vĐồng tin tức tài chính 365

Kẽ hở khiến rau củ không an toàn được gắn mác an toàn

2022-09-23 10:07

Kẽ hở từ các nhà phân phối

Ông Lê Văn Giấy - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn 12 (tỉnh Long An) - cho rằng, quy định về trồng rau theo quy trình sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam (VietGAP) khá nghiêm ngặt. Theo đó, định kỳ ba tháng một lần, cán bộ Chi cục Trồng trọt, Chi cục Bảo vệ thực vật và Chi cục Quản lý chất lượng nông sản tỉnh sẽ đến kiểm tra đột xuất. Nếu có một mẫu rau tồn dư thuốc trừ sâu, toàn bộ số rau trong trang trại sẽ bị tiêu hủy và đơn vị trồng bị bêu tên trên trang thông tin của tỉnh. Do đó, nông dân rất ít khi vi phạm khi vào HTX.  

Thế nhưng, phía thu mua lại ít bị kiểm tra, giám sát hơn. Nhiều doanh nghiệp (DN) ký hợp đồng với HTX nhưng chỉ mua với số lượng ít, sau đó mua rau trôi nổi hoặc mua từ chợ đầu mối cho rẻ rồi trộn vào để bán thành rau đạt chuẩn VietGAP. Bởi rau đạt chuẩn VietGAP luôn có giá cao hơn 2.000-3.000 đồng/kg so với rau được trồng theo cách thông thường. “Khi ký hợp đồng mua bán, HTX cung cấp cho bên thu mua giấy chứng nhận, thông tin vùng trồng. DN thu mua dùng các giấy này để đưa hàng vào cửa hàng, siêu thị, còn nguồn hàng như thế nào thì chỉ có DN đó biết” - ông Lê Văn Giấy nói. 

Người dân đến mua hàng tại cửa hàng Bách Hóa Xanh trên đường Võ Thành Trang, Q.Tân Bình, TP.HCM - ẢNH: THANH HOA
Người dân đến mua hàng tại cửa hàng Bách Hóa Xanh trên đường Võ Thành Trang, Q.Tân Bình, TPHCM - Ảnh: Thanh Hoa

Ông Hoàng Thanh Hải - Giám đốc HTX Rau an toàn Hải Nông (TPHCM) - cho biết, có trường hợp DN ký hợp đồng cam kết bao tiêu thu mua sản phẩm dài hạn nhưng chỉ mua rau được vài lần thì không mua nữa, thậm chí khi được HTX cung cấp giấy tờ thì nhận giấy rồi im luôn. 

Theo ông Ưng Thế Lãm - Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Làm nông minh bạch 007 - nhiều siêu thị, cửa hàng chỉ chấp nhận nhập nông sản có giấy chứng nhận VietGAP, có mã QR truy xuất nguồn gốc. Từ đó, có tình trạng nhà cung cấp có vùng canh tác theo quy trình VietGAP  được cấp chứng nhận theo năm. Họ đạt chuẩn trong năm đầu và không đăng ký đánh giá, gia hạn hằng năm mà dùng giấy cũ để hợp thức hóa các sản phẩm kém chất lượng. Họ tự tạo mã QR, thậm chí chỉ in mã cho có, khi quét thì không có thông tin gì. 

Ông Đỗ Đăng Việt Trí - nguyên thành viên dự án Socodevi của một tổ chức phi lợi nhuận từ Canada - cho rằng, hiện đang có tình trạng chỉ cần trả tiền, cá nhân và tổ chức sẽ được cấp giấy chứng nhận VietGAP, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Việt Nam đang theo xu hướng nông nghiệp sạch nên có nhiều công ty làm dịch vụ hỗ trợ cấp giấy chứng nhận. Nông dân chỉ cần đăng ký tư vấn chứng nhận tại các đơn vị này, họ đánh giá quy trình sản xuất của nông dân, thay mặt nông dân thực hiện các thủ tục, hồ sơ, nhận giấy chứng nhận VietGAP rồi bàn giao cho nông dân. Nhưng chất lượng của việc đánh giá này ra sao thì không ai quản. “Theo tôi, chỉ có khoảng 10% số trang trại được cấp giấy chứng nhận VietGAP thực hiện theo đúng chuẩn quy trình sản xuất VietGAP” - ông Trí nhận định. 

