Khi giá thịt tăng cao, ngày càng nhiều người tiêu dùng Mỹ áp dụng chế độ ăn chay.
Chế độ ăn chay một phần và ăn thuần chay ngày càng trở nên phổ biến trong những năm gần đây. Ngày càng nhiều người Mỹ không sử dụng các sản phẩm từ động vật vì các lý do sức khoẻ, đạo đức và môi trường. Tuy nhiên, hiện tại, nhiều bài đăng trên các trang mạng xã hội cho thấy người tiêu dùng chuyển sang ăn chay chủ yếu là do vấn đề về tài chính, khi giá thịt tăng cao trở thành vấn đề nóng.
Theo số liệu của Bộ Lao động Mỹ, giá thịt bò, cá và gia cầm ở quốc gia này đã tăng 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trung bình của thịt bò bít tết là 9,54 USD/pound vào cuối tháng 8, giảm từ mức cao kỷ lục 10,23 USD vào tháng 11 nhưng vẫn cao hơn 25% so với tháng 8/2019, Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết.
Tamara Sylvestre - một người mẹ đơn thân sống ở Chicago, cho biết, do chi phí đắt đỏ, cô đã quyết định ăn chay nhiều hơn. Trong những tháng gần đây, nhân viên HR 33 tuổi, bắt đầu cắt giảm tiêu thụ thịt gà, cá hồi và tôm khi thấy giá tăng vào mỗi lần đi siêu thị. Đến tháng 7, cô đã cắt giảm toàn bộ thịt ra khỏi chế độ ăn, chỉ đến khi có 1 đợt hạ giá đặc biệt ở cửa hàng cô hay ghé thăm hay những ngày bố mẹ đến chơi.
Giá thịt bò bít tết chưa qua chế biến ở Mỹ.
Tamara chia sẻ: "Tôi vẫn có thể sống mà không có thịt khi giá tăng cao như thế này." Tuy nhiên, thi thoảng cô vẫn mua gà rán cho con gái 11 tuổi.
Trong khi một số người tiêu dùng Mỹ cho biết họ áp dụng chế độ ăn chay một phần khi chờ giá hạ nhiệt, thì những người ăn chay trường lại càng có thêm lý do để áp dụng chế độ này vĩnh viễn.
Mary Parrish - nhà sản xuất phim hoạt hình 28 tuổi ở Atlanta, bắt đầu trao đổi sữa để lấy các loại kem làm từ thực vật và đổi gà rán lấy thịt gà chay từ cách đây khoảng 6 tháng. Khi thấy gói ức gà mà cô từng mua tăng từ 13 USD lên 20 USD, cô quyết định bỏ thịt ra khỏi những bữa ăn hàng ngày nấu ở nhà.
Khi có nhiều sản phẩm thay thế còn đắt hơn cả thịt, Mary sẽ làm pizza mà không có xúc xích pepperoni hay ăn bánh burrito với một bát đầy rau. Cô nói: "Những bữa ăn như vậy tốt cho môi trường và có giá rẻ hơn."
Ở Mỹ, chỉ riêng giá thịt bò đã tăng mạnh khi tình trạng hạn hán ở miền Tây xảy ra, khiến các trang trại bị ảnh hưởng nặng nề và có thể khiến nguồn cung bị thắt chặt trong nhiều năm. Từ các siêu thị cho đến cửa hàng bít tết sang trọng, các nhà cung cấp đều cảnh báo rằng người tiêu dùng có thể phải đối mặt với tình trạng tăng giá mạnh, đặc biệt là các loại thịt thượng hạng.
Ngoài ra, việc các nhà máy chế biến thịt ở khắp nước Mỹ buộc phải đóng cửa do ảnh hưởng của dịch bệnh cũng tác động đến giá thịt. Hiện tại, giá thịt ở Mỹ cao hơn nhiều so với mức trước đại dịch là năm 2019, khi thịt sườn có giá 6 USD/pound và thịt thăn là 9 USD/pound.
Chưa dừng ở đó, chi phí thức ăn cho gia súc cũng tăng cao do ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine, quốc gia sản xuất 40% sản lượng ngũ cốc của thế giới. Theo số liệu của ngành, một giạ ngô có giá cao hơn 1,25 USD so với năm ngoái, tương đương khoảng 7 USD, và cao hơn khoảng 3 USD so với năm 2019.
Tham khảo Bloomberg; NY Post
Xem thêm: nhc.79704019032902202-tad-auq-tiht-iv-yahc-na-gnas-neyuhc-iougn-ueihn-gnac-yagn-ym/nv.fefac