Hãng Reuters đưa tin vào ngày 17-9, tám con báo săn gêpa đã xuất hiện trên đồng cỏ thuộc Công viên quốc gia Kuno ở miền trung Ấn Độ sau chuyến hành trình dài 8.000 km từ Namibia, sự xuất hiện của chúng trùng với dịp sinh nhật lần thứ 72 của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Ngày 17-9, Thủ tướng Narendra Modi đã thả chú báo gêpa đầu tiên vào công viên. Hành động này đánh dấu nỗ lực mạnh mẽ nhất trong dự án 13 năm nhằm đưa loài động vật trên cạn nhanh nhất Trái đất đã biến mất khỏi Ấn Độ khoảng 70 năm trước trở lại với quốc gia này.
Dự án trên là lần đầu tiên những con báo hoang dã được di chuyển qua khắp các lục địa.
Thủ tướng Modi đưa báo săn trở lại Ấn Độ sau 70 năm. Video: REUTERS |
Đàn báo gêpa gồm 5 con cái và 3 con đực đã có chuyến hành trình 2 ngày bằng máy bay và trực thăng từ vùng thảo nguyên châu Phi đến Ấn Độ.
Dự kiến chúng sẽ sống trong một khu đất rộng 6 km vuông ở Công viên quốc gia Kuno, thuộc bang Madhya Pradesh, miền trung Ấn Độ trong vòng 2 đến 3 tháng.
Nếu thích nghi được với điều kiện ở đây, những con báo gêpa sẽ được thả tự do trong một đồng cỏ rộng 5.000 km vuông cùng với một số loài động vật khác.
Ấn Độ dự kiến sẽ nhập thêm 12 con báo gêpa khác từ Nam Phi vào tháng tới.
Ấn Độ đang gây kêu gọi thêm vốn cho dự án trị giá 910 triệu rupee (11,4 triệu USD) để tăng số lượng báo săn lên 40 cá thể.
Tổng giám đốc Cơ quan Hổ Ấn Độ - ông S.P. Yadav cho biết sự tuyệt chủng của loài báo gêpa ở Ấn Độ năm 1952 là lần duy nhất quốc gia này mất đi một loài động vật có vú to lớn kể từ khi độc lập.
Ông khẳng định việc mang những chú báo trở lại Ấn Độ “là trách nhiệm của luân lý và đạo đức”.
Thủ tướng Modi cho biết: “Việc mang loài báo gêpa trở lại Ấn Độ “là một nỗ lực của Ấn Độ hướng tới môi trường và bảo tồn động vật hoang dã”.
Ông kêu gọi mọi người kiên nhẫn chờ đợi những chú báo thích nghi. Ông nói: "Để có thể biến Vườn Quốc gia Kuno trở thành nhà của những con báo, chúng ta phải cho những con báo gêpa này một vài tháng”.
Dự án vấp phải sự chỉ trích từ các nhà khoa học vì họ cho rằng chính phủ Ấn Độ nên làm nhiều hơn nữa để bảo vệ động vật hoang dã ở trong nước đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng thay vì nhập khẩu động vật từ nơi khác.
Một số chuyên gia bảo tồn động vật ở Ấn Độ gọi nỗ lực này là một “dự án viển vông” bởi vì báo gêpa châu Phi không có chung nguồn gốc với loại từ tiểu lục địa Ấn Độ đã tuyệt chủng.
Với dân số 1,4 tỉ người, các nhà sinh vật học lo lắng Ấn Độ sẽ không có đủ không gian cho loài báo sinh sống và loài vật này có thể trở thành mục tiêu của những kẻ săn trộm.