Quản lý chồng chéo, lỏng lẻo

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở TPHCM, Sở Công thương chịu trách nhiệm quản lý hàng hóa lưu thông trên thị trường, Ban An toàn thực phẩm quản lý về an toàn thực phẩm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý vùng trồng. Do nông sản, thực phẩm trên thị trường TPHCM phần lớn được đưa từ các tỉnh, thành khác về nên các cơ quan chức năng ở TPHCM không thể kiểm soát được vùng trồng, quá trình sản xuất. Theo ông Lê Văn Giấy, cơ quan chức năng cần có cơ chế quản lý, giám sát tập trung vào các DN thu mua, phân phối. 

Cục Quản lý Thị trường TPHCM  công văn khẩn gửi các Đội QLTT về việc rà soát, phát hiện, kiểm tra, xử lý các hành vi kinh doanh rau, củ, quả không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm
Cục QLTT TPHCM vừa yêu cầu các Đội QLTT khẩn trương rà soát, phát hiện, kiểm tra, xử lý các hành vi kinh doanh rau, củ, quả không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm. Ảnh: QLTT

Theo ông Đỗ Đăng Việt Trí, ở nhiều nước, nông sản của từng hộ nông dân được đóng dấu riêng ngay tại đồng ruộng, có mã số vùng trồng. Còn ở Việt Nam, do không có quy định này nên DN thu gom sản phẩm của cả vùng rồi để chung với nhau nên không thể kiểm soát và truy được rau do ai trồng. Do đó, ngoài cấp mã số vùng trồng, Việt Nam cần có các công ty thu mua chuyên nghiệp và có cơ quan quản lý giám sát những công ty này.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh - Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch (AFT) - cho biết, theo Luật An toàn thực phẩm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý chợ đầu mối, Bộ Công thương quản lý các siêu thị và trung tâm thương mại. Nhưng hiện nay, ngành công thương đang quản lý chợ đầu mối, cơ quan quản lý thị trường chống gian lận thương mại, ban quản lý an toàn thực phẩm lo về độ an toàn của thực phẩm. Chính vì chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành chồng chéo nên việc quản lý, giám sát còn lỏng lẻo, không ai chịu làm thực sự và chịu trách nhiệm. 

Theo quy định hiện hành, các cơ sở thương mại phải có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm và chỉ được bán sản phẩm đạt tiêu chuẩn theo giấy chứng nhận. Nhưng, các cơ sở lại có quyền tự khai các nội dung về an toàn thực phẩm, tự chịu trách nhiệm với các nội dung đã khai, còn quá trình sản xuất như thế nào, có làm theo quy định hay không thì không ai biết bởi không có đơn vị nào thực sự chịu trách nhiệm thanh tra, kiểm tra.

Truy xuất nguồn gốc điện tử bằng mã QR là công cụ để nhà sản xuất/thương mại đưa thông tin chứng minh quá trình sản xuất thực phẩm, gồm sản xuất, thu hoạch, sơ chế, tiêu thụ. Tuy nhiên, Luật An toàn thực phẩm không có quy định về việc này, cũng không định nghĩa thế nào là truy xuất nguồn gốc. Nhiều nhà sản xuất đã cung cấp mã QR chiếu lệ, chỉ nêu địa chỉ văn phòng đại diện, cơ sở sản xuất. 

Nhà bán lẻ không thể né tránh trách nhiệm

Luật gia Phan Thị Việt Thu - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM - cho rằng, các nhà bán lẻ (như Winmart+, Bách Hóa Xanh, Tiki Ngon, 3Sạch...) bán sản phẩm không đúng xuất xứ, chất lượng, nhãn hiệu... thì phải chịu trách nhiệm với người tiêu dùng chứ không thể đổ hết trách nhiệm cho nhà cung cấp. Đơn vị bán hàng ký hợp đồng với nhà cung cấp thì phải có trách nhiệm nắm rõ nguồn gốc, chất lượng sản phẩm được cung cấp và phải chịu trách nhiệm về sản phẩm mà mình bán ra. 

