Học sinh tìm hiểu thông tin xét tuyển tại gian tư vấn của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM trong khuôn khổ Ngày hội tuyển sinh - hướng nghiệp 2022 do báo Tuổi Trẻ tổ chức - Ảnh: ANH KHÔI
Nhằm góp thêm một góc nhìn, chuyên mục Bạn đọc làm báo xin giới thiệu bài viết này.
Điểm chuẩn vào từng trường đại học được thông tin nhiều trên các phương tiện thông tin, "hồi cận kết" tuyển sinh đại học năm nay tiếp tục dấy lên nhiều lo lắng, nghi ngại.
Một số ngành lên có điểm chuẩn 29,95 điểm; có trường đại học, nếu không tính điểm ưu tiên thì mỗi môn phải đạt 9,98 điểm mới đậu.
Đề thi dễ (môn sử), các trường tuyển sinh có quá nhiều phương thức nên chỉ tiêu còn lại cho phương thức xét điểm tốt nghiệp THPT không nhiều là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến điểm chuẩn một số ngành tăng rất mạnh.
Những gì đã và đang xảy ra ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, có làm thầy, trò, phụ huynh, rộng ra là xã hội yên tâm với kỳ đánh giá kết quả đầu ra trên phạm vi quốc gia?
Nhiều trường đại học có phương thức xét tuyển dựa vào điểm số học bạ THPT. Về lý thuyết, nâng tầm đánh giá quá trình, thúc đẩy công tác dạy học và giáo dục ở các nhà trường THPT theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất.
Nhưng, triển khai thực hiện, kiểm tra, giám sát chưa phù hợp, phủ kín, thường xuyên, nên không ít cơ sở giáo dục "mạnh tay" làm đẹp học bạ.
Tùy vào chất lượng mỗi trường mà tính toán sao cho học sinh của trường được công nhận tốt nghiệp, dựa vào đó "vững vàng" với phương thức xét tuyển đại học bằng học bạ.
Bệnh thành tích và cuộc chạy đua vào đại học xô đổ đánh giá trung thực, gây bất công giữa học sinh trong cùng một trường, giữa các trường trên cùng một địa bàn, giữa học sinh ở địa phương này với học sinh ở địa phương khác.
Để thay đổi ngay vào lúc này, gần như không thể khi mà điểm số trong học bạ là phao cứu sinh! Ý tưởng đúng song chưa phù hợp thực tế mà vội vã thực hiện thì hậu quả khôn lường!
Hàng loạt phương thức xét tuyển vào đại học dựa vào chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, kết quả kỳ thi chọn học sinh giỏi..., có thể giúp các trường đại học thêm nguồn tuyển sinh (sớm) và xét về hình thức - có chất lượng.
Song, đạt được hay không (trong quá trình đào tạo) thì cần đánh giá cẩn trọng. Đầu tư cho một môn (để thi học sinh giỏi) - dẫu thật - điều này đẩy học sinh vào cửa hẹp, các em quay lưng với rèn kỹ năng.
Đó là chưa xét bệnh thành tích và không trung thực, khiến nhà trường phổ thông dạy chưa ra dạy, học chưa ra học. Quả là lợi bất cập hại khi... "đổi mới" tuyển sinh đại học!?
Hơn 300.000 thí sinh (trong khoảng 1 triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022) không đăng ký xét tuyển đại học, chỉ tiêu tuyển sinh ở nhiều trường đại học dành rất ít cho phương thức xét tuyển đại học bằng điểm thi tốt nghiệp THPT - vừa bất công, vừa bất an cho kỳ thi này, và lẽ tất nhiên cho học sinh dự thi, phụ huynh của các em.
Điều hết sức cấp thiết, rằng, năm 2023 và một, hai năm tới đây, kỳ thi tốt nghiệp THPT phải, hoặc, trả lại đúng "2 trong 1" cho mục đích kỳ thi tốt nghiệp THPT; hoặc giao quyền tự chủ tuyển sinh về hẳn cho các đại học, trường đại học, đồng thời giao xét công nhận tốt nghiệp THPT cho các tỉnh/thành phố (trực thuộc trung ương).
Dạy - học - kiểm tra - đánh giá có trung thực hay không (lúc này) thuộc về trách nhiệm, tự trọng của từng cơ sở giáo dục, sự cạnh tranh để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và phụ thuộc vào công tác quản trị của ngành giáo dục, của mỗi trường học.
Đó là điều Bộ Giáo dục và Đào tạo cần làm, chứ đừng "ôm" việc của các đại học, trường đại học, của các địa phương.
Sự "rầm rộ" của kỳ thi tốt nghiệp THPT, cuối cùng, chúng ta được gì? Để thầy dạy và trò học ư?
Xem ra chỉ là viện dẫn theo quán tính và thiếu sâu sát thực tế. Bởi, hiện tượng thăng, giáng điểm thi tốt nghiệp THPT; bởi, bấp bênh giáo dục hướng nghiệp; bởi, trường học chưa an toàn; bởi động lực dạy và động cơ học ở một bộ phận giáo viên và học sinh mờ nhạt;...
Muốn thay đổi, vấn đề không nằm ở kỳ thi tốt nghiệp THPT, mà ở chương trình, sách giáo khoa, quản lý giáo dục,...
Để các đại học, trường đại học sử dụng làm căn cứ tuyển sinh? Vừa không đúng lại vừa không trúng (xét về tổng thể).
Và như thế, thi tốt nghiệp THPT(như hiện nay) không cần thiết, lãng phí, lại gây bất an khi trò đạt 9,5 điểm/môn thi vẫn... hỏng. Những nguyên nhân được chỉ ra, càng thể hiện sự yếu kém trong tổ chức kỳ thi toàn quốc cho học sinh cuối cấp THPT.
Đừng chờ đến năm 2025 (khi lứa học sinh lớp 10 học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 lên lớp 12), mà ngay từ năm 2023 cần thay đổi để kỳ thi tốt nghiệp THPT được trả lại đúng tên gọi: kỳ thi bình thường, nghiêm túc, hiệu quả.
Mong ước kỳ thi tốt nghiệp THPT... bình thường - khó lắm sao?
TTO - Tại hội nghị tổng kết năm học và triển khai nhiệm vụ năm học mới ở bậc đại học được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hôm nay 12-9, tuyển sinh là một trong những nội dung quan trọng được đề cập.