vĐồng tin tức tài chính 365

Lần theo đường dây lừa đảo tín dụng: Vay nợ... không cần trả (kỳ 1)

2022-09-21 10:33

Thế nhưng, “vay nợ không cần trả” trên đời liệu có thật? Ẩn chứa đằng sau lời mời gọi hấp dẫn ấy liệu còn có mục đích gì? Câu hỏi này đã thôi thúc phóng viên Chuyên đề Công an TPHCM đi tìm lời giải đáp.

Những người hàng xóm tốt bụng!

Từ Quốc lộ 61 ở trung tâm huyện Châu Thành, xe của chúng tôi rẽ tắt ngang vào con đường không tên, ẩn dưới những tán rừng dừa để tìm đến ấp Minh Hưng của xã Minh Hòa. Qua mấy cây cầu ngang đã thấy thấp thoáng mái ngói của những ngôi chùa vàng Khơ me. Điểm đến ở phía trước đã không còn xa!

Xe vừa qua cổng chùa (người Khơ-me thường xây chùa ở đầu cổng làng, nhà cửa quần tụ xung quanh) đã bị vây quanh bởi những ánh mắt dè chừng của dân làng. “Điều gì đang xảy ra ở ngôi làng thanh bình này khiến người dân phải cảnh giác với người lạ mặt đến vậy?” - sự thắc mắc của chúng tôi nhanh chóng bị xen ngang bằng câu hỏi cộc lốc của một người đàn ông tuổi trung niên, bước ra từ ngôi chùa vàng. “Mấy ông đến đòi tiền đúng không? Về đi nếu không thì đừng trách!” - người này cảnh báo.

May thay, chiếc logo in tên Chuyên đề Công an TPHCM nằm trên ngực áo phóng viên đã kịp thời can ngăn một cuộc ẩu đả có khả năng xảy ra. Sau màn “chào hỏi” đầy bất ngờ với người dân ở ấp Minh Hưng, phóng viên đã có cơ hội bước một chân vào câu chuyện khó tin, đang gieo rắc nhiều nỗi ám ảnh đối với người dân địa phương.

Phóng viên Chuyên đề Công an TPHCM lắng nghe nạn nhân Thị Lụa trình bày lại toàn bộ sự việc mà mình đã trải qua

Điểm đến đầu tiên của phóng viên Chuyên đề Công an TPHCM ở ấp Minh Hưng bắt đầu tại căn nhà xập xệ của bà Thị Lụa (48 tuổi, người dân tộc Khơ-me). Gọi là nhà nhưng gần như bên trong không có bất kỳ tài sản gì quý giá.

Bà Lụa kể, thời điểm cả tỉnh Kiên Giang áp dụng giãn cách xã hội cũng là lúc con dâu cả trong nhà sinh con đầu lòng, con trai đi ghe biển không về được đất liền. Cả gia đình cả 6 nhân khẩu gần như không có bất kỳ nguồn chi phí sinh hoạt nào. Vì quá tũng quẫn, bà Lụa đành gõ cửa khắp xóm... xin vay nợ nhưng không ai cho vay. Vào thời điểm túng quẫn nhất, sự xuất hiện của một người hàng xóm tốt bụng cùng lời đề nghị hấp dẫn như mở toang cánh cửa, giúp họ thoát khỏi khó khăn.

“Ông Năm hàng xóm có sang nhà và hỏi tôi muốn vay tiền không. Nếu muốn thì đi theo ổng. Lúc đó tôi có hỏi lại, vay như thế nào, lời lãi ra làm sao thì ổng kêu vay tiền không cần trả...” - bà Lụa thuật lại. Lời ngỏ ý của ông Năm khiến vợ chồng bà Lụa đặt nghi vấn. Thế nhưng, do lời đề nghị được thốt ra từ miệng của “láng giềng gần”, điểm đúng vào tâm lý “khát” tiền khiến đôi vợ chồng nghèo dù không muốn cũng phải... tin!

Bên trong ngôi nhà xập xệ của bà Lụa không có tài sản gì quý giá

Khăn gói theo ông Năm ra TP.Rạch Giá vay tiền, hành trang mà bà Lụa mang theo chỉ là chiếc CCCD gắn chíp. “Ông Năm cho con gái dẫn tôi tới một quá cà phê ở gần với bến xe thành phố và yêu cầu ngồi ở đó chờ, không phải làm gì hết. Muốn ăn hay uống gì cứ kêu thoải mái, sẽ có người trả tiền!” - bà Lụa nhớ lại.

Theo lời kể lại của bà Lụa, tại quán cà phê ở TP.Rạch Giá vào thời điểm đó có đến hàng chục người cùng chung hoàn cảnh, xếp hàng chờ vay tiền mà... không cần trả. Vì điều này, người phụ nữ 48 tuổi hoàn toàn tin tưởng trước sự thật về một vị chủ nợ tốt bụng, sẵn sàng chìa ra chiếc phao cứu sinh, giúp người nghèo vượt qua khó khăn.