Một số đơn vị bán lẻ khẳng định sẽ bồi thường cho người tiêu dùng về thiệt hại vật chất, tinh thần. Luật gia Phan Thị Việt Thu cho rằng, đây là kiểu “nói cho có lệ” bởi người tiêu dùng không thể có đủ cơ sở để được bồi thường, trừ khi bị ngộ độc sau khi ăn sản phẩm mua tại cửa hàng. Trong khi đó, sản phẩm không đảm bảo chất lượng sẽ tác động tới sức khỏe lâu dài. Chưa kể, người tiêu dùng ít khi giữ lại hóa đơn mua hàng để có cơ sở khiếu nại. 

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM - trách nhiệm của chuỗi bán lẻ là phải có hệ thống quản lý chất lượng, chọn kỹ nhà cung cấp, lấy mẫu hàng kiểm nghiệm hằng ngày, hằng tuần, hằng tháng; nếu phát hiện sản phẩm không đạt chuẩn thì trả lại hàng cho nhà cung cấp. Tình trạng rau gắn mác VietGAP bán trong siêu thị, cửa hàng tiện lợi thuộc trách nhiệm của cả nhà cung cấp lẫn siêu thị, cửa hàng. 

Bà Phong Lan thông tin thêm, trong quá trình kiểm tra, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM ghi nhận tình trạng siêu thị, bếp ăn tập thể chỉ ký hợp đồng với công ty sản xuất thực phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP nhưng thực tế lại mua rất ít hàng của công ty so với lượng hàng bán ra, tiêu thụ. Lực lượng kiểm tra đã yêu cầu siêu thị, bếp ăn trình hóa đơn để xem xét số lượng mua và bán thực tế. Trước đây, ban cũng kiểm tra vùng trồng rau, củ của một số chuỗi bán lẻ nhưng sản lượng thực tế rất ít và họ thường mua thêm từ nhà cung cấp khác. 

Nhà bán lẻ phải kiểm tra tận vùng trồng

Theo quy định, người nào bán hàng thì người đó phải chịu trách nhiệm về hàng hóa, chất lượng hàng hóa bán ra. Nhà bán lẻ phải đảm bảo mua, bán hàng đúng tiêu chuẩn chất lượng, đúng quy định của pháp luật nên không thể không nhận trách nhiệm khi có sai phạm liên quan đến hàng hóa bán ra. Nhà bán lẻ phải có nhiệm vụ xác định rõ nhà cung cấp nào đã tráo hàng. 

Không loại trừ tình trạng mua rẻ bán đắt, gian lận thương mại vì lợi nhuận. Để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, ngoài sự kiểm tra của cơ quan chức năng, nhà bán lẻ phải có hệ thống quản lý chất lượng, kiểm tra mẫu thực phẩm thường xuyên và phải đến tận vùng trồng để chắc chắn sản phẩm đạt chuẩn VietGAP, tránh tình trạng giả mạo VietGAP. Nếu làm việc thiếu trách nhiệm, có thể nói nhà bán lẻ vô tình tiếp tay cho nhà cung cấp làm ăn gian dối. Cơ quan quản lý sẽ xác định vi phạm và xử lý nghiêm, đúng đối tượng. 
 

Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh - nguyên giảng viên Viện Công nghệ và Thực phẩm, Trường đại học Bách khoa Hà Nội 

Nguyễn Cẩm - Thanh Hoa

 

 

Xem thêm: lmth.4153741a-naot-na-cam-nag-coud-naot-na-gnohk-uc-uar-neihk-oh-ek/nv.moc.enilnounuhp.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“ Kẽ hở khiến rau củ không an toàn được gắn mác an toàn ”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools