Một góc thôn 3 giữa cheo leo, thiếu thốn trên triền đồi cao - Ảnh: TRẦN HƯỚNG
Nhà nào có điều kiện thì mua một cái tuốc bin đặt ở suối. Còn như tôi là 3-4 hộ góp lại rồi dùng chung. Chỉ cần một nhà tắt thì các hộ còn lại cũng tắt theo. Điện từ tuốc bin nhỏ chỉ dùng cho sạc điện thoại, thắp bóng đèn. Còn nhà có tivi thì bật đèn phải tắt tivi, mà bật tivi thì tắt đèn.
Anh HỒ VĂN THÔNG
Dân làng bao năm chỉ mong ngóng được đầu tư cơ sở hạ tầng cơ bản như bao nơi khác...
Từ trung tâm xã Đăk Nên (huyện Kon Plông, Kon Tum) ngược lên núi về phía đông chỉ khoảng 20km nhưng mất gần hai giờ chúng tôi mới đi xe máy đến nơi. Không chỉ đường đất dốc mà còn đầy khe rãnh, đá sỏi lởm chởm. Có những đoạn chúng tôi phải băng qua nhiều đập tràn, lội suối, cầu treo tạm tròng trành như đánh võng, thậm chí phải đẩy bộ xe lên dốc đá dựng đứng.
Dân khổ vì nhiều cái không có
Vào đến đầu thôn, vài đứa trẻ mặt mày lấm lem ngồi bóc trái bưởi vừa hái ở khe suối. Đứa thiếu áo, đứa không mảnh vải với đầy vết xước trên thân mình. Dưới cơn mưa chiều, người dân trở về nhà sau một ngày dài bán mặt cho đất, bán lưng cho trời để kiếm miếng ăn.
Trong căn nhà sàn lấp ló ánh lửa, vợ chồng anh Hồ Văn Thông kể về khó khăn khi sống ở vùng chồng lấn địa giới như không có điện, đường, trường, trạm, chợ và chưa được phủ sóng điện thoại. Trước đây do không điện, gia đình anh phải lấy củi về nhóm bếp để thắp sáng. Ban đêm ngoài ánh lửa củi, cả vùng trời thôn 3 đen ngòm. Cuộc sống người dân chật vật giữa "thâm sơn cùng cốc" đến nay vẫn chưa có gì thay đổi.
"Do đêm tối quá nên năm 2010 chúng tôi mua tuốc bin đặt ở con suối chảy qua thôn lấy điện thắp sáng. Nhà nào có điều kiện thì mua một cái tuốc bin đặt ở suối. Còn như tôi là 3-4 hộ góp lại rồi dùng chung. Chỉ cần một nhà tắt thì các hộ còn lại cũng tắt theo. Điện từ tuốc bin nhỏ chỉ dùng cho sạc điện thoại, thắp bóng đèn. Còn nhà có tivi thì bật đèn phải tắt tivi, mà bật tivi thì tắt đèn" - anh Thông nói rồi ăn vội bát cơm trắng chỉ kèm vài lát măng.
Cách đó là nhà anh Nguyễn Xuân Điều (30 tuổi) cũng khó khăn không kém. Dưới ánh đèn leo lét, anh Điều trăn trở người dân thôn 3 xưa nay đều khó khăn như vậy. Ngoài thiếu điện, còn thiếu đường, trường, chợ, sóng điện thoại... Vì điều kiện đi lại quá khó khăn, người dân trong thôn phải tự mở đường, làm cầu treo tạm để... đi bộ ra xã. Đến năm 2008 mới có một vài hộ tích cóp mua được xe máy cũng phải qua lại con đường độc đạo rất khó đi này.
"Đường và cầu treo do dân tự làm nên rất kém, xe cộ hư hỏng hết. Còn sóng điện thoại cả vùng chỉ có một điểm duy nhất là trên đỉnh đồi này. Ai cần gọi phải vã mồ hôi leo lên đó, sóng cũng bập bõm. Mùa nắng không nói nhưng vào mùa mưa bão đường trơn trượt, lên được đỉnh đồi để gọi điện thoại là cả vấn đề" - anh Điều cho biết thêm nhu cầu của người dân là đi bán quế, làm giấy tờ là chính. Còn mua nhu yếu phẩm chỉ khi nào thôn có lễ cưới hỏi, đám tang hay giỗ ông bà mới về xã để mua đồ. Đa phần bữa ăn hằng ngày của họ bây giờ vẫn dựa vào những thứ "hái lượm" được như măng, rau rừng...
Đường và cầu treo do dân tự mở tạm bợ, tiềm ẩn nguy hiểm
Mong con em được đi học gần nhà
Vượt qua các con dốc trơn trượt, bậc thang và thậm chí phải vịn vào cây cối xung quanh, cuối cùng chúng tôi cũng lên được hộ sống cao nhất trong thôn. Trong căn nhà, không có gì quý giá hơn ngoài những cái xoong nồi và chiếc bóng đèn nhuộm màu xám xịt của khói bếp.
