Vào ngày 1-9, Hải quân Iran đã bắt giữ trong thời gian ngắn hai tàu mặt nước không người lái của Hải quân Mỹ ở Biển Đỏ, thành công trong nỗ lực thứ hai nhằm bắt một phương tiện không người lái của Mỹ trong vòng một tuần.
Vào ngày 4-9, chỉ huy lực lượng không quân của Iran, Thiếu tướng Hamid Vahedi cho biết nước này hy vọng sẽ mua được chiến đấu cơ Su-35 của Nga trong thương vụ lớn nhất thuộc loại này của Tehran kể từ năm 1990.
Ngày hôm sau, Hải quân Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran đã ra mắt một “tàu tuần tra chiến đấu” kiểu thuyền hai thân mới được trang bị tên lửa phóng thẳng đứng – cũng là chiếc đầu tiên thuộc loại này dành cho Hải quân Iran.
Một máy bay tiếp dầu K-3 và các máy bay F-15C của Không quân Hoàng gia Saudi Arabia bay cùng với các máy bay F-15C của Không quân Mỹ vào tháng 6-2019. Ảnh: RSAF |
Theo trang Insider, những động thái trên diễn ra trong bối cảnh các nước láng giềng của Iran đang có nỗ lực tăng cường quân sự dài hơi hơn nhằm đối phó Tehran. Các nước này vẫn đang ra sức củng cố năng lực hải quân và không quân bất chấp những nỗ lực của Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm trấn an họ về sự hỗ trợ của Washington cũng như cải thiện quan hệ trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị ngày càng gay gắt.
Sức mạnh trên không vượt trội
Nguồn tài nguyên dầu mỏ khổng lồ của Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã cho phép họ trở thành hai quốc gia chi tiêu quốc phòng hàng đầu ở Trung Đông và Bắc Phi, và mối quan hệ của họ với Mỹ và châu Âu cho phép họ tiếp cận các chiến đấu cơ tốt nhất trên thị trường.
Sức mạnh cốt lõi của Không quân Hoàng gia Saudi Arabia (RSAF) là 232 chiếc F-15 Eagle, ít nhất 84 chiếc trong số đó là biến thể F-15SA được thiết kế riêng cho nước này. RSAF cũng vận hành 71 chiến đấu cơ Eurofighter Typhoon và 66 máy bay tấn công Panavia Tornado.
Saudi Arabia đang nâng cấp các máy bay F-15 của mình và vào tháng 11, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê duyệt việc bán 280 tên lửa không đối không AIM-120C với giá 650 triệu USD cho Riyadh.
Máy bay của Saudi Arabia tiếp tục đóng vai trò chính trong chiến dịch quân sự của Riyadh ở Yemen. Các hoạt động của họ đã khiến lực lượng Houthi không chiếm được lãnh thổ quan trọng và ngăn chặn các máy bay không người lái (UAV) và tên lửa của Houthi tấn công Saudi Arabia, nhưng các cuộc không kích của Saudi Arabia, thường được tiến hành với sự hỗ trợ của Mỹ, vẫn tiếp tục làm chết dân thường.
Một chiếc F-16 của UAE chuẩn bị kết nối với máy bay tiếp dầu KC-10 của Không quân Mỹ vào tháng 8 năm 2019. Ảnh: US AIR FORCE |
Không quân của UAE nhỏ hơn nhưng cũng mạnh mẽ, bao gồm 78 chiếc F-16 và 49 chiếc Mirage 2000 được sử dụng cho các hoạt động tác chiến và tấn công mặt đất.
Trong năm qua, UAE cho biết họ sẽ mua 80 chiếc Dassault Rafales do Pháp sản xuất và 12 chiếc máy bay huấn luyện phản lực Hongdu L-15 do Trung Quốc sản xuất, với tùy chọn thêm 36 chiếc. UAE cũng được cho là đang đàm phán với công ty Baykar của Thổ Nhĩ Kỳ về 120 UAV Bayraktar TB2.
Những đội tàu hiện đại
Các tàu chiến đấu chính của hải quân Saudi Arabia là 3 khinh hạm lớp Al Riyadh, 4 khinh hạm lớp Al Madinah, 4 tàu hộ tống lớp Badr và 9 tàu tuần tra lớp Al Siddiq. Lực lượng chiến đấu của UAE bao gồm các tàu nhỏ hơn: 6 tàu hộ tống lớp Baynunah và 1 tàu hộ tống lớp Abu Dhabi cùng 36 tàu tuần tra.
Tàu hộ tống HMS Badr của Lực lượng Hải quân Hoàng gia Saudi Arabia tại Vịnh Ba Tư vào tháng 12-2020. Ảnh: US NAVY |
Cả hai lực lượng hải quân đều có kế hoạch mở rộng và hiện đại hóa.
Năm 2017, Riyadh đã ký hợp đồng với Lockheed Martin về 4 tàu chiến mặt nước đa nhiệm vụ, một biến thể của tàu tác chiến ven bờ lớp Freedom của Hải quân Mỹ. Saudi Arabia cũng đã nhận được 2 trong số 5 tàu hộ tống lớp Al Jubail do Tây Ban Nha chế tạo mà họ đặt hàng vào năm 2018. Ba chiếc cuối cùng dự kiến sẽ được giao vào năm 2024. Saudi Arabia cũng đã đặt hàng 39 tàu đánh chặn HSI32 từ Tập đoàn đóng tàu Pháp CMN.
Trong khi đó, UAE đã đặt hàng 2 tàu hộ tống lớp Gowind 2500 từ Tập đoàn Marine của Pháp vào năm 2019. Tàu hộ tống đầu tiên được hạ thủy vào tháng 12 và chiếc thứ hai vào tháng 5.
