Tác phẩm Phố của họa sĩ Lê Văn Thìn
Tôi nhiều lần quan sát anh làm việc. Cái cách anh cặm cụi nâng nhấc những tấm vóc to nặng, cách anh đăm chiêu ngắm tranh hay sôi nổi nói về ý tưởng... Người họa sĩ này từ thơ ấu hiền lành tếu táo mà bỗng chốc trở nên quyết liệt đến vậy. Đã có một quá trình ưu tư âm thầm như sóng cuộn trong cái xưởng vẽ nho nhỏ ấy - nó khều cái bản năng tạo hình vẫn nằm yên trong tiềm thức, trải ra rưng rưng, sâu thẳm.
Khát vọng sơn mài Việt
Làm sao tranh sơn mài Việt phải là độc đáo và có tầm vóc xứng đáng. Đây là tâm huyết của tất cả các họa sĩ đang đẫm mình trong tình yêu sơn mài Việt. Tranh sơn mài Việt ẩn náu tâm thức của người Việt. Thế hệ những người khai sinh ra nó đã đóng dấu ấn đậm đà cho tâm thức Việt trong tranh sơn mài.
Lê Văn Thìn vẽ nhiều. Anh lao động cật lực và nghĩ ngợi nhiều. Anh tâm sự "Anh như được bừng tỉnh, khi ngộ ra, chỉ tình yêu và cảm xúc là có thể tạo nên cái riêng và cái đẹp". Điều này thì không mới. Nhưng thấm cảm nó đến tâm can và chuyển hóa được vào tranh lại là một cuộc trường chinh gian nan lắm. Không nhiều người làm được.
Khi xem tranh của Thìn, tôi thường cảm động trước tiên vì sự chân thật của thể tạng anh hiện lên trong tranh. Có bao nhiêu là có bấy nhiêu. Không hề gắng gỏi gồng mình, cho nên đẹp. Phong cách của Lê Văn Thìn không hình thành từ những vỏ sò vỏ hến mà anh đã tung tẩy rất điệu nghệ. Mà nó là tâm tình của anh, là thể tạng anh hòa vào một cách mềm mại và rõ ràng bên trong những chất liệu cứng cỏi, khó bảo ấy.
Kỹ thuật thường được phát sinh từ cảm xúc. Ai cũng biết vậy. Nhưng nếu không tự do thì bao nhiêu ràng buộc sẽ níu giữ sáng tạo, làm sao có thể nảy sinh ra kỹ thuật riêng. Kỹ thuật và ưu tư nhập vào trong nhau làm cho nhuần nhuyễn cử động nghề nghiệp, nhất nhất từ trong ra ngoài như là hơi thở - rực rỡ lồ lộ, ẩn dụ kín đáo cùng một lần phô diễn. Rồi ra, nó chẳng phải chỉ của riêng mình.
Băn khoăn với truyền thống, băn khoăn với hiện đại... Những ràng buộc luôn bủa vây người vẽ. Cuộc bứt phá của mỗi cá nhân thực sự là cuộc bứt phá ra khỏi những ràng buộc - những ràng buộc tự trong nội tại.
Đến giờ nhớ lại tác phẩm tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật của Lê Văn Thìn, thấy cái thể tạng hội họa của anh đã manh nha từ đó. Cung cách hôm nay đã thay đổi rất nhiều, nhưng cử chỉ vẫn luôn là riêng biệt.
Một thời "Sơn mài trắng" của anh từng tạo nên nhiều lưu luyến cho người xem. Sau "Sơn mài trắng", Thìn vẫn kiên cường với những chất liệu cứng cỏi. Anh làm cho chúng ngày càng mềm mại. Anh làm cho tương phản cứng mềm trở thành bản sắc. Và một thứ kỹ thuật đòi hỏi gia công khá vất vả, rốt cuộc đã tự nhiên như không, nhẹ nhàng tỏa sáng.
Tác phẩm Vũ điệu của họa sĩ Lê Văn Thìn
Những mặt tranh như là gương soi
Người xem phải dừng lại lâu trước mỗi bức tranh. Những bức tranh thường rất nhiều chi tiết. Còn màu sắc và đường nét thì tung hứng như là không cần cân nhắc, nhưng lại hài hòa và chuẩn mực.
Nhóm tranh "Thị Màu" - "Thúy Vân"... có gì đấy sâu xa về nhân tình lắng lại bên trong bố cục và bên trong tạo hình xôn xao. Khả năng quản lý rất nhiều chi tiết trên một bề mặt tranh cho phép Lê Văn Thìn có thể thỏa thê thổ lộ ẩn ý của mình. "Đền Ngọc Sơn", "Phố Hà Nội", "Phố Tam Bạc" rất mới mẻ. Không cần phải tìm cách gì cả, vẽ một cách thật thà như bản thân trần trụi.
Những bức tranh này cảm động vì nó dung dị, gần gũi. Nó lại rất hấp dẫn bởi sự điệu nghệ của bút pháp và độ rung của chất liệu. Nhóm tranh "Tình Yêu" có cung bậc cảm xúc ngang bằng nhau, nhưng được âm ba với những dạng thức khác nhau. Có vẻ như nguồn cảm hứng của họa sĩ đang còn đầy đặn lắm. Có gì hạnh phúc hơn. Những mặt tranh như là gương soi. Họa sĩ, tâm tư, tình yêu và lao động.
Nhìn lại nhịp sáng tạo của họa sĩ Lê Văn Thìn thật là không ngừng nghỉ. Từ "Sơn mài trắng" duyên dáng, riêng tư đến những đứt đoạn gai góc về ký ức chiến tranh, ký ức Hà Nội. Bây giờ thì lắng vào vẻ đẹp bên trong, vào với ưu tư, với những âm ba ngẫm ngợi.
Vẫn là vỏ sò vỏ ốc mà luôn luôn mới. Bao nhiêu nhọc nhằn mà luôn luôn được kết thúc một cách nhẹ nhàng. Như vậy thời gian tuổi người không mất. Gồ ghề, mịn màng, hồn nhiên và chuẩn mực - Nhịp riêng, khúc ca riêng, kỷ niệm riêng.
Tôi không ngợi ca, nhưng trên cái nền tranh sơn mài của đất nước, hiện lên được những nhân cách hội họa rõ nét và độc đáo thì mừng rỡ. Lê Văn Thìn đã bước vào cái khoảng riêng của anh một cách say sưa và chắc chắn. Tôi tin tâm trạng người xem tranh Lê Văn Thìn sẽ nhẹ nhõm và phấn chấn như được cổ vũ, như được truyền thêm năng lượng.
Trở lại với tâm thức sơn mài Việt, có lẽ không cần phải băn khoăn nhiều, bởi vì đã có nhiều họa sĩ đang làm việc hết mình. Nhiều tư chất đã được hình thành hoặc đang được tự khai phá.
Họa sĩ Lê Văn Thìn tốt nghiệp hệ sơ trung 7 năm và hệ đại học 5 năm (chuyên khoa sơn mài) của Trường đại học Mỹ thuật Hà Nội. Vào chiến trường năm 1972, anh là cán bộ Ban tuyên huấn Khu 5 cho đến ngày hòa bình.
Anh là họa sĩ nổi tiếng về cách tân trong tranh sơn mài, đã thành công với việc đưa các vật liệu rất cứng là vỏ sò, ốc, hến lên mặt tranh. Giữ vững kỹ thuật sơn mài truyền thống và say sưa tìm tòi cách thể hiện mới là phong cách đã tạo nên tên tuổi của anh trong giới mỹ thuật.
Sau vài chục lần tham gia triển lãm nhóm, tháng 9 năm nay tại Hà Nội, anh vừa tổ chức triển lãm cá nhân lần thứ 2 trong sự nghiệp, trình bày 25 tác phẩm sơn mài mới nhất của mình.
TTO - Gần 20 năm miệt mài sáng tạo với sơn mài, họa sĩ Trần Ngọc Hưng luôn khao khát đi đến tận cùng giá trị nghệ thuật của chất liệu truyền thống này, góp phần làm phong phú cho bảng màu của sơn mài và gìn giữ những giá trị văn hóa Việt.
Xem thêm: mth.83781839022902202-gneir-iam-nos-gnoig-tom-niht-nav-el-is-aoh/nv.ertiout