Anh Nguyễn Thanh Chim - trưởng thôn 3 xã Trà Vinh - cho biết do chồng lấn đất đai hai tỉnh mà dân làng không được đầu tư như bao nơi khác. Có 238 hộ dân nhưng gần như 100% hộ nghèo. Bà con chủ yếu trồng mía, tre, chè, chuối để tự cung tự cấp ăn uống hằng ngày, thu nhập chính từ việc lấy rau rừng và trồng quế. Đất tốt, quế phát triển nhanh sẽ sớm khai thác, còn đất xấu phải chờ 10 năm.
"Ở đây khó khăn nhiều lắm, cái gì cũng thiếu thốn, đặc biệt là đường sá để tiện đi lại buôn bán, vận chuyển hàng hóa hay con em đi học cũng đỡ lo. Trong thôn đa số hộ dân không có xe máy, phải gùi đi bộ cả ngày mới xuống xã bán quế rất khổ. Sóng điện thoại cũng không có nên đời sống ai cũng khó khăn" - anh Chim giãi bày và mong muốn chính quyền hai tỉnh sớm đầu tư điện, đường, trường, trạm cho người dân thuận lợi sản xuất, ổn định đời sống, con em có trường học gần nhà.
"Giờ nói chúng tôi qua nhập hộ khẩu vào Kon Tum, nhưng chúng tôi không qua được vì sống vùng đất bao đời nay rồi. Mồ mả tổ tiên và bà con họ hàng đều ở xã Trà Vinh nên không muốn đi. Mong muốn chính quyền hai tỉnh sớm giải quyết để dân chúng tôi yên tâm ổn định cuộc sống ở đây thôi" - bà Hồ Thị Phiên, 53 tuổi, trải lòng.
Nhà anh Nguyễn Thanh Chim vừa nấu ăn vừa thắp sáng bằng lửa củi vì thiếu điện
Lắng nghe nguyện vọng của dân
Liên quan đến việc chồng lấn địa giới hành chính khiến ngôi làng như bị "mắc kẹt" này, ông Trần Văn Minh, chủ tịch UBND xã Đăk Nên, cho biết vừa qua hai tỉnh đã tổ chức họp bàn phương án xử lý. Tỉnh Quảng Nam đề xuất chuyển diện tích đất ở và đất canh tác của người dân thôn 3 về tỉnh này quản lý. Tỉnh Kon Tum cũng đề xuất tạo điều kiện chuyển 238 hộ dân này về Kon Tum hoặc hoán đổi diện tích đất tương đương nếu tỉnh Kon Tum giao phần đất chồng lấn. Tuy nhiên, sự việc vẫn chưa thống nhất được.
"Xã vẫn giữ quan điểm ban đầu là giữ nguyên địa giới hành chính vì diện tích đất canh tác, đất rừng là lợi ích của người dân. Hơn nữa, người dân trong xã đang thiếu đất sản xuất. Nếu giờ cắt đi thì người dân Đăk Nên mất đất sản xuất và tài nguyên rừng, dịch vụ môi trường rừng cũng mất theo. Hai bên không thống nhất, người thiệt thòi nhất là dân. Sở nội vụ hai tỉnh sẽ xây dựng phương án, đo đạc, khoanh lại diện tích và tổ chức họp dân" - ông Minh khẳng định quan điểm.
Từ năm 2008 đến nay, hai tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp nhưng vẫn chưa thống nhất phương án giải quyết, khiến hàng trăm hộ dân khu vực này gặp nhiều khó khăn. Do một bên quản lý người dân và một bên quản lý đất đai nên việc đầu tư cơ sở hạ tầng ở khu vực này còn vướng mắc.
Còn phía Quảng Nam, ông Nguyễn Công Tạ, bí thư Đảng ủy xã Trà Vinh, cho biết người dân trong vùng chồng lấn mong muốn được tiếp tục gắn bó làm ăn, sinh sống trên mảnh đất cha ông. "Làm gì cũng phải tôn trọng ý kiến người dân. Mong rằng lãnh đạo hai tỉnh có phương án đề xuất với trung ương sớm giải quyết để người dân không bị thiệt thòi" - ông Tạ bày tỏ nguyện vọng.
6.200 ha
Đó là khu chồng lấn giữa Kon Tum và Quảng Nam.
Hơn 1.000 dân sống trên vùng chồng lấn 2 tỉnh
Theo xác nhận của hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam, tại xã Đăk Nên (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) hiện đang có 238 hộ, hơn 1.034 nhân khẩu của thôn 3 xã Trà Vinh (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) đang sinh sống, canh tác.
Tổng diện tích khu vực chồng lấn giữa hai tỉnh gần 6.200ha, với chiều dài toàn tuyến trên 10km. Vướng mắc này đã kéo dài rất nhiều năm nhưng hai tỉnh vẫn chưa thống nhất phương án giải quyết, khiến 1.000 dân tiếp tục sống chênh vênh trên sườn đồi.
TTO - Giữa bốn bề núi non, sông Leng trong vắt chảy qua từng khe đá. Dưới thung lũng bên sông, khu nhà tái định cư bà con M'Nông sau thảm họa Trà Leng đứng vững chãi trong màu mái đỏ.
Xem thêm: mth.72184833291902202-tek-cam-ib-gnal-iogn-al-yk/nv.ertiout