“Sau khi đưa giấy căn cước, tôi được một người phụ nữ đưa tới một cửa hàng điện thoại gần đó để chụp hình” - bà Lụa cho biết. Tuy nhiên, vì “mù” chữ cũng như chẳng mấy khi bước ra thành phố, bà Lụa không hay biết nơi mình được đưa đến.

Gia đình 6 nhân khẩu của bà Lụa đang trải qua nhiều khó khăn chồng chất do rơi vào bẫy lừa đảo của các đối tượng

Ngoài trường hợp của bà Lụa, câu chuyện của bà Cà Ni (57 tuổi, người dân tộc Khơ me, ngụ thị trấn Minh Lương, H.Châu Thành) trải qua có chung sự tương đồng. Bà kể, vào khoảng cuối năm 2021, căn bệnh kinh niên trong người tái phát trong khi con trai cả bỏ đi biền biệt không về. Khó khăn chồng chất buộc bà phải ngỏ lời vay mượn với chòm xóm.

Thật trùng hợp, một người phụ nữ cùng ở thị trấn Minh Lương đã cất công tìm tới tận nhà bà Cà Ni, buông lời mời gọi. Như một kịch bản có sẵn, người “láng giềng gần” của bà Cà Ni lại nhắm vào cơn “khát” tiền để lôi kéo. Người này vẽ ra câu chuyện, tiền mà bà Cà Ni được vay thực tế là tiền hỗ trợ Covid-19 của kiều bào nước ngoài gửi về cho chính quyền địa phương nhằm giúp đỡ người khó khăn (?).

Thủ tục vay tiền hết sức đơn giản, chỉ cần đem theo giấy căn cước và chấp nhận cho họ chụp ảnh chân dung bà Cà Ni đã có thể cất vào túi số tiền 6 triệu đồng. Gật đầu đồng ý, người phụ nữ ốm yếu nhanh chóng được hàng xóm chở đến một quán cà phê ở TP.Rạch Giá. Thật trùng hợp, đây cũng là nơi mà bà Lụa được ông Năm chở đến trước đó!

Bà Cà Ni và câu chuyện rơi vào chiếc bẫy nợ không lối thoát do các đối tượng giăng ra

Vỡ mộng

Chia sẻ với phóng viên Chuyên đề Công an TPHCM, dù được hứa cho vay 5 triệu đồng, thực tế, bà Thị Lụa chỉ nhận được 3,8 triệu đồng sau khi bị người “mai mối” trừ 1,2 triệu đồng tiền phí dịch vụ. Dù bất ngờ nhưng cả hai vợ chồng cho rằng, được mượn nợ không cần trả là may mắn rồi nên có trừ phí cũng phù hợp. Sau lần cầm tiền này, những chuỗi ngày u ám với bà Lụa mới thật sự bắt đầu!

Vào một ngày đầu năm 2022, trong lúc đang làm công nhật tại một xưởng mắm gần nhà, bà Lụa tá hỏa bởi sự ghé thăm của một nhóm người lạ mặt, tự xưng nhân viên thu hồi nợ của công ty tài chính. Họ thông báo bà Lụa hiện đang mắc nợ số tiền 21 triệu đồng, vay mua điện thoại trả góp. Lúc này, người phụ nữ 48 tuổi mới thực sự nhận ra... “trái đắng”!

Bà Thị Lụa đang trải qua những tháng ngày hết sức khó khăn do vướng phải bẫy nợ

Sự việc tương tự cũng ập đến với bà Cà Ni. 21 triệu cho khoản vay mua điện thoại trả góp cùng mức tiền đóng phạt cho việc không trả nợ đúng hẹn lên đến gần 50 triệu đồng khiến bà như... “chết đứng”!

Bên cạnh 2 nạn nhân là bà Lụa và Cà Ni, phóng viên Chuyên đề Công an TPHCM còn ghi nhận thêm các trường hợp khác như: chị Chao Thị Luân (27 tuổi, ấp Phước Tân, X.Mong Thọ B, H.Châu Thành), Lê Hồng Chương (27 tuổi, ấp Sở Tại, X.Bàn Tân Định, H.Giồng Riềng)... Tất cả họ đều là nạn nhân của chiêu trò “Vay nợ không cần trả” của những người lạ mặt.

Theo lời thuật lại của hàng loạt nạn nhân, trước khi nhận tiền, họ đều được dẫn tới một quán cà phê có tên Hai Lúa ở TP.Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) để chờ làm... thủ tục. Nhiều yêu cầu và điều kiện kỳ lạ sau đó được những người bí ẩn, tự xưng nhân viên giải quyết hồ sơ đưa ra không khỏi khiến người vay tiền bất ngờ.

