, phát triển thiếu lành mạnh, bền vững...
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đến một số cấu phần của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội triển khai còn chậm, chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra tại Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ, nhất là việc giải ngân gói hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; gói hỗ trợ lãi suất qua ngân hàng thương mại.
Cấu phần đầu tư cơ sở hạ tầng (quy mô 113 ngàn tỉ đồng) vốn kỳ vọng sẽ tạo cú hích cho phục hồi kinh tế, song vừa mới được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua danh mục dự án cuối tháng 8-2022 chủ yếu do chậm trễ, khó khăn trong chuẩn bị đầu tư...
Để đạt được các mục tiêu của diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các đại biểu đánh giá khách quan, toàn diện thực trạng kinh tế - xã hội, nhất là tình hình kinh tế vĩ mô, năng lực chống chịu của nền kinh tế Việt Nam, dự báo cho cả năm 2022, 2023.
Đồng thời, đánh giá, tình hình triển khai và kết quả thực hiện chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ; việc thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ và phối hợp chính tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết tại diễn đàn, các đại biểu sẽ chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và đề xuất chính sách cho Việt Nam trong củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, tăng cường năng lực chống chịu và tự cường của nền kinh tế, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu một số vấn đề gợi mở tại diễn đàn
Cũng tại phiên khai mạc, nêu một số vấn đề gợi mở để thảo luận tại diễn đàn, ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng nhìn ở góc độ tổng thể với tầm bao quát dài hạn hơn, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô không chỉ nằm ở chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ hay quản lý, điều tiết giá cả mà còn nằm ở việc tháo gỡ những điểm nghẽn nền kinh tế, khơi thông dòng chảy trên thị trường và khai thác có hiệu quả mọi nguồn lực xã hội.
Theo ông Nguyễn Xuân Thắng, tốc độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công liên tục chậm là câu chuyện "dài nhiều kỳ" về sự lãng phí, có tiền mà không tiêu được. Hoạt động của thị trường tài chính, ngân hàng và thị trường chứng khoán hiện nay còn nhiều rủi ro. Lĩnh vực bất động sản vẫn tồn tại những bất cập liên quan đến các quy định về xác định giá đất, đấu giá đất, đấu thầu dự án..
Ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, khắc phục những điểm nghẽn nói trên là điều kiện quan trọng để mở rộng dư địa chính sách, gia tăng tính chủ động trong điều hành kinh tế vĩ mô, giải phóng các nguồn lực, đồng thời tạo điều kiện để Việt Nam tiếp tục lộ trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững.
Sau phiên khai mạc, Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam 2022 sẽ tiếp tục với các phiên hội thảo chuyên đề. Chiều cùng ngày, phiên toàn thể và toạ đàm cấp cao sẽ bàn luận về củng cố nền kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững.