Cụ thể hóa những vấn đề đã chín, đã rõ
Sáng 22/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Phát biểu gợi ý thêm một số nội dung thảo luận tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định việc xây dựng, hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là nhiệm vụ trọng tâm của công tác pháp luật trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Theo Chủ tịch Quốc hội, kết quả cuối cùng của quá trình xây dựng, thông qua Luật Đất đai là ví dụ sinh động nhất để đánh giá năng lực xây dựng pháp luật của Chính phủ, Quốc hội, các tổ chức, cơ quan hữu quan, đánh giá năng lực thể chế hóa chủ trương của Đảng vào chính sách, pháp luật của Nhà nước; đánh giá năng lực kiến tạo phát triển; năng lực tháo gỡ vướng mắc khó khăn trước đây và không phát sinh khó khăn, vướng mắc mới; năng lực thể hiện tính công khai, minh bạch trong xây dựng pháp luật; cũng là ví dụ sinh động nhất thể hiện chúng ta thực hiện tốt chủ trương của Trung ương, Đảng trong việc chống tiêu cực, cài cắm lợi ích trong công tác xây dựng pháp luật.
Từ điều này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh trách nhiệm của các cơ quan trong quá trình xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi).
“Như Tổng Bí thư từng nói giàu lên vì đất, nghèo đi cũng vì đất. Tranh chấp khiếu kiện, khiếu nại chiếm 60 - 70% là vì đất đai. Mất tình làng nghĩa xóm, tình anh em trong nhà cũng vì đất đai. Thậm chí tham nhũng, đi tù, đi tội cũng vì đất đai…”, Chủ tịch Quốc hội cho biết.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, trong quá trình sửa đổi luật, phải bám sát chủ trương của Đảng trong Nghị quyết 18. Từ chủ trương đó thể chế hóa bằng quy phạm pháp luật, chứ không nhắc lại tinh thần và lời văn của Nghị quyết.
“Những vấn đề đặt ra nhưng chưa đủ độ chín, chưa đúng với tinh thần nghị quyết Trung ương tuyệt đối không đưa vào dự thảo luật, mà chỉ cụ thể hóa những vấn đề đã chín, đã đủ rõ và có quyết sách của Trung ương”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Bảo đảm tính độc lập, khách quan, trung thực trong xác định giá đất
Về vấn đề giá đất và cơ chế tài chính về đất đai, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh đây là vấn đề khó nhất, quy định làm sao để vận hành trong thực tế. Việc bỏ khung giá đất nhưng vẫn có bảng giá đất, vai trò của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, cơ quan tham mưu, cơ quan tư vấn trong việc định giá đất như thế nào… cần được xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng.
Trước đó trình bày báo thẩm tra dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết Thường trực Uỷ ban Kinh tế cho rằng để bảo đảm tính độc lập, khách quan, trung thực trong xác định giá đất, cần quy định việc thuê tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất là bắt buộc. Thành viên Hội đồng thẩm định giá đất phải là các chuyên gia, cơ quan chuyên môn có liên quan đến hoạt động định giá đất, bảo đảm tính độc lập với cơ quan có thẩm quyền quyết định giá đất cụ thể.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh
Trong khi đó, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị lưu ý về đấu giá đất sạch bởi theo khoản 3 Điều 66 dự thảo Luật quy định theo Luật Đấu giá tài sản, tuy nhiên Luật Đấu giá tài sản cũng chưa quy định cụ thể. Do đó, cần quy định rõ ở trong luật này để bảo đảm việc đấu giá tường minh hơn.
Ông Cường cũng cho rằng không nên quy định bắt buộc mà quy định theo hướng khuyến khích việc giao dịch quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thông qua sàn giao dịch bất động sản.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.68032822122902202-tahn-ohk-ed-nav-al-tad-aig-ioh-couq-hcit-uhc/et-hnik/nv.vtv