Hơn lúc nào hết, bà Cà Ni đang trông chờ một sự giúp đỡ kịp thời để thoát khỏi bẫy nợ

Một buổi sáng cuối tháng 12 -2021, bà Cà Ni được người hàng xóm tốt bụng đưa tới quán cà phê Hai Lúa để... “vay tiền không cần trả”. Thời điểm đó, bên trong quán cà phê đã có hàng chục người cũng trong tâm trạng chờ được vay tiền như mình. Những người lạ mặt sau đó yêu cầu bà Cà Ni phải cung cấp CCCD bản gốc cho họ và ngồi im tại chỗ, không được đi đâu khỏi quán cà phê.

Sau nửa ngày, họ quay lại và đưa bà Cà Ni đến một cửa hàng điện thoại di động gần đó, yêu cầu bà Cà Ni bỏ tiền mua một chiếc sim điện thoại mới để sử dụng. Dù không đồng ý làm theo nhưng trước thái độ cứng rắn của nhóm người này, bà miễn cưỡng chấp nhận. Sim điện thoại được kích hoạt cũng là lúc yêu cầu cuối cùng được đưa ra trước khi người phụ nữ này nhận tiền. “Bây giờ tụi tôi sẽ giữ lại cái sim này, bà cầm tiền rồi đi về. Không cần trả lại đâu!” - người trong cửa hàng yêu cầu.

Ngôi nhà tường của bà Cà Ni đang xây dựng thì bị bỏ ngang giữa chừng

Còn với bà Thị Lụa, sau khi bà và chồng được ông Năm, hàng xóm đưa tới quán cà phê Hai Lúa, những gì mà họ trải qua đều được lập lại hệt như bà Cà Ni trước đó. Giao CCCD cho những người lạ mặt cầm, bà và chồng được yêu cầu ngồi chờ tại quán cà phê này suốt nhiều giờ đồng hồ. Cùng thời điểm này, bà Lụa quan sát thấy có hàng chục người giống mình được đưa đến rồi.. đi! Ai cũng phải cung cấp CCCD và tìm đến một cửa hàng điện thoại gần đó để chụp hình với cùng một kịch bản tương tự.

Chiếc “bánh vẽ” tưởng ngọt nhưng lại ẩn chứa nhiều cạm bẫy khiến đông đảo bà con nghèo rơi vào cảnh trớ trêu. Điều gì đang âm thầm diễn ra ở những vùng quê nghèo tại tỉnh Kiên Giang? Những vị chủ nợ “tốt bụng” này thật sự là ai? Dù ở cách xa nhau nhưng cái cách mà người dân cùng lúc nhận được những lời mời gọi đều chung một kịch bản. Hàng loạt những câu hỏi liên tục được phóng viên đặt ra trong suốt quãng đường dài về lại TP.Rạch Giá để lần theo những chỉ dấu còn mơ hồ!

Theo điều tra của phóng viên Chuyên đề Công an TPHCM, quán cà phê mà cả 2 người phụ nữ ở huyện Châu Thành nhắc đến có tên “Hai Lúa”, nằm trên đường Nguyễn Trung Trực (TP.Rạch Giá) - gần với bến xe Lạc Hồng.

Nơi này thời gian trước đây thường xuyên có đông người dân tìm đến để chờ đợi một nhóm người làm hồ sơ vay tiền. Hoạt động này rộ lên từ cuối năm 2020 và kết thúc vào khoảng đầu năm nay. Xung quanh quán cà phê “Hai Lúa” có sự hiện diện của một số cửa hàng kinh doanh điện thoại trả góp. Điều này trùng khớp với thông tin mà các nạn nhân cung cấp, được dẫn dắt tới một cửa hàng điện thoại để chụp hình chân dung.

Hé lộ chân dung 'chủ nợ tốt bụng'

Trong quá trình thực hiện phóng sự điều tra này, qua những tài liệu thu thập được, phóng viên Chuyên đề Công an TPHCM đã ghi nhận câu chuyện mà em L.H.C (SN 2003, ngụ huyện Giồng Riềng) đã trải qua. Thời điểm vụ xảy ra, C đang học lớp 12, vì kẹt tiền đóng học phí, em đã nghe theo lời dụ dỗ của một người lạ mặt vay tiền bằng CMND. Dù đang tuổi thiếu niên, các đối tượng vẫn sử dụng thông tin của C để giải ngân một khoản vay từ một công ty tài chính lên đến hơn 20 triệu đồng. Cũng thông qua lời chia sẻ dè dặt của C, nhiều thông tin quan trọng liên quan tới 'chân dung' của những chủ nợ dần phát lộ.

(Còn tiếp...)

Đức Nam

Xem thêm: lmth.542731_gnud-nit-oad-aul-yad-gnoud-uad-oeht/us-gnohp/na-uv/nv.moc.nagnoc

“Lần theo đường dây lừa đảo tín dụng: Vay nợ... không cần trả (kỳ 1)”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools