Ngày 21/9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có chỉ đạo theo dõi, bám sát tình hình, bảo đảm an ninh lương thực, hiệu quả công tác điều hành xuất khẩu gạo, ổn định thị trường giá cả lúa gạo và lợi ích người nông dân sau thông tin Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo ra các nước.
Công văn nêu rõ việc Tổng cục Ngoại thương Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu đối với mặt hàng gạo tấm (có hiệu lực từ sau ngày 15/9/2022). Đồng thời, Ấn Độ cũng áp thuế xuất khẩu 20% đối với các mặt hàng gạo trắng và gạo lứt.
Theo Reuters, Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, quyết định áp thuế đối với một số loại gạo xuất khẩu để đảm bảo nguồn cung trong nước do sản lượng giảm. Động thái này được dự báo có thể gây xáo trộn thị trường lương thực toàn cầu và làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát lương thực.
Trong khi đó, lượng xuất khẩu gạo Ấn Độ chiếm đến 40% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn cầu, hơn tổng sản lượng 4 nhà xuất khẩu lớn khác: Thái Lan, Việt Nam, Pakistan, Mỹ.
Tại Việt Nam, trong tháng 8, xuất khẩu 718.081 tấn gạo, tương đương 339,56 triệu USD, giá trung bình 472,9 USD/tấn, tăng 23,3% về lượng và tăng 19% kim ngạch, nhưng giá giảm nhẹ 3,4% so với tháng trước; so với tháng 8/2021 thì tăng mạnh 44,4% về lượng, tăng 40% kim ngạch nhưng giảm 3% về giá.
Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho biết, Việt Nam có thể được hưởng lợi từ cả 2 yếu tố là sản lượng xuất khẩu và giá bán tăng, nhưng đột biến là khó xảy ra. Loại gạo cạnh tranh lớn với Việt Nam và Thái Lan tại châu Á, EU và Mỹ, là gạo đồ và gạo Basmati thì không bị áp thuế.
Đối với thóc, gạo lứt và các loại trắng gạo khác trừ gạo đồ, gạo Basmati Ấn Độ áp thuế xuất khẩu 20%. Trong đó, tỷ trọng đóng góp xuất khẩu cao nhất là gạo trắng.
Theo đó KBSV cho rằng việc áp thuế sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các quốc gia nhập khẩu chính, và tác động tích cực đến các nhà xuất khẩu gạo lớn khác như Việt Nam và Thái Lan.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cũng dự báo sản lượng xuất khẩu gạo Việt Nam đạt 6,7 triệu tấn niên vụ 2021-2022 (tăng 6,7% so với niên vụ trước) và 6,8 triệu tấn (tăng 1,5%) niên vụ 2022-2023.
Tuy nhiên, loại gạo mà Ấn Độ áp thuế xuất phần lớn sang châu Phi, các quốc gia lân cận nhưng đây không phải là thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Loại gạo cạnh tranh lớn với Việt Nam và Thái Lan tại châu Á, Eu và Mỹ, Ả Rập là gạo đồ và gạo Basmati thì không bị áp thuế.
Bên cạnh đó, giá cước vận chuyển từ Việt Nam đến châu Phi cũng khá cao và việc giá VND bị mất giá ít hơn các đồng tiền của đối thủ cũng phần nào ảnh hưởng đến lợi thế cạnh tranh của gạo Việt Nam, KBSV nhận định.
Hồng Nhung