Theo các chuyên gia FiinRating, những thay đổi chính trong Nghị định 65 bao gồm: Nâng cao tiêu chuẩn về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Theo đó, Nghị định 65 bổ sung quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp bên cạnh việc nắm giữ danh mục ít nhất 2 tỉ đồng còn cần phải duy trì con số này bình quân trong 180 ngày liền kề. Điều này sẽ gây ảnh hưởng lớn tới cơ cấu nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp hiện nay.
Tăng cường minh bạch thông tin, đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư: Các quy định chặt chẽ, hướng tới việc báo cáo và công bố thông tin minh bạch và rõ ràng.
FiinRating đặc biệt đánh giá cao quy định liên quan đến quyền biểu quyết và tỷ lệ thông qua tối thiểu 65% tổng số trái phiếu đang lưu hành giúp các trái chủ chủ động nắm bắt thông tin về doanh nghiệp và dự án mà mình đang đầu tư.
Không siết điều kiện chào bán, nhưng yêu cầu chặt chẽ hơn về hồ sơ chào bán và phương thức phát hành: Quy định mới giải tỏa nỗi lo của thị trường khi các doanh nghiệp được phát hành trái phiếu để cơ cấu lại nợ. FiinRating cho rằng đây là một hướng đi đúng đắn và phù hợp với thông lệ quốc tế về trái phiếu.
Mặc dù vậy, hồ sơ chào bán và phương thức phát hành được yêu cầu cao hơn, do đó nhà phát hành phải thực sự có năng lực và hồ sơ minh bạch thì mới có thể tham gia hoạt động phát hành trái phiếu.
Xếp hạng tín nhiệm bắt buộc trong một số trường hợp: FiinRating cho rằng đây là một quy định thích hợp và phù hợp với bối cảnh thị trường Việt Nam cũng như hướng tới hoạt động thị trường hiệu lực và hiệu quả.
Việc áp dụng xếp hạng tín nhiệm bắt buộc với một số trường hợp sẽ đem lại nhiều lợi ích cho không chỉ nhà đầu tư mà với chính nhà phát hành và thị trường nói chung.
Ảnh minh họa |
Đánh giá tác động của Nghị định 65/2022 với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế tại FiinRating cho rằng: "Khác với các dự thảo trước đó, Nghị định 65 ban hành vẫn cho phép các doanh nghiệp được phát hành TPDN để đảo nợ, nhưng chỉ cho chính doanh nghiệp đó.
Điều này sẽ củng cố thêm nhu cầu tìm kiếm các kênh vốn khác để đảo nợ của các doanh nghiệp, đặc biệt là với các doanh nghiệp BĐS vốn sở hữu nhiều công ty con, liên kết để phát triển dự án.
Chỉ tính riêng ngành BĐS đã chiếm 59% tổng giá trị đáo hạn, áp lực đáo hạn TPDN tính riêng trong năm nay đạt 35.560 tỉ đồng và sẽ tăng mạnh lên mức 61.370 tỉ đồng vào năm 2023.
Có thể thấy, dù giá trị trái phiếu đáo hạn đã giảm xuống đáng kể nhờ hoạt động mua lại, song áp lực đảo nợ vẫn rất lớn.
Trong khi đó, các quý sắp tới được dự kiến sẽ là giai đoạn khó khăn để các doanh nghiệp xoay sở dòng tiền trả nợ gốc và lãi trái phiếu do thị trường TPDN đã thu hẹp đáng kể từ đầu năm đến nay.
Ngoài ra, dòng tiền chảy vào các công ty con đang bị kiểm soát bởi Thông tư 16, Thông tư 39 và tiếp theo là Nghị định 65.
Việc đáp ứng nghĩa vụ nợ sắp tới sẽ khó khăn hơn trong bối cảnh lãi suất được kỳ vọng sẽ tiếp tục leo thang, làm gia tăng gánh nặng chi phí lãi vay của nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thâm dụng vốn nhưng gặp trở ngại tiếp cận dòng vốn tín dụng như BĐS.