Theo tạp chí Time, ông Sylvain Hugel là một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về loài dế. Bởi vậy khi nhận được thư mời xác định giống loài dế ở Madagascar để nuôi làm thực phẩm cho người ăn, vị chuyên gia người Pháp này đã đáp lại đầy phũ phàng: “Tôi muốn bảo vệ chúng chứ không phải ăn chúng”.
Thế nhưng, liên tiếp những bức thư điện tử sau đó đến từ chuyên gia về loài kiến, ông Brian Fisher tại Viện hàn lâm California đã khiến Hugel nhận ra câu chuyện không đơn giản. Gần 80% rừng ở Madagascar đã bị người dân nơi đây chặt bỏ kể từ thập niên 1950 và khoảng 1-2% tiếp tục bị tàn phá hàng năm để dành chỗ cho chăn nuôi. Theo Fisher, cách duy nhất để ngăn chặn tình trạng này là tìm kiếm nguồn thực phẩm mới cho người dân để hạn chế chăn nuôi-phá rừng.
“Nếu ông muốn tiếp tục nghiên cứu loài dế thì hãy đảm bảo an ninh lương thực cho nhân loại trước đã, bằng không thì chẳng còn rừng nào mà nghiên cứu nữa đâu”, Fisher viết trong thư gửi Hugel.
Giải pháp mà Fisher đưa ra là hãy dùng nguồn thực phẩm-protein từ chính loài bọ. Hiện hơn 2/3 người dân Madagascar đã ăn bọ như một kiểu đồ ăn vặt và nếu biến chúng thành một nguồn cung thực phẩm chủ chốt thì vấn đề chặt rừng làm chăn nuôi sẽ được giải quyết.
Loài dế hoàn toàn có thể trở thành thực phẩm chính bởi chúng chứa nhiều Protein, sắt và Vitamin B12. Tuy nhiên rào cản tâm lý với loại thức ăn mới này rất lớn khi không phải ai cũng muốn ăn bọ để cứu môi trường. Bản thân chuyên gia Hugel cũng đã phải mất đến 3 lần thử mới dám nuốt ăn thức ăn dế.
“Điều đó đã làm thay đổi cuộc đời tôi”, ông Hugel cười nhớ lại tình cảnh mình cố gắng nuốt một con dế 3 năm trước.
Giờ đây bột dế hay những thực phẩm từ loài này đã trở thành nguồn dinh dưỡng chính của Hugel hàng ngày. Ông có thể pha bột dế với sữa chua hoặc chiên dế lên cho bữa phụ.
“Chẳng có cách nào để cứu những cánh rừng mà bỏ mặc người dân sống gần đó cả, điều này có nghĩa là chúng ta phải đảm bảo an ninh lương thực cho người dân rồi mới có thể nói đến chuyện bảo vệ môi trường”, ông Hugel thừa nhận.
Giải pháp 6 chân
Theo Tổ chức nông lương quốc tế (FAO), ngành nông nghiệp sẽ phải nâng sản lượng thêm 70% thì mới đáp ứng được đủ nhu cầu thế giới vào năm 2050, qua đó nuôi sống khoảng 9,1 tỷ người. Thế nhưng đây lại là ngành tàn phá thiên nhiên mạnh nhất khi đang khiến 86% của 28.000 sinh vật trên toàn cầu đối mặt nạn diệt chủng.
Đặc biệt, nhu cầu chăn nuôi để phát triển nguồn cung Protein từ thịt càng khiến môi trường bị hủy hoại nhiều hơn. Khoảng 80% số đất trang trại hiện nay được dùng cho việc chăn nuôi, trong khi chúng chỉ đóng góp 18% tổng lượng Calorie tiêu thụ của loài người.
Bởi vậy tổ chức FAO khuyến nghị người dân nên tìm kiếm những nguồn Protein khác thân thiện với môi trường hơn như loài bọ. Theo FAO, những loài như châu chấu, dế và sâu bột (Mealworm) có giàu Protein hay những khoáng chất bao gồm sắt, kẽm, đồng, magie hơn cả thịt bò.
Thêm nữa, việc chăn nuôi các loài bọ tốn ít đất đai, nguồn nước và thức ăn hơn so với những động vật thông thường. Đặc biệt, tiến trình chăn nuôi bọ thải ít khi thải nhà kính ra môi trường hơn nhiều. Ngoài ra chất thải của bọ có thể dùng làm phân bón cho đất chứ không gây ô nhiễm như chất thải của bò.
Bà Agnes Kalibata, chuyên gia đặc trách của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres trong Hội thảo FSS năm 2021 đã nhấn mạnh việc chăn nuôi bọ làm nguồn thức ăn sẽ giúp chống biến đổi khí hậu, hủy diệt giống loài và nạn đói-suy dinh dưỡng hiện nay.
Trong khi 2 tỷ người tại Châu Phi, Châu Mỹ Latinh và Châu Á đã từng ăn bọ thì loại thực phẩm này vẫn bị coi là thứ gì đó ghê tởm ở Châu Âu lẫn Bắc Mỹ. Thế nhưng mọi chuyện đang dần thay đổi. Chuỗi siêu thị Loblaw của Canada đã bắt đầu bán bột dế từ năm 2018 trong khi Liên minh Châu Âu (EU) đã công nhận sâu bột vàng là an toàn cho người sử dụng, qua đó cấp phép cho các hoạt động buôn bán.
Sản xuất sâu bột
Hãng Barclays Bank thậm chí dự đoán thị trường bột Protein từ bọ có thể đạt tới 8 tỷ USD vào năm 2030, cao hơn nhiều so với chưa đến 1 tỷ USD hiện nay. Dẫu vậy con số này vẫn còn quá nhỏ bé so với 324 tỷ USD của thị trường thịt bò.
Với một số dự đoán lạc quan hơn, con số được đưa ra là 710 tỷ USD vào năm 2026 cho ngành thực phẩm bọ.
Thay đổi tầm nhìn
Theo tờ The Guardian, loài dế có thể được coi là “thực phẩm của tương lai” khi vừa đảm bảo an ninh lương thực được cho nhân loại lại đồng thời giúp bảo vệ môi trường. Các nghiên cứu cho thấy nếu cùng 1 lượng Protein thì loài dế thải lượng khí thải nhà kính chưa đến 0,1% so với chăn nuôi bò.
Tương tự, các trang trại sẽ phải tốn 112 lít nước để sản xuất 1 gr thịt bò nhưng con số này là chưa đến 23 lít nước cho lượng Protein tương tự của loài dế. Thậm chí loài dế cũng đánh bại gà, lợn hay bất cứ động vật chăn nuôi nào về hiệu quả bảo vệ môi trường.
Trong khi đó, nghiên cứu của Edible Bug Shop thì cho thấy nếu mỗi người thay thế 1 bữa cơm thịt hàng tuần bằng thực phẩm bọ thì con người có thể tiết kiệm được 100.000 lít nước mỗi năm.
Tuy nhiên việc tiêu thụ thực phẩm từ bọ không hề dễ dàng. Một trong những thách thức là giá cả còn quá cao, điều hiển nhiên cho những công nghệ mới. Theo trang Feed Navigator, sản lượng Protein từ bọ hiện nay trên toàn cầu vào khoảng 10.000 tấn với mức giá dao động 4.250-6.066 USD/tấn, cao hơn khá nhiều so với những thực phẩm truyền thống khác.
Bột, dầu và phân bón làm từ bọ
Dẫu vậy với sự đầu tư về công nghệ và mở rộng sản xuất, mức giá của Protein từ bọ có thể hạ dần trong thời gian tới. Tại Pháp, hãng Ynsect đã đầu tư tới 225 triệu USD để mở trang trại nuôi bọ lớn nhất thế giới ở Amiens, dự kiến tổng sản lượng nơi này sẽ đạt 100.000 tấn Protein mỗi năm.
Tại Anh, hãng Entocycle đã nhận được 10 triệu Bảng hỗ trợ từ chính phủ để xây dựng nông trại nuôi ruồi đen ở ngoại ô London.
Tại Thái Lan, chính phủ cũng đang hỗ trợ tài chính cho hơn 20.000 trang trại nuôi dế để làm nguồn lương thực thay thế.
Bên cạnh đó, khó khăn về tâm lý của người tiêu dùng cũng là một cản trở, thế nhưng tình hình cũng đã dần thay đổi khi mọi người bắt đầu chú ý đến bảo vệ môi trường nhiều hơn.
Ngoài ra, tờ Time nhận định thói quen tiêu dùng có thể thay đổi và không hề cố định như chúng ta tưởng. Cách đây 500 năm, người Italy còn tưởng cà chua là thứ quả có độc. Vào thập niên 1800, người Mỹ vẫn coi tôm hùm là thực phẩm rác và chỉ làm thức ăn cho tù nhân hoặc dùng để bón cây. Cách đây 50 năm, không có nhiều nền văn minh thích ăn cá sống nhưng giờ sushi của Nhật Bản lại đang là thực phẩm phổ biến.
“Nếu chúng ta không thể tìm kiếm một giải pháp cho những loài bọ thì thế giới cuối cùng cũng sẽ đi đến sự diệt vong. Nhưng nếu chúng ta có hướng đi mới thì cả 2 giống loài, nhân loại lẫn loài bọ đều có thể tồn tại”, Giáo sư Monica Ayieko hiện đang nghiên cứu tại Kenya nói.
*Nguồn: Time, The Guardian...
Xem thêm: nhc.90114210212902202-gnourt-iom-auc-nahc-6-hnit-uuc-iv-ed-iaol/nv.fefac