Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2 tại Hà Nam xây dựng dở dang - Ảnh: NAM TRẦN
Sau khi Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo Bộ Y tế có chuyến thị sát và chỉ đạo tháo gỡ các vướng mắc của hai dự án vào ngày 18-9, lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức đều kỳ vọng hai công trình này sẽ sớm được hoàn thành và đưa vào hoạt động.
Nơi quá tải, chỗ bỏ hoang
Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai cho biết cả hai bệnh viện tuyến cuối là Bạch Mai và Việt Đức thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải, đặc biệt sau dịch COVID-19 số lượng bệnh nhân tăng cao. Mỗi ngày, Bệnh viện Bạch Mai khám cho 6.000 - 9.000 bệnh nhân ngoại trú, số bệnh nhân nội trú vượt công suất tại nhiều khoa phòng. Bệnh viện Việt Đức cũng trong tình trạng tương tự.
"Bệnh nhân nội trú, ngoại trú đều tăng, nhu cầu khám chữa bệnh rất lớn. Thậm chí, bệnh nhân mổ xong không có chỗ mà nằm hoặc phải nằm ở hành lang bệnh viện; có trường hợp phải cho ra viện, chuyển tuyến rất sớm vì không có chỗ. Như vậy chất lượng và an toàn cho ca mổ bị đe dọa. Vì vậy, chúng tôi đều rất mong sớm đưa bệnh viện cơ sở 2 vào hoạt động, giảm tải cho cơ sở 1", vị này cho hay.
Trong khi đó, việc đưa vào hoạt động cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và cơ sở 2 của Bệnh viện Việt Đức thường xuyên "lỡ hẹn" từ nhiều năm qua. Tại quyết định số 125 ngày 16-1-2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án "Đầu tư xây dựng mới năm bệnh viện tuyến trung ương và tuyến cuối đặt tại TP.HCM và các tỉnh", trong đó có dự án xây dựng mới cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, với quy mô 1.000 giường, tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỉ đồng, thực hiện dự án từ 2013 - 2016.
Đến tháng 12-2014, Bộ Y tế phê duyệt dự án đầu tư dự án mới cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức tại Hà Nam, thời gian thực hiện 2014 - 2017. Đến năm 2018, một số hạng mục của cả hai dự án đã hoàn thành, trong đó có khu khám bệnh. Đến tháng 10-2018, khoa khám bệnh của Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 được khánh thành và đi vào hoạt động. Tuy nhiên, sau gần một năm, khoa khám bệnh này cũng đóng cửa.
Vào năm 2019, do không thể hoàn thành theo tiến độ được giao, Bộ Y tế xin tiếp tục gia hạn thời gian thực hiện dự án. Tiến độ dự án đã được điều chỉnh thời gian thực hiện đến ngày 31-12-2020.
Nhưng đến nay, hai dự án mới hoàn thành cơ bản phần thi công. Tuy nhiên, do đã hết thời gian triển khai dự án theo phê duyệt, ngân sách nhà nước bố trí cho dự án từ năm 2017, 2018 và kéo dài sang năm 2022 không thể thực hiện các thủ tục bàn giao.
Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 tại Hà Nam có quy mô 1.000 giường hiện bỏ hoang, nhiều hạng mục đang trong tình trạng xuống cấp - Ảnh: NAM TRẦN
Chậm tiến độ do thiếu... kinh nghiệm?
Trao đổi với chúng tôi, một đại diện Ban quản lý các công trình trọng điểm của Bộ Y tế cho rằng hai dự án nêu trên chậm tiến độ vì đây là lần đầu cơ quan này thực hiện dự án, thiếu kinh nghiệm, chưa lường hết được các phát sinh trong quá trình triển khai. Hai bệnh viện được thiết kế theo nguyên mẫu của bệnh viện nước ngoài và dự án cũng thuê công ty nước ngoài thiết kế thi công.
Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng có nhiều điều chỉnh, thay đổi nhiều hạng mục theo ý kiến của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức như thay đổi hệ thống điều hòa, hệ thống nước nóng, số lượng điều hòa, thang máy, khu vực nội trú cho y bác sĩ... nên thời gian thực hiện bị vượt quá. Ngoài ra, Ban quản lý dự án gặp vướng mắc trong quá trình thực hiện các hợp đồng xây dựng, phát sinh các vướng mắc trong thực hiện các hợp đồng và thanh quyết toán, giải ngân vốn...
Theo ông Trần Bình Giang - giám đốc Bệnh viện Việt Đức, đến nay bệnh viện này chưa nhận bàn giao bất kỳ phần nào của Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2. Được tham dự chuyến đi của Thủ tướng và quyền bộ trưởng Bộ Y tế hôm cuối tuần, ông Giang cho biết cơ sở 2 này chưa có thiết bị y tế, phần xây dựng cơ bản có nhiều khu vực đã mọc lút cỏ.
