Đoàn 71 lao động Việt được bàn giao, di chuyển vào trạm cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh - Ảnh: CHÂU TUẤN
Đại sứ Nguyễn Huy Tăng nhận định: Tình hình lao động nước ngoài, trong đó có người Việt Nam, làm việc trái phép tại Campuchia đang là vấn đề nhức nhối. Tại Campuchia, hệ thống các cơ sở game online, sòng bài của người Hoa ở rất nhiều nơi.
Gần như tỉnh nào giáp biên giới với chúng ta cũng có những điểm chơi game online hoặc đánh bạc. Họ lôi kéo lao động của chúng ta.
Một số cò mồi thường đưa lên mạng chiêu trò sang Campuchia làm "việc nhẹ lương cao", chỉ cần biết đánh máy vi tính có thể có việc làm lương từ 700 đến 1.000 USD, thậm chí trên 1.000 USD.
Trước các chiêu trò đó, người lao động của ta, đặc biệt con em vùng sâu vùng xa, ít có thông tin, nhẹ dạ, cả tin nghe theo lời dụ dỗ đó. Các cò mồi trên mạng hướng dẫn cả đường đi thế nào.
Nạn nhân thường bị đưa đến vùng xa, ở cơ sở trọ tạm rồi tìm cách đưa sang biên giới bất hợp pháp. Khi sang Campuchia, con em chúng ta bị đưa vào các cơ sở game online, sòng bài.
Trên thực tế, các cháu bị cưỡng bức lao động vất vả, nặng nhọc. Lương thì không được như hứa hẹn. Thậm chí nếu làm việc không chăm chỉ còn bị đánh đập, hành hung.
Nếu trường hợp nào muốn ra khỏi đó thì họ buộc phải đưa tiền chuộc mới thả người. Có trường hợp mất 60 - 70 triệu đồng cũng không nhận được người. Có trường hợp chuyển tiền xong thì mất hút.
Gần 500 công dân được giải cứu
* Các cơ quan ngoại giao của chúng ta ở Campuchia đã làm gì để bảo hộ, giúp đỡ công dân của mình, thưa ông?
- Trước tình hình đó, sứ quán và các tổng lãnh sự Việt Nam tại Campuchia cũng đã vào cuộc, phối hợp với cơ quan chức năng của nước bạn tiến hành các cuộc giải cứu, đưa công dân về nước an toàn.
Cụ thể, với những trường hợp có thông tin chính xác, ta đề nghị cảnh sát Campuchia hỗ trợ giải cứu. Chỉ riêng sáu tháng đầu năm nay đã có gần 500 công dân của chúng ta được giải cứu khỏi các cơ sở lao động bất hợp pháp. Những tháng gần đây, số người được giải cứu còn nhiều hơn.
Đặc biệt, mới đây là vụ 60 người tại sòng bài ở cửa khẩu Bavet - Mộc Bài (Tây Ninh) tháo chạy khỏi cơ sở đánh bạc của một người Hoa ở khu vực gần cửa khẩu.
Trong vụ đó, có bốn người bị bắt lại. Chúng ta đã đề nghị cảnh sát nước bạn tiếp tục truy tìm và làm việc với công ty đó, yêu cầu họ thả người. Từ đó, những người bị bắt lại đã được giải cứu, nâng tổng số người thoát khỏi cơ sở giam giữ lao động trái phép đó lên 71 người.
* Ông đánh giá thế nào về việc phối hợp. Chúng ta có nhận được sự hỗ trợ hiệu quả từ phía bạn không, thưa đại sứ?
- Các cơ quan chức năng của Campuchia đã hỗ trợ nhiệt tình và hiệu quả trong vấn đề giải cứu lao động Việt Nam bị đưa sang làm việc trái phép ở Campuchia. Không chỉ trong các hoạt động giải cứu mà còn liên quan đến hoàn thiện các thủ tục đưa công dân Việt Nam về nước, hay tạo điều kiện ăn ở tại Campuchia trong thời gian chờ đưa các lao động về lại Việt Nam.
* Tuy nhiên, theo các thông tin mà chúng tôi có được, vẫn còn nhiều lao động Việt Nam chưa được giải cứu khỏi các cơ sở trái phép đó?
- Cho đến nay vẫn không thể thống kê được bao nhiêu lao động Việt Nam hiện đang làm việc trái phép tại các cơ sở sòng bài, game online ở Campuchia. Có thông tin con số đó lên đến hàng nghìn người. Chúng tôi vẫn tiếp tục thu thập thông tin để tiến hành các bước hỗ trợ công dân của mình.
* Qua thực tế chúng tôi thấy để tiếp cận với các điểm giam giữ lao động trái phép này rất khó khăn. Chúng ta có gặp trở ngại nhiều không?
- Khó khăn lớn nhất là các địa điểm đó đều được xây kín cổng cao tường. Việc ra vào những nơi này là vô cùng khó. Ngay cả cảnh sát sở tại muốn vào các điểm này đều phải có lý do chính đáng, thông tin chính xác. Bởi không thể tùy tiện mà vào khám xét chỗ làm ăn của họ.
Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Huy Tăng
Có sự tiếp tay của người trong nước
* Trong nhiều vụ việc, các nạn nhân khai báo họ bị dụ dỗ, lừa gạt sang Campuchia cũng từ các đối tượng trong nước?
- Không loại trừ khả năng tiếp tay cho nạn buôn bán người là các đối tượng trong nước. Họ mồi chài nạn nhân trẻ, thiếu hiểu biết để đưa sang Campuchia bán lại cho các đối tượng khác.
* Theo ông, để ngăn ngừa tình trạng trên có cần sự phối hợp đồng bộ, trong đó có các tổ chức tài chính, bởi việc chuyển tiền qua lại cho các đối tượng lừa đảo qua mạng thông qua các định chế tài chính trong nước?
- Vấn đề này cũng cần được rà soát, kiểm tra tới nơi tới chốn. Còn vấn đề các giải pháp đồng bộ để đối phó với tình trạng buôn người cần có sự quyết liệt của các cơ quan chức năng, từ việc kiểm soát biên giới cho đến giáo dục con em chúng ta đừng tin vào chiêu trò dụ dỗ "việc nhẹ lương cao".
Thời gian qua, các cơ quan truyền thông, truyền hình, báo chí, trong đó có báo Tuổi Trẻ, đã đưa thông tin thực chất của "việc nhẹ lương cao" để lao động, đặc biệt là các bạn trẻ trong nước, hiểu và cảnh giác. Từ đó, họ có thể tránh bị lừa rồi trở thành nạn nhân của bọn buôn người.
* Các nạn nhân không chỉ là công dân Việt Nam mà còn có lao động ở nhiều nước khác như Trung Quốc, Thái Lan, Philippines, Indonesia, Malaysia..., ông có nghĩ rằng về lâu dài cần có sự phối hợp giữa các nước?
- Thời gian qua, không chỉ Việt Nam mà còn nhiều nước có công dân bị lừa lao động trái phép tại Campuchia. Các tổ chức quốc tế cũng đã lên tiếng mạnh mẽ tình trạng trên.
Tôi cho rằng để giải quyết vấn đề hiệu quả, cần thiết có sự phối hợp chung giữa các quốc gia, thậm chí cần thiết có nghị quyết của Liên Hiệp Quốc để các quốc gia cương quyết hơn trong đấu tranh, chấm dứt tình trạng buôn người.
Đồng thời, các quốc gia có người lao động lâu nay bị bán phải tăng cường các biện pháp nghiệp vụ để kiểm soát công dân, không để người lao động đi các nước bất hợp pháp như thời gian qua.
Nhận bàn giao 92 người làm "việc nhẹ lương cao"
Sáng 21-9 tại cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh), cảnh sát Campuchia đã bàn giao 71 lao động trong vụ tháo chạy khỏi casino cho trạm biên phòng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài.
Đại tá Đinh Viết Bình - phó chỉ huy trưởng nghiệp vụ Bộ đội biên phòng tỉnh Tây Ninh - cho biết thêm trong ngày 21-9, lực lượng công an tỉnh Svay Rieng đã tiến hành bàn giao 92 công dân Việt Nam cho Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, trong đó có 71 người liên quan trong vụ tháo chạy khỏi casino ở Bavet vào chiều 17-9.
Lực lượng biên phòng và Công an tỉnh Tây Ninh đang tiếp tục điều tra, xác minh nhân thân số công dân đã được bàn giao để tiến hành xử lý theo quy định pháp luật.
"Chúng tôi sẽ trao đổi để tiếp tục quản lý số công dân sau khi trao trả họ về với địa phương. Đồng thời tuyên truyền rộng rãi để những người có ý định xuất cảnh trái phép, làm việc tại các công ty không hợp pháp ở Campuchia biết mà tránh hệ lụy cho gia đình, bản thân", đại tá Bình nhấn mạnh. (CHÂU TUẤN - ĐAN THUẦN)
TTO - Quốc vụ khanh kiêm người phát ngôn Bộ Nội vụ Campuchia, Đại tướng Khieu Sopheak, thông báo cảnh sát đã bắt giữ nhiều nghi phạm liên quan đến buôn bán người vào sáng 26-8 tại thành phố Sihanoukville, tỉnh Preah Sihanouk.
Xem thêm: mth.52955822212902202-gnod-oal-uuc-iaig-iougn-noub-nan-ev-ion-aihcupmac-o-man-teiv-us-iad/nv.ertiout