Rau nông sản được "phù phép" in logo nhà sản xuất uy tín bán trong siêu thị - Ảnh: BÔNG MAI
Như Tuổi Trẻ thông tin, sau loạt bài điều tra rau sạch dỏm được một số công ty thu gom rồi "phù phép" thành các thương hiệu nổi tiếng cung cấp cho siêu thị, khách hàng phải mua lại với giá "rau sạch chất lượng cao", nhiều bạn đọc mới giật mình: thì ra bấy lâu nay bị một cú lừa!
"Cảm ơn báo Tuổi Trẻ phát hiện nhiều việc nóng hổi. Người tiêu dùng thật sự thiệt thòi, bỏ tiền mua rau sạch nhưng nhận rau bẩn".
Trích ý kiến bạn đọc Người Sài Gòn
Bức xúc vì hành vi gian lận, qua mặt người tiêu dùng thời gian qua, bạn đọc Võ Huỳnh Duy Đông viết: "Nếu báo không đăng bài thì người tiêu dùng vẫn nghĩ mua ở siêu thị cho chắc. Quản lý kiểu này thật sự không biết người dân ăn uống ra làm sao. Ông bà mình có câu "bệnh từ miệng mà vào" và đây là lý do tỉ lệ ung thư ở Việt Nam luôn đứng top".
Tương tự, với suy nghĩ không thể chấp nhận kiểu làm ăn "treo đầu dê bán thịt chó", bạn đọc Chương Trần bổ sung: "Người tiêu dùng chấp nhận mua rau giá cao hơn nhiều vì nghĩ sẽ an toàn hơn ở chợ, mà giờ cũng như nhau. Thật mất niềm tin quá. Mong cơ quan chức năng sẽ xử mạnh tay vụ này".
Đã chứng kiến kiểu làm ăn gian lận, nhưng không có nhiều sự lựa chọn, bạn đọc Nguyen Hoang Lan viết: "Mấy năm qua gần nhà tôi có vài xưởng chuyên thu gom rau để cắt tỉa đóng gói dán thương hiệu kiểu này và nhập vào các siêu thị, tôi biết vậy nhưng vẫn phải mua hàng trong siêu thị vì không có chọn lựa. Đi chợ thì không đi được vì không rảnh ban ngày, đi mua của chợ tạm hàng rong thì tôi không muốn vì họ chiếm hết lòng lề đường".
Và theo bạn đọc này thì: "Đi mua đồ trong siêu thị mà vẫn cứ cầu mong và trông chờ vào lương tâm và sự tận tụy của đội ngũ mua hàng cũng như duyệt hàng cho vào siêu thị thôi. Bởi câu chuyện rau trôi nổi vào siêu thị qua một công ty đóng gói nào đó thì không mới".
Qua vụ việc này, theo một số bạn đọc, vấn đề cần đặt ra là: Còn bao nhiêu nhà cung cấp đã và đang tự dán nhãn sản phẩm uy tín bán vào siêu thị? Còn bao nhiêu đơn vị/hệ thống siêu thị/chuỗi bán lẻ đã và đang là nạn nhân của các nhà cung cấp nông sản ấy và đồng thời cũng là kênh trung gian chuyển hàng kém chất lượng đến tay người tiêu dùng? Làm sao để rau từ chợ đến siêu thị đều đảm bảo không có tàn dư thuốc bảo vệ thực vật?...
Theo bạn đọc, các câu hỏi như trên không chỉ những đơn vị trung gian là các hệ thống siêu thị trả lời với khách hàng của mình, mà còn là trách nhiệm, là sự giám sát của cơ quan chức năng.
Về ý này, bạn đọc Linh An hỏi thẳng: "Cơ quan chức năng ở đâu? Có trách nhiệm thế nào khi để thị trường lộn xộn như thế này diễn ra từng ngày, từng giờ, để người tiêu dùng bị lừa dối, gian thương mặc sức hưởng lợi? Nhà báo họ chỉ có thể tìm ra sự việc thôi, còn cơ bản cơ quan chức năng phải thường xuyên giám sát, kiểm tra chứ!".
Với suy nghĩ tương tự, bạn đọc nick name NoProblem66 đặt vấn đề: "Nếu cơ quan chức năng không xử phạt thật nặng siêu thị và doanh nghiệp cung cấp hàng hóa vì tội gian dối, lừa đảo thì kiểu kinh doanh gian lận này sẽ tồn tại lâu dài. Người dân tiếp tục lãnh đủ".
Đã đến lúc không thể dung dưỡng hành vi gian lận, bạn đọc Bá Minh viết: "Cảm ơn quý báo đã phát hiện ra vụ việc này. Cảm ơn Winmart đã có động thái quyết liệt loại bỏ tất cả hàng hóa của doanh nghiệp làm ăn thất đức này".
Cũng theo bạn đọc Bá Minh, qua vụ việc này hy vọng các siêu thị lớn khác như Co.opmart, Bách Hóa Xanh, Big C, Aeon... hay như các cửa hàng tiện lợi có bán rau củ quả cũng phải kiểm tra xử lý ngay, cần kiểm tra nghiêm ngặt và quyết tâm loại bỏ các doanh nghiệp "treo đầu dê bán thịt chó" ra khỏi hệ thống các siêu thị của mình.
Về trách nhiệm với khách hàng, bạn đọc thachcuong2010 viết: "Giải quyết vi phạm của nhà cung cấp là việc của siêu thị. Còn với người tiêu dùng, theo tôi trách nhiệm bồi thường thuộc siêu thị. Tuy nhiên, đến giờ tôi không thấy nói đến việc bồi thường này".
"Cần phải có chế tài hay phạt thật nặng siêu thị để làm gương vì người tiêu dùng chỉ biết và tin tưởng siêu thị thôi. Siêu thị bán kiếm lời từ khách hàng thì phải có trách nhiệm với khâu đầu vào của mình như cam kết" - bạn đọc Khương Võ bổ sung.
Cụ thể hơn, bạn đọc nick name Flam đề nghị thẳng: "Các siêu thị nên có động thái đền bù cho khách hàng như giảm % nếu khách hàng mua rau sắp tới. Việc chọn nhà cung cấp có đạt chất lượng để đưa vào cửa hàng hay không là việc của cửa hàng, còn khách hàng họ chỉ biết mua đồ dựa trên bao bì nhãn mác. Tôi vào mua rau sạch vì cũng tin cái mác chất lượng cao ấy".
TTO - Tại Công ty TNHH nông sản sạch Hugofarm (quận Bình Thạnh, TP.HCM), việc mua gom rau ở chợ, "hô biến" thành rau "sạch, chuẩn VietGap", rồi cung cấp cho các siêu thị hoặc cửa hàng tiện lợi diễn ra hằng ngày.
Xem thêm: mth.14333958002902202-gnah-hcahk-ohc-ub-ned-nac-iht-ueis-oav-hnih-neib-mod-hcas-uar/nv.ertiout