Hàng loạt doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu "than" chiết khấu bằng 0 đồng/lít trong suốt thời gian dài khiến họ gặp nhiều khó khăn, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản. Thực trạng này được nêu ra tại Hội nghị về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu do Hiệp Hôi doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam phối hợp với Hiệp hội xăng dầu Việt Nam tổ chức, ngày 21-9.
Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp phản ánh mức chiết khấu thấp trong thời gian qua
Chủ doanh nghiệp xăng dầu Sơn Hải, có địa chỉ tại quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), ông Nguyễn Đức Hạnh cho biết từ tháng 7-2022 đến nay, chiết khấu các đầu mối xăng dầu cho thương nhân phân phối xăng dầu và các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu rất thấp, có thời điểm chiết khấu bằng 0 đồng/lít tại khi đầu nguồn.
"Với chiết khấu như trên, doanh nghiệp càng bán càng lỗ, chi phí không đủ bù đắp cho chi phí kinh doanh cố định, lỗ chồng lỗ. Trong khi các cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương yêu cầu bán hàng và không được phép đóng cửa"- ông Hạnh nêu thực tế.
Ông Nguyễn Đức Hạnh đã nêu các loại chi phí vận chuyển, chi phí hao hụt, chi phí tiền lương, chi phí khấu hao tài sản, chi phí điện nước...để thấy rõ các khó khăn hiện tại của doanh nghiệp. Theo đó, thực tế phải chi cho 1 lít xăng từ khâu vận chuyển kho đầu nguồn đến khâu bán lẻ tại cửa hàng từ 1.217 đồng đến 1.341 đồng/lít; với dầu là từ 1.130 đồng/lít đến 1.254 đồng/lít.
Từ thực tế đó, ông Hạnh kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước kiểm soát chẹt chẽ giá thành đầu vào của các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu, đảm bảo tính đúng, tính đủ chi phí thực tế cho các đầu mối nhập khẩu. Nhà nước cần có quy định yêu cầu các đầu mối nhập khẩu chiết khấu cho các đại lý mức hoa hồng tối thiểu để đảm bảo đủ chi phí trong kinh doanh.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Sinh, Giám đốc Công ty TNHH MTV xăng dầu Chiến Thắng (ở Yên Bái) cho rằng với hệ thống cửa hàng ở xa kho Đức Giang (Long Biên, Hà Nội), chi phí doanh nghiệp phải bỏ ra để vận chuyển trên mỗi lít xăng dầu là rất lớn, trong khi đó chiết khấu bằng 0 đồng khiến doanh nghiệp càng bán càng lỗ.
Cũng theo bà Sinh, với hệ thống cửa hàng ở vùng sâu vùng xa, hệ thống giao thông chưa thuận tiện, nếu chiết khấu tại kho bằng 0 thì doanh nghiệp không thể bù đắp được chi phí. Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn phải duy trì hoạt động để phục vụ nhu cầu người dân trên địa bàn, đặc biệt ở những nơi vùng sâu vùng xa như doanh nghiệp bà Sinh đang hoạt động.
Trước những bất cập đó, bà Nguyễn Thị Sinh đề nghị các cơ quan quản lý Nhà nước có giải pháp, quy định về mức chiết khấu để tạo điều kiện cho doanh nghiệp bán lẻ hoạt động, đủ chi phí bù đắp. "Thời điểm này chúng tôi chưa mong có lãi, chỉ mong thu đủ bù chi"- bà Sinh bày tỏ.
Bà Nguyễn Thị Bích Hường, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần TMDV và Xây lắp Dầu khí - một một doanh nghiệp xăng dầu ở Hà Nội cũng đề nghị các doanh nghiệp đầu mối cần chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp bán lẻ. Bà Hương cho rằng, các doanh nghiệp đầu mối để chiết khấu bằng 0 đồng là không bình đẳng.
"Doanh nghiệp bán lẻ là ở cuối chuỗi cung ứng, chúng tôi không thể đưa ra hoặc tự quyết định được mức chiết khấu cho mình, mà phải trông chờ vào sự "hào sảng" của doanh nghiệp đầu mối có chia sẻ hay không?"- bà Nguyễn Thị Bích Hường nêu bất cập.
Trước các thông tin cửa hàng xăng dầu "găm" hàng chờ tăng giá, bà Nguyễn Thị Bích Hường khẳng định "chúng tôi không "găm" hàng, chúng tôi "găm" thì chúng tôi thiệt hại nhiều hơn".
Hội nghị có sự tham dự của đại diện Bộ Công Thương, đại diện Tổng cục Quản lý thị trường để lắng nghe các phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu.
Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng với vấn đề chiết khấu thấp như hiện nay, các doanh nghiệp bán lẻ với các doanh nghiệp đầu mối cần có đàm phán, chia sẻ với nhau trong thời điểm khó khăn.
Ông Tuấn nhấn mạnh có thời điểm doanh nghiệp đầu mối chiết khấu cao hơn, nhưng đây là thời điểm khó khăn chung trong toàn hệ thống, do đó các doanh nghiệp cần bắt tay, chia sẻ với nhau trong giai đoạn này.