"Để chuẩn bị triển khai cơ sở 2, chúng tôi đã tuyển dụng bác sĩ, điều dưỡng, đã chuẩn bị điều 1/3 nhân lực đi cơ sở 2... Đặc thù của chúng tôi là bệnh viện ngoại khoa, phải có phòng mổ, phòng hồi sức đồng bộ mới hoạt động được, còn nếu chỉ hoạt động riêng phòng khám thì rất khó. Ngay cả phòng khám, đến nay chúng tôi cũng chưa được bàn giao chứ không phải có mà chưa sử dụng", vị lãnh đạo này cho hay.
Trong khi đó, Bệnh viện Bạch Mai 2 được sử dụng nhiều hơn trong giai đoạn khoa khám bệnh hoạt động và cách ly người bệnh. Tuy nhiên, việc chỉ có khoa khám bệnh hoạt động, y bác sĩ di chuyển từ Hà Nội về hằng ngày, không có các khoa phòng chức năng khác nếu bệnh nhân phải điều trị nội trú cũng khiến hoạt động bệnh viện kém hiệu quả, thậm chí lỗ vốn.
Hàng trăm người chờ khám tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) - Ảnh: NAM TRẦN
Bao giờ cho đến... 2023
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Y tế trong buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ, cả hai dự án đã tạm dừng xây dựng và đều đang đóng cửa, tiến độ giải ngân mới đạt hơn 55% và 57%. Trong buổi làm việc này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết chủ trương đầu tư năm bệnh viện tuyến trung ương, tuyến cuối đến nay đã trải qua ba nhiệm kỳ. Trong năm bệnh viện, có ba bệnh viện giao cho địa phương làm chủ đầu tư đã hoàn thành, trong khi hai bệnh viện do Bộ Y tế làm chủ đầu tư vẫn dang dở.
Do vậy, Thủ tướng yêu cầu thành lập tổ công tác do lãnh đạo Bộ Y tế làm tổ trưởng, với sự tham gia của lãnh đạo các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài chính, Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và UBND tỉnh Hà Nam. Yêu cầu chậm nhất sau hai tháng nữa tổ công tác phải đề xuất phương án giải quyết các vướng mắc về pháp lý, kỹ thuật, giải quyết các tồn tại để báo cáo Thủ tướng quyết định các phương án gỡ vướng. Và nếu đúng theo các kế hoạch, sau năm 2023 hai bệnh viện này phải đi vào hoạt động.
Theo lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai, năm 2018 một số hạng mục của Bạch Mai 2 đã hoàn thành, việc thanh toán bảo hiểm y tế cũng chưa được vận hành đồng bộ. Khi cơ sở 2 đi vào hoạt động, các hạng mục phải hoạt động đồng bộ, khám và điều trị mới đảm bảo nhu cầu khám, chữa bệnh của bệnh nhân. Về công tác chuẩn bị nguồn lực, Bệnh viện Bạch Mai cũng đã tính toán để đảm bảo cán bộ nhân viên vận hành cơ sở 2. Theo đó, dự kiến cơ sở 2 có 1.000 giường bệnh, tương đương với 1.300 - 1.500 nhân sự.
"Bệnh viện đã tính toán đào tạo các nguồn nhân lực để chuẩn bị vận hành cho cơ sở 2. Theo đó, ngoài các cán bộ trẻ sẽ luân chuyển những bác sĩ, y tá, điều dưỡng lâu năm về cơ sở 2 để đảm bảo công tác chuyên môn. Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 phải là "cánh tay nối dài" của cơ sở 1, tất cả vấn đề chuyên môn, cơ sở vật chất người dân phải được thụ hưởng tối đa", lãnh đạo bệnh viện nói.
Sau chuyến thị sát của Thủ tướng, lãnh đạo hai bệnh viện này cho biết đang rất hy vọng, bởi thời gian qua cũng có nhiều công trình gặp vướng mắc đã được tháo gỡ. 10.000 tỉ đồng xây dựng hai bệnh viện thời điểm năm 2014 là nỗ lực của Chính phủ thời điểm ấy để đỡ khó cho y tế, nhằm giảm tải bệnh nhân cho cơ sở 1. Nhưng những vướng mắc, hạn chế trong quản lý đã khiến hai dự án bị "đắp chiếu". Với lần gỡ này, lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức đều hy vọng sẽ hết các vướng mắc để hai công trình nhiều ngàn tỉ đi vào hoạt động.
Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2 tại Hà Nam với quy mô 1.000 giường xây dựng dở dang để cỏ mọc um tùm, nhiều hạng mục đang xuống cấp - Ảnh: NAM TRẦN
Đang xin gia hạn dự án
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Vụ Trang thiết bị, công trình y tế (Bộ Y tế) cho hay cơ quan này đang làm việc với các đơn vị để "gỡ vướng"cho hai công trình Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 tại Hà Nam.
Cũng theo vị này, Bộ Y tế vẫn đang xin gia hạn thực hiện dự án để thực hiện bàn giao với các đơn vị. Về trang thiết bị y tế cũng đã có kế hoạch, khi gia hạn dự án sẽ thực hiện từng bước để đưa hai bệnh viện vào hoạt động.
Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Lan (phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội):
Sự lãng phí rất lớn
Nếu đi vào các bệnh viện lớn như Việt Đức cơ sở 1 sẽ thấy rõ tình trạng quá tải, thiếu giường, phòng bệnh dẫn đến bệnh nhân phải nằm ở hành lang rất phổ biến. Do vậy, khi nhìn vào cảnh Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức cơ sở 2 chậm tiến độ, chưa thể đưa vào sử dụng sau nhiều năm xây dựng cho thấy sự lãng phí rất lớn.
Khi làm việc với Bộ Y tế, chúng tôi cũng đã nêu thực tế của các bệnh viện này. Bộ Y tế cũng đã có báo cáo về nguyên nhân, trong đó có vấn đề về nhân lực làm việc tại cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai chưa đảm bảo, thiếu trang thiết bị...
Ngoài ra, tại chuyến thị sát, Thủ tướng cũng đã chỉ rõ các nguyên nhân xuất phát từ những yếu kém, sai lầm từ khi lập dự án, tư vấn, thẩm định dự án, quyết định đầu tư, chọn nhà thầu, hợp đồng, đấu giá và tổ chức thực hiện.
Thời gian tới, việc quan trọng nhất cần làm là phải xác định xem công trình đã hoàn thành bao nhiêu phần trăm, còn lại bao nhiêu và khó khăn vướng mắc ở đâu để khắc phục triệt để, hoàn thiện, đưa vào sử dụng. Thêm vào đó, cần chuẩn bị nguồn nhân lực, phân phối nhân lực có chất lượng từ cơ sở 1 để khi hoàn thành công trình có thể hoạt động được ngay. Việc sớm đưa các công trình này vào sử dụng chính là mong muốn rất cấp thiết của bệnh nhân, người dân.
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm (ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội):
Cần sớm xử lý, đưa vào sử dụng
Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 có số vốn đầu tư lên tới gần 10.000 tỉ đồng mà chậm tiến độ, để "cỏ hoang mọc dại" và dù chưa đưa vào sử dụng nhưng trang thiết bị xuống cấp, hỏng hóc rõ ràng đã tạo sự lãng phí rất lớn. Có thể nói đây là hai dự án bệnh viện điển hình của lãng phí, đầu tư không dứt điểm, không hoàn thành, chậm đưa dự án vào sử dụng.
Nguyên nhân đã được Thủ tướng nêu ra tại chuyến thị sát trực tiếp vừa qua nhưng rõ ràng việc tổ chức, triển khai thực hiện, trong đó có chuẩn bị dự án chưa tốt dẫn đến phát sinh các yếu tố kỹ thuật, tăng vốn... Việc cơ sở hạ tầng đã xây dựng xong cơ bản, thậm chí có bệnh viện đã đưa vào sử dụng một số khu chức năng xong lại dừng thì trách nhiệm chính phải thuộc về người đứng đầu, chủ đầu tư các dự án, Bộ Y tế. Trong trường hợp này, cần đánh giá cụ thể để xác định lý do dự án bị dừng, yếu tố chủ quan hay khách quan, kỹ thuật hay là do đâu?...
Khi xác định được lý do mới có thể đưa ra biện pháp khắc phục. Nhưng rõ ràng lãng phí là có thật nên rất cần các cơ quan có thẩm quyền có biện pháp để xử lý, sớm đưa các công trình có tầm quan trọng, giải tỏa tình trạng quá tải ở hai bệnh viện tuyến cuối này vào sử dụng.
THÀNH CHUNG
TTO - Chuyện bất thường xảy ra với thiết bị y tế mua tại tỉnh Bắc Giang, với máy lưu huyết não, máy X-quang thường quy cao tần đã được bàn giao từ tháng 7-2014, nhưng đến thời điểm thanh tra (2020) thiết bị vẫn đắp chiếu, lý do là... không biết dùng.
Xem thêm: mth.19070929012902202-ueihc-pad-it-nagn-neiv-hneb-uuc-pac/nv.ertiout