Đổi vị với vịt om, canh sấu nấu cá kình thanh mát - Ảnh: NHÃ XUÂN
Dọc tuyến đường Trường Chinh hướng về ngã tư An Sương (quận 12, TP.HCM) cũng nô nức các xe đẩy chất đầy sấu xanh, lấp ló bảng hiệu “sấu tươi”, “sấu chà vỏ”.
Nhưng đó là chuyện của một, hai tháng trước. Giờ này thì các xe đẩy trên đường Trường Chinh đã vào mùa chanh đào rồi.
Vậy mà không biết người chồng thích nấu ăn của tôi mua “mót” ở đâu được một bọc sấu, hớn hở mang về nhà hỏi vợ muốn ăn gì mai anh nấu.
Cả hai vợ chồng đều mê canh chua, nên thường nấu canh sườn sấu, hôm nay muốn đổi vị thử xem sao. Ngẫm một hồi anh nói “hay nấu canh sấu cá kình đi!”.
Vịt om sấu, bún sườn sấu tôi đã ăn nhiều nhưng đây là lần đầu tiên tôi nghe đến món canh sấu nấu với cá kình.
Nói là làm, sáng hôm sau cuối tuần, hai vợ chồng đèo nhau ra chợ, gặp đúng hàng cá tươi Vũng Tàu có cá kình nhỏ tươi rói, chồng tôi bảo chị bán cá lấy cho mấy con, làm sạch giúp và không quên dặn “để ruột nha chị”.
Chị bán cá ra chiều hiểu ý, cắt vây, cắt đuôi, rửa qua mấy con cá rồi bỏ vào bọc đưa chúng tôi, nói “cá kình phải ăn nhẩn nhẩn (đăng đắng) mới ngon!”.
Chồng tôi nói ruột cá kình có vị đắng, ăn trị mất ngủ, tôi gật gù chứ cũng có biết đâu. Gì thì gì chứ chuyện ăn uống bếp núc tôi vẫn luôn kém hiểu biết hơn anh một bậc.
Cá kình cắt vây, cắt đuôi, để ruột - Ảnh: NHÃ XUÂN
Ghé hàng rau me hành ớt mua thêm ít cà chua, thì là... cho xong món canh, hai vợ chồng chạy sang hàng gà vịt làm sẵn mua thêm nửa con vịt về om sấu cho đủ món mặn. Chị gái bán vịt nom trẻ người nhẹ nhàng xẻ nửa con vịt, điêu luyện dăm ba nhát dao gọn gàng chặt thịt vịt miếng nào miếng nấy đẹp đều vừa ăn.
Về đến nhà, chồng tôi bắc nồi nước sôi, cạo vỏ bốn, năm trái sấu, cắt nhỏ cà chua rồi cho vào nồi nấu. Bài học nấu ăn “vỡ lòng” mà chồng chỉ cho tôi là khi bắc nước sôi để nấu bất kỳ loại canh nào, đều nên cho vào một ít muối thì lát nữa mới dễ “dẫn” được gia vị nêm nếm sau đó.
Căn bếp lúc này trở thành lãnh địa của chồng, tôi chỉ đứng xớ rớ quan sát anh nấu, cố gắng ghi nhớ để hôm sau còn biết đường nấu lại.
Món “đinh” của ngày hôm đó hóa ra lại nấu rất đơn giản. Chờ nước sôi thêm một lát cho sấu với cà ra đủ độ chua, sau đó cho cá đã rửa sạch để ráo vào, chờ cá chín nêm nếm gia vị, rau thơm là có ngay nồi canh chua cá kình nấu sấu.
Cá kình nấu sấu, tưởng khó ăn mà ngon bất ngờ - Ảnh: NHÃ XUÂN
Trong lúc chờ canh sôi, anh cũng nhanh tay làm vịt om. Vịt mua về chỉ cần rửa lại cho sạch rồi ướp với gừng, sả, hành, tỏi, ớt, mắm, tiêu, đường, bột nêm khoảng 20 phút.
Sau đó phi thơm sả, hành trên chảo nóng rồi cho vịt vào đảo đến khi thịt săn lại. Do chảo nhỏ nên "đầu bếp chồng" đổi sang một chiếc nồi to hơn.
Xào thịt cho săn lại - Ảnh: NHÃ XUÂN
Khi thịt chuyển sang màu hơi vàng thì cho mấy quả sấu và nước vào. Khúc này chồng tôi cứ xuýt xoa mãi vì quên mua nước dừa, nếu có nước dừa sẽ ngon hơn.
Xong xuôi để bếp cho thịt chín mềm, nước thấm vào thịt là ăn được, có thể cho thêm mấy trái ớt cho tăng màu sắc và hương vị.
Thịt vịt săn thì cho sấu và nước vào, nếu có nước dừa sẽ ngon hơn - Ảnh: NHÃ XUÂN
Có thể cho thêm ớt để tăng màu sắc và hương vị - Ảnh: NHÃ XUÂN
Lúc này thì nhiệm vụ của tôi là dọn bàn, bới cơm, chờ anh múc đồ ăn và pha thêm chén nước mắm tỏi ớt đặc trưng.
Có chút nghi ngại, tôi thử món canh trước. Mùi sấu thơm cộng với vị chua thanh mát hoàn toàn xóa bỏ nỗi lo cá bị tanh trong tôi. Thịt cá trắng mềm, ruột cá đăng đắng chấm với nước mắm tỏi ớt cay nồng ăn cùng cơm trắng khiến tôi gật gù.
Gắp sang dĩa vịt om, món này thì có lẽ quen thuộc với nhiều người rồi. Thịt vịt săn không bị bở, thấm vừa gia vị quyện cùng mùi thơm béo của sấu khiến tôi phải bới thêm chén cơm thứ hai. Không hiểu sao mùi sấu trong cảm nhận của tôi là một mùi thơm rất… béo, béo nhưng không ngấy mà ngược lại rất dễ chịu và thư giãn.
Vịt om sấu, món ăn quen thuộc với thức quả có vị chua thanh - Ảnh: NHÃ XUÂN
Còn lại mấy trái sấu chưa nấu, tôi gói ghém vào hộp rồi cẩn thận cất vào ngăn đông, khi nào cần lại mang ra cạo vỏ rồi nấu, tươi ngon như mới. Đây cũng là cách mà nhà tôi có sấu ăn hoài dù đã hết mùa.
Sấu cuối mùa xấu xấu mà "có võ" - Ảnh: NHÃ XUÂN
TTCT - Người Pháp nhìn cây sấu chắc đơn thuần để lấy bóng mát điểm trang cho phố xá, hẳn là không nghĩ đến những lợi ích khác mà cây sấu mang lại cho người Hà Nội đến mãi sau này.
Xem thêm: mth.41540330281902202-aum-iouc-cab-uas-iov-hnik-ac-auhc-hnac-uan-tiv-mo-gnurt-neim-iougn/nv.ertiout