Ngoài việc đảm bảo vùng biển của mình, hải quân Saudi Arabia và UAE đều cử tàu tới hỗ trợ phong tỏa Yemen.
Tàu hộ tống lớp Baynunah đầu tiên do UAE đặt hàng hạ thủy lần đầu tiên tại Cherbourg ở Pháp vào tháng 6-2009. Ảnh: AFP |
Các mối đe dọa gia tăng, những ưu tiên và hoạt động mua sắm
Mặc dù khoe tàu chiến mới và công bố kế hoạch mua thêm chiến đấu cơ, Tehran đã điều chỉnh lại cấu trúc quốc phòng của mình trong những năm gần đây.
Bị hạn chế bởi các lệnh trừng phạt và nền tảng công nghiệp hạn chế, Iran hầu như không thể chế tạo và trang bị các khí tài quân sự tiên tiến. Nước này đã chuyển từ cố gắng đối chọi với các khả năng thông thường của đối thủ sang tập trung vào những thứ như phát triển tên lửa và UAV.
“Họ (Iran) đã ‘nhảy cóc’ qua hàng loạt thứ mà họ không giỏi và tập trung vào những thứ mà họ khá giỏi ở thời điểm hiện tại” – ông Michael Knights, một chuyên gia về các vấn đề quân sự và an ninh của các nước vùng Vịnh Ba Tư tại Viện Chính sách Cận Đông của Washington, nói với Insider.
Kho vũ khí tên lửa của Iran là lớn nhất ở Trung Đông và có khả năng khá lớn, tương tự phi đội UAV của nước này.
Hàng trăm cuộc tấn công bằng tên lửa và UAV sử dụng phần cứng do Iran sản xuất đã được thực hiện nhằm vào Saudi Arabia và UAE từ Yemen và Iran kể từ năm 2015. Vào tháng 1-2020, Iran đã phóng hơn một chục tên lửa đạn đạo vào các căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq sau vụ Mỹ ám sát Tướng Qassem Soleimani.
Iran được cho là đã cung cấp UAV cho Moscow khi quân đội Nga đang chiến đấu ở Ukraine. Vào giữa tháng 9, Ukraine cho biết họ đã lần đầu tiên phá hủy một UAV của Iran đang được quân đội Nga sử dụng.
Nước Cộng hòa Hồi giáo cũng đã phát triển các hệ thống phòng không có khả năng bảo vệ hiệu quả lãnh thổ của mình.
Tuy nhiên, các vũ khí tiên tiến hiện được Iran và các nước láng giềng trang bị cùng với những đường biên giới thắt ngặt của khu vực Vùng Vịnh, đồng nghĩa với việc bất kỳ cuộc xung đột nào cũng sẽ có tổn thất nặng nề cho cả hai bên.
“Các quốc gia vùng Vịnh và Iran có thể sẽ gây ra nhiều thiệt hại cho nhau từ rất sớm trong một cuộc chiến. Cả hai bên sẽ mất lực lượng hải quân rất nhanh” - ông Knights nói.
Các binh sĩ và phóng viên Mỹ kiểm tra thiệt hại của căn cứ Al Asad ở Iraq sau khi nó bị trúng tên lửa của Iran. Ảnh: AP |
Do đó, Saudi Arabia và UAE đang chú trọng hơn vào việc phát triển các hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa. Cả hai nước cũng đang đầu tư vào hệ thống không người lái.
Hai nước đang làm việc để tích hợp và kết nối các UAV và hệ thống của họ với nhau, với sự hỗ trợ của Mỹ, đồng thời đã tham gia hoặc tổ chức nhiều cuộc tập trận liên quan UAV, bao gồm cả Cuộc tập trận Hàng hải Quốc tế (IMX) do Mỹ dẫn đầu năm nay, được xem là cuộc tập trận về các hệ thống không người lái lớn nhất trên thế giới.
IMX 2022 cũng là lần đầu tiên Israel và Saudi Arabia, hai nước không có quan hệ ngoại giao, chính thức tham gia một cuộc tập trận cùng nhau.
Saudi Arabia và UAE đã xoay sang các ngành công nghiệp quốc phòng đang phát triển của họ để chế tạo loại vũ khí đó, nhưng chính quyền ông Biden - vốn đã đóng băng việc bán vũ khí cho Saudi Arabia từ khi nhậm chức vì những lo ngại về nhân quyền liên quan cuộc chiến ở Yemen - hiện có vẻ sẵn sàng bổ sung cho các kho vũ khí của Saudi Arabia và UAE như một phần nỗ lực cải thiện quan hệ với các nước này.
Chỉ vài tuần sau chuyến thăm Trung Đông vào tháng 7-2021, ông Biden đã thông qua thương vụ bán vũ khí trị giá 5 tỉ USD bao gồm 300 tên lửa đánh chặn Patriot cho Saudi Arabia và 2 hệ thống Phòng thủ Khu vực Tầm cao Giai đoạn cuối (THAD) với 96 tên lửa đánh chặn cho UAE.
Ông Knights cho biết Iran đang “trong một trò chơi hủy diệt đôi bên được đảm bảo” với Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC), bao gồm Saudi Arabia và UAE, “khi nói đến việc mất cơ sở hạ tầng quan trọng”.
“Nhưng nếu các xu hướng về chống tên lửa và chống UAV tiếp tục di chuyển theo hướng chúng đang di chuyển vào thời điểm hiện tại, GCC có thể chuẩn bị tốt hơn để tự vệ trước người Iran, và đó là một sự phá vỡ xu hướng đáng chú ý” - ông nói thêm.