Năm học mới, một bà cụ đến trao đổi với tôi: “Thầy ơi, cho con bé Ng M miễn đóng góp khoản tiền tự nguyện nha thầy. Ba bé làm công nhân, mẹ bé thì buôn bán nhỏ lẻ, gia đình bé có ba chị em, một đứa bị câm điếc nên gửi bé Ng M cho tui nuôi. Tui là bà nội bé chỉ có lương hưu nên rất chật vật. Mong thầy thông cảm”. Nghe xong, theo phản ứng tự nhiên, tôi đồng ývới bàcụ. Sau đó, tôi chia sẻ thông tin với người khác và được một đơn vị trên địa bàn TP hỗ trợ hai phần quà cho hai học sinh khó khăn trong lớp (mỗi phần quà 1 triệu đồng).
Hiện nay, nhiều tỉnh, thành đã giảm và miễn học phí học kỳ 1 cho học sinh. Điều đó rất mừng với các địa phương nhưng thực sự học phí chỉ là một khoản rất nhỏ. Nói là nhỏ vì học phí theo quy định chỉ khoảng 100.000 đồng/tháng, không quá khó khăn để cần miễn hay giảm. Tại TP Thủ Đức nơi tôi công tác, khi đã kết thúc năm học 2021-2022 mà danh sách phụ huynh nợ tiền trường từ năm 2020-2021 vẫn còn. Cuối năm học vừa qua, nhân viên kế toán, văn thư còn phải gửi thông báo nhắc nhở phụ huynh về các khoản nợ kéo dài.
Với học sinh thành thị, không phải phụ huynh nào cũng là cư dân thường trú, nhiều phụ huynh là người địa phương nhưng kinh tế khó khăn, nhiều phụ huynh tạm trú phải ở trọ, nhiều phụ huynh đi làm mang theo một đứa con đi cùng, còn lại một đứa khác ở với cha hoặc mẹ ở quê nhà, nhiều gia đình cha mẹ ly hôn thì con cái ở cùng ông bà cao tuổi, nhiều gia đình cô dì mang nuôi đứa cháu đi học mà không có cha mẹ… Bao nhiêu chí phí mỗi tháng chứ đâu mỗi tiền học ở trường.
Trước đó, thông tin về việc miễn học phí đối với học sinh THCS trên cả nước mà Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đề xuất Chính phủ trong phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 4-7-2022 vừa qua khiến phụ huynh và học sinh vui mừng đón nhận.
Nhưng con số học phí chưa phản ánh hết tiền trường mà phụ huynh cần chi ra hằng tháng. Ví dụ thêm các con số sau: Học phí chính khóa 100.000 đồng, hai buổi là 100.000 đồng/tháng, tiền ăn bán trú tạm tính là 720.000 đồng/tháng (30.000 đồng ăn trưa x 24 ngày), chi phí ăn sáng tự túc và nước uống, chi phí đi lại, tiền học bổ túc thêm, tiền ngoại khóa, kỹ năng sống, bơi lội… Như vậy, chi phí cho một học sinh khoảng 1,5 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, tôi đang tính tạm thời cho một mức tượng trưng, vì thực tế mỗi tháng phụ huynh nhận được số tiền học cao hơn tùy từng trường.
Trong Bản phúc trình đề tài nghiên cứu Hệ thống phúc lợi ở TP.HCM với mục tiêu tiến bộ và công bằng xã hội (tháng 4-2009), tác giả Trần Hữu Quang từng nêu kiến nghị về giáo dục như sau: Miễn học phí và bỏ các khoản thu ở trường công lập. Theo tác giả thì “trường công là trường của Nhà nước, mà đã mang tính chất nhà nước thì trước hết phải đảm bảo nguyên tắc công bằng xã hội, nghĩa là bất cứ học sinh giỏi nào cũng có thể vào học được chứ không phải học sinh nào có tiền thì được vào học… Việc miễn học phí thực chất là xác lập lại trách nhiệm của Nhà nước đối với nền giáo dục quốc gia chứ không hề là một yêu sách xuất phát từ “tâm lý ỷ lại của thời bao cấp”.
Vậy phải làm sao để người dân khó khăn có con cái học tập ở trường công đều an tâm học hành, khi mà người dân đã lao động và đóng thuế để xây dựng đất nước nhưng chưa được thụ hưởng xứng đáng, còn nhiều bất cập trong chính sách với bao lo lắng tiền trường, không được đến trường vì khó khăn tiền bạc?